Tầm nã tội phạm - Kỳ 2: Cô giáo 17 năm trốn chạy

17/07/2012 03:45 GMT+7

Có lẽ nếu không có sự cảm thông, chia sẻ của những trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Quảng Trị) thì không biết cuộc sống bụi bờ của “cô giáo” Lê Thị Thanh Hương kéo dài đến bao giờ.

>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 1: Bước sa chân của một cán bộ phụ nữ

Đường về ai cũng biết, nhưng đối với người phụ nữ ấy, cái nắm tay thật chặt của cơ quan thực thi pháp luật đã giúp cô đủ can đảm để bước ra ánh sáng, đối diện với những lỗi lầm của mình sau 17 năm...

Vấp ngã bởi đồng tiền

Trước năm 1994, người dân thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) biết đến Lê Thị Thanh Hương (trú P.1) là cô giáo dạy văn của một trường THCS. Một vị cảnh sát hình sự đang công tác tại Công an thị xã Quảng Trị từng tham gia điều tra về nhân thân của cô giáo Hương dạo ấy kể lại rằng: như bao đồng nghiệp cùng thời, cô giáo Hương và chồng (anh T., cũng làm giáo viên) phải sống nhờ đồng lương còm cõi, khốn khó trăm bề. Nhưng khác với những giáo viên tìm đến công việc chân tay, nặng nhọc như trồng rau, nuôi heo, nấu rượu... để kiếm thêm thu nhập thì cô giáo Hương lại lao vào một cuộc chơi với đồng tiền.

 Tầm nã tội phạm
Lê Thị Thanh Hương tại cơ quan điều tra - Ảnh do Công an tỉnh Quảng Trị cung cấp

Cô giáo dạy văn chỉ quen với bục giảng, với những vần thơ, dòng văn lãng mạn nay cuống cuồng trong vòng xoay kinh tế vốn không phải là nơi chốn dành cho cô. Hứa hẹn những người thân quen vay tiền trả lãi cao trong khi việc làm ăn luôn gặp thua lỗ và sau vỏn vẹn 1 năm tham gia thương trường, cô Hương đã mất khả năng trả nợ... Tháng 9.1994, thị xã bé nhỏ và bình yên bên dòng sông Thạch Hãn rúng động với thông tin cô giáo Hương cao chạy xa bay cùng với món nợ hàng trăm triệu đồng.

Ngày 15.10.1994, Công an thị xã Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy nã trên toàn quốc đối với Lê Thị Thanh Hương về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. “Động cơ để người ta trốn chạy có thể là do chưa hiểu biết về pháp luật, do sợ bị trả thù hoặc do tâm lý cứ gây án xong là bỏ trốn. Còn cô Hương là do mặc cảm, lo sợ vì số tiền là quá lớn (tính ở thời điểm đó), mà người cho cô Hương vay lại toàn là cán bộ, công nhân viên chức. Phần nữa vì đứa con đang lớn, cô lo sợ ảnh hưởng đến giọt máu của mình...” - thượng tá Trần Đức Triệu, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Quảng Trị) phân tích.

Diễn biến của cuộc “tầm nã” cô giáo Hương dù đã trải qua nhiều giai đoạn và kéo dài nhiều năm nhưng những trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Quảng Trị) vẫn nhớ như in. Đại úy Lê Thanh Dũng (Đội phó phụ trách Đội Tham mưu bắt truy nã và truy tìm) không giấu giếm câu chuyện rằng: “Lê Thị Thanh Hương đã “chọn” xã Quyết Tiến 2 (H.Krông Buk, Đắk Lắk) để ẩn náu, anh T. cũng bỏ dạy học, ôm con lên sống chung với vợ. Họ đã phải làm rẫy hoặc thu lượm ve chai để kiếm sống qua ngày. Dần dà cũng có được của ăn của để nhưng “cô giáo” Hương một lần nữa bị đồng tiền làm lóa mắt khi lao vào cờ bạc lô đề và đến năm 2002, cô phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” bị TAND tỉnh Đắk Lắk kết án 6 tháng tù cho hưởng án treo”.

Cũng theo đại úy Dũng, do chán ngán, anh T. lại cùng con đi biệt tích, còn cô Hương dẫu thoáng trong đầu nghĩ đến chuyện “đầu thú” nhưng tiếp tục mù quáng dấn thân phiêu bạt tận Long Khánh (Đồng Nai). “Ở đây, cô đã phải trải qua quãng thời gian khó khăn nhất trong đời khi phải chìm nổi với đủ thứ nghề chân tay cực nhọc (rửa bát, quét dọn, trông trẻ), hơn thế chỗ dựa gia đình cũng không còn. Nỗi cô đơn bủa vây người phụ nữ lầm lỗi, khát khao trở về với quê hương bản quán lớn lên trong cô hơn bao giờ hết...” - vị trinh sát trẻ chia sẻ.

Bức thư thú tội...

Trong một diễn biến khác, kể từ khi cô Hương cùng chồng con “mai danh ẩn tích”, Công an tỉnh Quảng Trị đã tìm mọi cách để lần tìm những manh mối. Mọi biện pháp nghiệp vụ đã được sử dụng, những trinh sát giỏi nhất cũng được tung vào cuộc “tầm nã”. Hầu như năm nào các trinh sát cũng đều về nhà tìm thân nhân của hai vợ chồng, động viên họ nói ra những thông tin dù là mù mờ nhất để lập tức lên đường xác minh. “Nhưng dường như chừng ấy năm, Hương đã không hề có một liên lạc nào với gia đình. Chúng tôi đã quay sang đi tìm anh T. (chồng của Hương) nhưng cũng như “mò kim đáy bể”, vụ án có nhiều khi rơi vào bế tắc...” - thượng tá Triệu nói.

Cho đến một ngày vào cuối năm 2010, một nguồn tin quý giá cho hay anh T. hiện đang làm bảo vệ cho một nhà hàng ở TP.Huế, con gái của họ nay đã vào đại học. Cũng thời gian này, bố của anh T. sắp qua đời nên một tổ trinh sát đã tiếp cận được anh T. và con ở H.Hải Lăng (Quảng Trị). Đắn đo nhiều nhưng đến 1 tháng sau anh T. đã cung cấp số điện thoại liên lạc của cô Hương cho cơ quan chức năng.

Lúc ấy người được giao nhiệm vụ trực tiếp liên lạc với cô Hương vẫn là đại úy Dũng. Anh cho hay phải mất cả tháng trời chỉ để điện thoại, mỗi ngày trích ra chừng 30 phút để lắng nghe những tâm sự, những tủi hờn của 17 năm trời sống chui lủi của cô giáo Hương. “Mặc dù bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã xác định được vị trí của cô giáo Hương nhưng do cảm nhận được sự ăn năn thực sự của cô ấy, chúng tôi chưa tổ chức vây bắt mà cho cô ấy thêm một cơ hội để trở về tự nguyện” - đại úy Dũng nói.

Và bức thư của cô giáo Hương gửi cho đại úy Dũng trước ngày ra đầu thú đã nói lên tất cả: “...những ngày này khi nghe giọng em qua điện thoại, chị thấy như đó là giọng nói của người thân, nghe thân thương và ấm áp vô cùng. Chị có thêm can đảm để đối mặt với sự thật và chị hứa với em sau này sẽ cải tạo tốt để không phụ lòng tin của em. Chị sẽ đổi cách xưng hô khi bước lên xe trở về. Còn trong lá thư này xin em cho chị được xưng hô như vậy...”. Điều duy nhất làm cho cô Hương còn vướng bận là khoản nợ 5 triệu đồng vay của người hàng xóm (ở Long Khánh, Đồng Nai) để chữa bệnh mà suốt nhiều năm qua không trả được. Và hẳn cô sẽ thanh thản hơn khi biết rằng, chính anh T. và tổ trinh sát đã giúp cô trả nốt khoản nợ đời đó... Giữa năm 2011, cô giáo Hương đã thực sự “trở về”.

“Trừ loại máu lạnh thôi chứ những tội phạm bị truy nã trong thời gian trốn chạy luôn có cảm giác hối hận và canh cánh nỗi nhớ về gia đình, về quê hương, đặc biệt là khi có chút tuổi tác. Chúng tôi thông cảm và hiểu cho mong muốn đoàn tụ của cô Hương và chúng tôi dùng tình người để kéo cô ấy về quy án...” - thượng tá Triệu lắng lòng đúc kết.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.