Đòn gió của CNOOC

19/07/2012 03:25 GMT+7

Tập đoàn Trung Quốc nói việc mở thầu phi pháp đối với 9 lô dầu khí của VN “tiến triển khả quan”, nhưng thực tế có đúng như vậy?

Đến nay, chưa có một công ty dầu khí nào đặt tại Mỹ chính thức khẳng định sẽ tham gia hoặc quan tâm đến lời chào thầu trái phép đối với các lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam từ Tổng công ty dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Các chuyên gia quốc tế cũng nhận định khó có tập đoàn quốc tế nào, đặc biệt là các công ty đang hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), sẽ tham gia việc mở thầu nói trên.

 Đòn gió của CNOOC - Hoạt động của PVN và các đối tác trong EEZ Việt Nam vẫn diễn ra bình thường
Hoạt động của PVN và các đối tác trong EEZ Việt Nam vẫn diễn ra bình thường - Ảnh: Ngọc Thắng

Điều này chứng tỏ những tuyên bố mới nhất từ phía Trung Quốc là không có căn cứ. Reuters ngày 17.7 dẫn lời Chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm nói việc mời thầu đang “tiến triển khả quan và thuận lợi”. Ông Vương còn nói với các phóng viên bên lề một hội thảo về đầu tư Mỹ - Trung là “một số công ty đặt tại Mỹ đã thể hiện sự quan tâm đối với các dự án này”.

Không quan tâm

Thanh Niên đã liên lạc với khoảng 50 công ty dầu khí được xem là lớn và có trụ sở đặt tại Mỹ. Kết quả là chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào khẳng định việc các công ty Mỹ tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí nói trên. Các tập đoàn lớn thì phản ứng dè dặt hơn nhưng vẫn không xác nhận việc tham gia. Ông John McLemore, cố vấn cấp cao của tập đoàn ConocoPhillips, nói với Thanh Niên: “Trừ khi công ty công bố chính thức, nếu không chúng tôi không bình luận gì về các hoạt động thương mại đang diễn ra của mình”. Tập đoàn Exxon Mobil - vốn đang hợp tác khai thác dầu khí với cả Việt Nam và Trung Quốc - cũng hết sức dè dặt. Người phát ngôn Patrick McGinn nói: “Những vấn đề liên quan đến chủ quyền thì chỉ có cấp chính phủ mới giải quyết được. Chúng tôi không thể đưa ra bất cứ bình luận nào vào thời điểm này”.

 

Lời mời thầu nhằm để các công ty phương Tây dè dặt trong việc tham gia đầu tư các dự án khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Nhưng hành động này của CNOOC đã phản tác dụng

Giáo sư Carl Thayer

Theo các chuyên gia quốc tế, thái độ thận trọng của các công ty lớn vào thời điểm này cũng đồng nghĩa với việc rất ít khả năng họ có quan tâm hay tham gia lời mời thầu từ phía Trung Quốc. Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) nhận định với Thanh Niên: “Thật khó tin là các công ty lớn của Mỹ lại có thể “quan tâm” với các lời mời thầu như vậy trong bối cảnh này. Có chăng là các công ty nhỏ, đặc biệt là khi các cam kết dự án còn lỏng lẻo, sẽ tham gia rồi sau đó chuyển nhượng lại cho các công ty lớn khi điều kiện chín muồi. Điều này tuy chứa đựng nhiều rủi ro nhưng đã từng xảy ra trong quá khứ với các dự án khác trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu có các công ty như vậy thì tư cách của họ giống một con bạc hơn là công ty khai thác dầu khí”.

Phản tác dụng

Sau việc mời thầu trái luật của CNOOC, PVN khẳng định vẫn hoạt động bình thường tại 9 lô dầu khí hợp tác với Nga, Ấn Độ, Mỹ và các dự án vẫn triển khai như đã cam kết.

Đại diện của Tập đoàn Gazprom (Nga) cho Thanh Niên hay: “Gazprom đã hợp tác thành công với các đối tác Việt Nam tại các dự án nói trên từ năm 2009 và cho dù những vấn đề liên quan đến phạm vi giải quyết cấp chính phủ nằm ngoài khả năng của chúng tôi, cho đến giờ phút này Gazprom vẫn chưa nhận được bất kỳ một thông tin hay chỉ đạo nào để ngưng các dự án đó”. Bên cạnh đó, theo tờ The Wall Street Journal, Tập đoàn dầu khí quốc gia ONGC (Ấn Độ) cũng sẽ tiếp tục các hoạt động hợp tác khai thác với PVN tại lô 128 thêm 2 năm nữa.

Theo TS Valencia, “quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ là không bao giờ khuyến khích các công ty của họ mạo hiểm tham gia các lời mời thầu đầy rủi ro như của CNOOC. Và cụ thể là họ sẽ càng không khuyến khích các công ty của mình chấp nhận lời mời thầu của Trung Quốc tại các lô nói trên”. Ông kết luận: “Tôi cho rằng CNOOC đang “ra đòn gió” vào lúc này”.

Và do vậy, theo Giáo sư Carl Thayer (Úc), “lời mời thầu nhằm để các công ty phương Tây dè dặt trong việc tham gia đầu tư các dự án khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Nhưng hành động này của CNOOC đã phản tác dụng”.

Ngang ngược bầu “thị trưởng Tam Sa”

Nhật báo Hải Nam ngày 18.7 dẫn lời Phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) Tất Chí Cường ngang ngược tuyên bố: “TP.Tam Sa” đang ráo riết bầu thị trưởng từ danh sách đề cử từ 10 người trở lên. Ngoài ra, nước này sẽ chọn “Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân khóa 1 TP.Tam Sa” với 15 người, còn toàn bộ cái gọi là Cơ quan lập pháp Tam Sa sẽ có 60 người. Như vậy Trung Quốc vẫn đang tiến hành kiện toàn bộ máy quản lý của TP.Tam Sa, vốn được thành lập phi pháp và bao trùm 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Lucy Nguyễn

An Điền

>> Trung Quốc: CNOOC từ bỏ kế hoạch mua tập đoàn dầu của Mỹ
>> Tàu cá Trung Quốc dậy sóng biển Đông
>> Những lực lượng khuấy động biển Đông
>> Học giả quốc tế khẳng định 9 lô dầu khí Trung Quốc mời thầu đều nằm tại Việt Nam
>> Trung Quốc mở thầu 9 lô dầu khí là việc làm sai trái
>> Thời báo Hoàn Cầu" lại có giọng điệu ngang ngược
>> Trung Quốc ngang ngược cấm đánh cá ở biển Đông  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.