Đề xuất về quyền của nguyên thủ, chính phủ

24/07/2012 03:35 GMT+7

Tổ chức bộ máy nhà nước, chế định kinh tế, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992 - Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung là chủ đề hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp (UB Thường vụ Quốc hội) tổ chức hôm 23.7 tại TP.HCM.

Đề xuất về quyền của nguyên thủ, chính phủ
Quang cảnh hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức ngày 23.7 tại TP.HCM - Ảnh: Đình Phú

Về vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, GS-TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề cập đến vị trí và vai trò Chủ tịch nước trong mối quan hệ với các cơ quan quyền lực nhà nước Trung ương. “Chủ tịch nước là một chức vụ cao nhất của Nhà nước, một cơ quan nhà nước đặc biệt, trong một chừng mực nhất định có sự tham gia thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, ông Dung nói, đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện chế định nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp mới.

Đó là ngoài việc giữ nguyên những quy định trong Hiến pháp 1992 thì cần được sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung mới. Cụ thể, Chủ tịch nước do nhân dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là 5 năm, không theo nhiệm kỳ của Quốc hội nhằm bảo đảm sự thường xuyên, không bị gián đoạn của quyền lực nhà nước và sự thống nhất của quyền lực nhà nước. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho việc thực hiện quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước phải trực tiếp phong hàm các cấp tướng lĩnh cao cấp trong quân đội.

Về vị trí, chức năng, quyền hạn của Chính phủ, theo TS Tô Văn Hòa (Trường ĐH Luật Hà Nội) đề xuất: “Quyền hạn của Chính phủ cần được xác định theo một số tiêu chí lý luận nhất định, trong đó đặc biệt là phải phù hợp với chức năng, vị trí của Chính phủ, đáp ứng được đòi hỏi của từng thời kỳ và phải trên cơ sở phân biệt rõ giữa quyền hạn của Chính phủ và các thành viên Chính phủ”. Theo TS Hòa, chức năng hành pháp của Chính phủ cần được phân biệt với chức năng hành chính nhà nước; Chính phủ không có chức năng hành chính, không nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính mà nằm trên hệ thống này, lãnh đạo hệ thống này.

Trước nhiều ý kiến và đề xuất khác nhau của các đại biểu, TS Bùi Ngọc Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong bài tham luận của mình lại cho rằng sửa đổi Hiến pháp khác với làm Hiến pháp. Khác với lập hiến, tu chính Hiến pháp là một quyền lực giới hạn. Nếu lập hiến là một quyền lực nguyên thủy và không có giới hạn (nghĩa là nhà lập hiến không bị ràng buộc bởi một thủ tục pháp lý nào), thì tu chính Hiến pháp là một quyền lực hạn chế do phải tuân thủ Hiến pháp. Vì vậy, sửa đổi Hiến pháp phải giữ lại bản sắc của Hiến pháp, tính chỉnh thể của Hiến pháp. Cơ quan sửa đổi không được thay đổi cấu trúc cơ bản của chính quyền hay hệ thống chính trị mà Hiến pháp xác lập. Tuy nhiên, Hiến pháp Việt Nam không đặt một giới hạn nào đối với việc sửa đổi Hiến pháp.

Trao đổi với PV Thanh Niên bên lề hội thảo, TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - nói: “Những ý kiến nêu ra tại hội thảo, nếu đạt được sự nhất trí cao thì sẽ làm cơ sở phục vụ cho việc sửa đổi Hiếp pháp sắp tới. Nội dung Hiến pháp cần nêu bật những vấn đề cốt lõi, cô đọng, khái quát vì từng lĩnh vực cụ thể chúng ta đã có những luật riêng. Hiến pháp quy định càng cụ thể, càng chi tiết bao nhiêu thì tuổi thọ càng ngắn bấy nhiêu”.

Đình Phú

>> MTTQ VN kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992: Cần một đạo luật riêng về Đảng
>> Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Đẩy nhanh tiến độ thực hiện sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.