Âm mưu “tàu cá” Trung Quốc

18/07/2012 05:35 GMT+7

Trung Quốc xua 30 “tàu cá” đến Trường Sa không chỉ để đánh bắt hải sản mà còn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý.

Ngày 17.7, truyền thông Trung Quốc tiếp tục đồng loạt đưa tin về đội tàu cá nước này đang đánh bắt (trái phép) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, đội tàu bắt đầu chiến dịch đánh bắt ở khu vực Đá Chữ Thập vào tối 16.7. Đội tàu này gồm tàu chỉ huy Quỳnh Tam Á F8168 với độ choán nước 3.000 tấn và 29 tàu đánh bắt trọng tải 140 tấn. Theo kế hoạch, đội tàu chuyến đến gần Đá Su Bi vào sáng 17.7.

Khác với những đánh bắt trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa trước đây, lần này truyền thông Trung Quốc đưa tin rất chi tiết và liên tục cập nhật tình hình. Điều này cho thấy Bắc Kinh ngày càng công khai các hành động sai trái để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của họ. Ngày 17.7, Kinh Hoa thời báo dẫn lời bà Trương Khiết thuộc Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc, ngang nhiên cho rằng việc đưa tàu cá ra Trường Sa là “hành động thể hiện chủ quyền thiết thực, hiệu quả hơn đưa tàu hải quân tuần tra”.

Tàu ngư chính 310 bảo vệ tàu cá Trung Quốc gần Đá Chữ Thập - Ảnh: Chinanews24.ne
Tàu ngư chính 310 bảo vệ tàu cá Trung Quốc gần Đá Chữ Thập - Ảnh: Chinanews24.ne
 

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại những mẻ lưới theo kiểu tận thu của ngư dân Trung Quốc sẽ làm cạn kiệt nguồn hải sản, hủy hoại đa dạng sinh học của cả vùng biển. Nhất là khi vẫn còn “lù lù” tàu công xưởng chế biến hải sản khổng lồ Hải Nam Bảo Sa 001 được Bắc Kinh đưa ra biển Đông từ tháng 5. Khi đó, tờ China Daily từng phải thừa nhận: “Lối đánh bắt bất chấp dùng cả thuốc nổ và muối độc xyanua của nhiều ngư dân Trung Quốc góp phần khiến một số loài cá diệt chủng và nguồn thủy sản ven bờ cạn kiệt”. Việc giảm nguồn thủy sản ven bờ khiến nhiều địa phương ồ ạt đẩy tàu cá ra vùng tranh chấp hoặc thậm chí xâm phạm vùng biển nước khác.

Theo China Daily, chỉ riêng lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã bắt giữ 2.600 tàu cá và 800 ngư dân trong giai đoạn 2006-2011. Khi bị chặn bắt, ngư dân Trung Quốc thường hung hãn chống trả bằng dao, dùi cui hay thậm chí đâm tàu. Đơn cử là các vụ đâm tàu vào tàu tuần duyên Nhật trên biển Hoa Đông hồi năm 2010, đụng độ làm thiệt mạng một cảnh sát biển Hàn Quốc cuối năm ngoái hay va chạm với cảnh sát biển Palau và một ngư dân bị bắn chết vào đầu tháng 4.

Trong một hành động có thể gây quan ngại khác, Trung Quốc dự kiến cho tàu lặn Giao Long lặn ở biển Đông vào năm 2013, theo Tân Hoa xã.

Tuần duyên Nga bắn tàu cá Trung Quốc

Lực lượng tuần duyên Nga ở vùng Viễn Đông buộc phải khai hỏa nhằm ngăn chặn một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng biển của nước này. RIA-Novosti dẫn lời giới chức địa phương ngày 17.7 cho hay con tàu bị bắt chở 22,5 tấn mực ống và có thủy thủ đoàn 17 người. Một thủy thủ khác bị mất tích trên biển. Khi bị khám xét, những người này không thể xuất trình giấy phép đánh bắt. Không có thương vong trong vụ việc. Trung Quốc đã xác nhận về thông tin trên.

Văn Khoa

>> Tuần duyên Nga bắn tàu cá Trung Quốc
>> Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại Trường Sa
>> Tàu cá Trung Quốc dậy sóng biển Đông
>> Đội tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa
>> Tám thuyền viên tàu cá đang chờ cứu hộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.