Ở nhà trọ như ở ngoài trời

21/07/2012 05:10 GMT+7

Hàng ngàn sinh viên (SV) ở TP.HCM đang khổ sở vì chất lượng nhà trọ quá kém.

Các dãy nhà trọ dành cho SV tại khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM (khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) có giá khá rẻ, dao động từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa với chất lượng phòng không cao.

Hầu hết các dãy phòng trọ là nhà cấp 4. Tường cao chưa đến 3 m, mái lợp tôn, nền ẩm thấp, nhiều phòng không có cửa sổ, cửa chính là những mảnh gỗ ghép tạm bợ. Sống trong phòng trọ với cánh cửa gỗ bị thủng nhiều chỗ, Phạm Trường Anh - SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nói: “Giá phòng 600.000 đồng/tháng hợp với mức sống của SV”.

Có những dãy phòng trọ xuất hiện nhiều vết rạn nứt dọc theo bức tường. Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng có thể ập đến bất ngờ, nhiều SV hằng ngày vẫn sinh hoạt, học tập trong những nhà trọ đó. Đào Tiến - SV Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM nói: “Tường của phòng trọ nứt từ trước khi mình chuyển đến, nhưng ở rồi cũng quen. Muốn tìm phòng khác thì cũng không còn, vì SV trước khi về nghỉ hè đã đặt phòng hết rồi”.

Bên cạnh việc xây mới các dãy nhà cấp 4, người dân địa phương tận dụng các hàng quán, sửa sang lại rồi cho thuê với giá rẻ. Chú Thảo - chủ một phòng trọ trong hẻm dẫn ra Trường ĐH Khoa học tự nhiên - vừa đưa tay giật thanh tre treo lủng lẳng trên mái tôn vừa nói: “Nhìn vậy thôi chứ không sập được, cơn bão số 1 vừa rồi, mái tôn có bị tốc đâu. Chú sẽ sửa lại cho khỏi dột rồi đầu năm học cho SV thuê với giá hơn 1 triệu đồng/tháng”.

Xung quanh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có những khu nhà trọ phải đi qua con hẻm đất nhỏ, hai bên cỏ dại mọc um tùm. Qua một cây cầu được ghép bởi những mảnh gỗ thưa, bên dưới là rãnh nước thải hôi hám dẫn đến khu trọ mà nhiều SV đặt tên “mê cung giữa làng ĐH”, Phạm Việt Triều - SV Trường ĐH Luật TP.HCM chia sẻ: “Không phải ai cũng có điều kiện, vì chi phí trong trung tâm đắt đỏ nên mình chuyển xuống đây ở trọ, phòng này mình thuê với giá 700.000 đồng/tháng chưa tính điện nước”. Giải thích cho việc thuê một phòng chỉ rộng 8 m2 vừa đủ để chiếc xe máy và giường ngủ, Triều nói: “Khu vực này sắp bị giải tỏa rồi nên xung quanh đây họ chỉ xây phòng trọ tạm bợ thôi, lấy đâu ra phòng tốt cho mình thuê”.

Phạm Tú Anh - SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kể lại: “Cơn bão số 1 vừa qua, dãy trọ mình ở có 4 phòng thì tất cả đều bị tốc mái, đồ đạc ướt hết, may mà người không bị sao. Giữa đêm, mình phải sang nhà bạn ngủ nhờ”.

Không chỉ sống trong những căn phòng xuống cấp, nhiều SV còn phải chịu tiền điện nước cao gấp 2 giá quy định của Nhà nước. Lê Thị Hoa - SV Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM bức xúc: “Hằng tháng, mình phải trả tiền điện cho chủ nhà trọ với giá 3.600 đồng/Kwh, cao gấp 3 lần giá điện nhà nước hiện tại, nhưng cũng đành chịu chứ biết kêu ai”.

Trong khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM, các dãy trọ sử dụng chủ yếu nguồn nước từ giếng khoan, nhiễm phèn nặng. Nếu muốn dùng nước máy, SV phải trả số tiền rất cao. Phương Nhã - SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Mình dùng nước máy với giá 19.000 đồng/m3, thắc mắc sao đắt thế thì chủ trọ nói nước lấy từ các trường ĐH, trường bán giá nào thì họ bán cho SV giá đó. Ở đây cũng có nước giếng với giá 6.000 đồng/m3, do mình sợ nước bẩn vì thường xuyên có chuột bọ rơi xuống nên đành dùng nước đắt nhưng đảm bảo”.

Ông Trần Tấn Minh - Chủ tịch UBND P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM - cho biết: “Khu vực này đang trong quá trình quy hoạch, nhà ở của người dân đã có quyết định thu hồi. Do vậy, các chủ trọ không muốn đầu tư, nâng cấp, dẫn đến tình trạng nhiều nhà trọ xuống cấp. Với những nơi không ổn định như khu phố 6, chủ trọ khó xin định mức điện, nước nên giá cao. Phường chỉ còn cách vận động người dân kinh doanh điện, nước theo giá nhà nước trong các khu nhà trọ dành cho người có thu nhập thấp”.

Hải Yến

>> Hài cốt giữa phòng trọ
>> “Dê” trong phòng trọ
>> Hàng loạt phòng trọ sinh viên bị trộm đồ dịp tết
>> Phòng trọ tăng giá
>> Phòng trọ “bình ổn giá”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.