Huyền thoại cỏ xanh

24/07/2012 03:25 GMT+7

Không thể có sự so sánh nào để nói về sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ. Càng xót xa hơn khi đến nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị), nơi các anh nằm xuống đã mấy chục năm rồi mà đến cái tên cũng chưa biết khi nào tìm lại được.

Nỗi đau không tên

Ở Đường 9, có hơn 6.000 ngôi mộ chưa có tên… Đó là nỗi đau của hàng ngàn thân nhân khi cầm những nén hương nhưng biết tìm đâu chồng, cha, con em mình giữa điệp trùng mộ chí. Là sự xót xa khi chứng kiến những người mẹ, người vợ, người chị bỏ ra hàng chục năm trời đi tìm các anh để rồi trở về Đường 9 phủ phục trước một ngôi mộ vô danh, òa khóc… Đó cũng chính là nỗi buồn của những người hằng ngày chăm lo cho các anh trong nghĩa trang này, một nỗi buồn mà theo ông Ngô Thanh Hoài -  Quyền trưởng ban Quản lý nghĩa trang Đường 9 - thì không biết bao giờ nguôi.

Hiểu và thông cảm sâu sắc cho khát khao tìm ra mộ phần người thân của thân nhân liệt sĩ, nhưng cũng không ít lần ông Hoài và anh em trong ban vẫn phải cương quyết với những hành vi tiêu cực như câu kết với các phần tử xấu bên ngoài nửa đêm vào bốc trộm mộ liệt sĩ… “Chúng tôi muốn nói với các thân nhân liệt sĩ hãy yên tâm rằng, các anh vào đây ai cũng giống ai… Vào các ngày lễ, tết, chúng tôi làm giỗ cho ông bà tổ tiên mình như thế nào thì cũng cố gắng làm cho các anh hùng liệt sĩ tươm tất như thế đó…” - ông Hoài nhắn nhủ.

Và ai đó cũng đã từng nói với tôi rằng, dẫu chưa tìm được danh tính, nhưng các anh vẫn được yên nghỉ trong sự tri ân của đồng bào. Không tên, không tuổi, không quê quán, người ta gọi chung các anh là những anh hùng…

Những sự trùng lặp kỳ lạ

Mỗi năm nghĩa trang Đường 9 đón chừng 25.000 đến 30.000 lượt khách đến tham quan, và hẳn cũng sẽ có ngần đó câu chuyện mang màu sắc tâm linh xung quanh nghĩa trang này được rỉ tai từ người này sang người khác. Riêng ông Hoài lại nói, dù gắn đời mình với nghĩa trang nhưng ông không có thói quen nghe và tin những câu chuyện lưu truyền bên ngoài, bởi với ông ở đó sự thật và dối trá luôn lẫn lộn, niềm tin cũng rất mong manh. Dù vậy vẫn có 2 câu chuyện trùng lặp ngẫu nhiên mà chính ông đã chứng kiến, làm ông không thể nào quên được…

Theo ông Hoài thì sự việc xảy ra cách đây chừng 10 năm, có người nguyên là lãnh đạo của một tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên đến nghĩa trang đặt vấn đề. “Ông này nói có vợ là liệt sĩ T.T.P, hy sinh tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị) vào năm 1971 khi đang trên đường trở lại Tây nguyên. Ông ấy không giấu giếm mà trình bày với chúng tôi và cả lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh chuyện đi coi ở một ông thầy rất giỏi và được thầy phán rằng vợ ông đang nằm ở một vị trí trong nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Dù không có cứ liệu rõ ràng nhưng với niềm tin của mình, ông ấy xin phép gắn bia lên ngôi mộ và suốt nhiều năm trời vào ra hương khói, chúng tôi cũng không dám cản…” - ông Hoài chậm rãi kể.

Phấn khởi sau nhiều năm mới lần tìm ra vợ, ông này đã vội vàng thông báo tin vui cho con trai của ông và liệt sĩ P., lúc này đang công tác ở nước ngoài. Dù rất hoài nghi nhưng người con trai đã rất tâm lý khi không gạt phăng niềm tin mãnh liệt của cha, vẫn động viên ông hương khói đều đặn. “Đến năm 2003, anh ta trở về và lại tìm đến chúng tôi xin được lấy mẫu ở ngôi mộ đó để đưa đi giám định ADN. Kết quả cho thấy ngôi mộ này chính là của liệt sĩ T.T.P… Dù rất bất ngờ nhưng ai cũng hạnh phúc với điều này” - ông Hoài kể.

Một câu chuyện nữa cũng được ông Hoài nhắc lại trong cuộc trò chuyện. Đó là về gia đình ông T., một cán bộ cấp cao của Bộ Y tế thời bấy giờ đến nghĩa trang, khăng khăng rằng một ngôi mộ vô danh chính là người thân của ông và xin lấy mẫu đi giám định ADN. Ông Hoài đã không cản vì sợ ông T. mất niềm tin và chỉ khuyên ông T. nên lấy mẫu thêm hai ngôi mộ bên cạnh cho chắc ăn. “Ông ấy đã làm theo và quả thật một trong ba ngôi mộ đó có người thân của ông ấy và hai ngôi mộ còn lại nay cũng đã xác định được danh tính…” - cho đến tận bây giờ ông Hoài vẫn vui vì câu chuyện này.

Ông Hoài cũng cho hay, hiện nay mỗi năm có chừng trên dưới 20 trường hợp thân nhân liệt sĩ đến xin mẫu hài cốt để đưa đi xét nghiệm ADN nhưng không phải lúc nào tin vui cũng đến. “Phải có một căn cứ nào đó Sở LĐ-TB-XH và Ban Quản lý mới cho lấy mẫu chứ không lấy ào ào được. Vì mỗi lần như vậy phải đào mộ lên, xót xa lắm chứ, bất đắc dĩ mới làm chứ nào ai muốn thế…” - ông Hoài nói.

Rảo bước qua những hàng mộ thẳng hàng trong nghĩa trang Đường 9, tôi bắt gặp một chàng trai trẻ đang tỉ mẩn nhặt những chiếc lá khô vương vãi. Anh là Nguyễn Thế Lâm (24 tuổi), một người trẻ hiếm hoi chọn lựa gắn đời mình với nghĩa trang liệt sĩ. Công việc chính của anh là dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc mộ và tổ chức các lễ viếng tại tượng đài chính…

Hỏi ra mới biết cha của Lâm cũng là người có thâm niên gần 30 năm chăm sóc mộ tại nghĩa trang Trường Sơn. Lâm bảo rằng từ dạo làm việc trong nghĩa trang này với anh buồn có, vui có và tự hào vẫn là phần nhiều…

Trong ráng chiều thành phố, những đoàn khách và cả những người bán hàng tạp hóa trước cổng nghĩa trang cũng lũ lượt ra về, trong nghĩa trang Đường 9 chỉ còn lại mộ bia và những người quản trang tận tụy.

Với diện tích hơn 15 ha, nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nơi an nghỉ của 10.600 liệt sĩ (trong đó mới chỉ có khoảng 4.000 liệt sĩ có tên, quê quán rõ ràng). Những ngày đầu tháng 6 này, nghĩa trang Đường 9 tiếp tục được sửa chữa nâng cấp thêm một lần nữa, mọi công việc đang rất khẩn trương để kịp đón các đoàn khách vào dịp  27.7 tới đây.

Nguyễn Phúc

>> Ra mắt “Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến”
>> Chôn thịt heo bẩn trong nghĩa trang liệt sĩ
>> Đoàn nhà văn Việt - Mỹ viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
>> Dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia
>> Nghĩa trang liệt sĩ nằm trong trường học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.