Lạc điệu nhà rông

16/07/2012 01:08 GMT+7

Phong trào xây tặng nhà rông cho các làng, bản ở Gia Lai diễn ra từ nhiều năm qua với cả trăm nhà rông thành hình, nhưng….

Thay vì sử dụng các vật liệu truyền thống như gỗ, tranh… hầu hết các nhà rông hình thành trong phong trào này dùng các vật liệu hiện đại như xi măng, tôn... Từ đây, “nhà rông văn hóa” cũng được định danh, nó không khắt khe theo tín ngưỡng của người bản địa mà rộng cửa cho nhiều đối tượng. Vì thế, dù không muốn phụ lòng tốt của các nhà hảo tâm, nhưng rất nhiều nhà rông được xây theo dạng này hiếm khi có hoạt động, mà gần như để hoang rồi dần hư hại. Chẳng hạn, các nhà rông ở xã Ayun (H.Chư Sê), ở làng Stơr (H.Kbang) hay nhà rông ở xã Gào (TP.Pleiku)… dù khá hoành tráng, được đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi nhà, nhưng vẫn vắng bóng người.

 Lạc điệu nhà rông 1
Một nhà rông tôn hóa bị bỏ hoang ở Gia Lai - Ảnh: Trần Hiếu

Ngoài ra, phần hồn của nhà rông cũng được “sáng tạo” khi đặt một nhà rông Bahnar vào một cộng đồng Jrai, hay thêm thắt một số lối kiến trúc xa lạ với nhà rông truyền thống. Khi xây dựng nên một nhà rông văn hóa, nhiều trang thiết bị được tặng kèm như dàn loa, đài, đàn… Nhưng kết cục thật buồn: chỉ vài ba năm sau, gần như tất cả bị hư hỏng vì ít sử dụng hoặc do “cha chung không ai khóc”.

Người bản địa các buôn làng ít mặn mà với các nhà rông văn hóa, đơn giản vì nó không phải là của làng “đẻ ra” và không bao giờ để trở thành nhà rông làng. Ksor Hoa, một thanh niên ở xã Glar (H.Đắk Đoa) khi nói về nhà rông văn hóa của xã đã tỏ ra hờ hững: “Nó là của người ta xây cho mà, không phải của làng mình. Ít ai đến đây chơi”.

Nhà rông, theo tín ngưỡng của người bản địa ở Gia Lai, gắn với cộng đồng làng. Việc lập làng đồng nghĩa với dựng nhà rông. Đó là sự khẳng định “chủ quyền” của làng, khẳng định sức vóc trai tráng của thanh niên. Để dựng nên nhà rông, phải mất hàng tháng trời đốn gỗ, cắt tranh, đẽo tượng… Ngoài ra, trong nhà rông luôn có những thứ mà người làng gọi là vật thiêng, có khi đơn giản chỉ là một hòn đá. Đây là nơi người làng thực hiện những nghi lễ thiêng liêng. Ngày nay vóc dáng, thần khí của nhà rông truyền thống phai lạt rất nhiều qua thời gian. Hầu hết nhà rông đều được… tôn hóa. Rất hiếm những nhà rông có những mái tranh trầm mặc uy nghi trong cộng đồng làng.

Trên dưới 400 nhà rông ở Gia Lai, có cái bị “cải biên”, cái thì bị bỏ hoang. Số còn nguyên bản thì ít dần. Nhiều nhà rông đang xuống cấp trầm trọng vì không được đầu tư, không hoạt động. Có thể nói, nhà rông - một dấu ấn đặc sắc trong phong vị văn hóa bản địa Gia Lai nói riêng và Tây nguyên nói chung - đang bị mai một.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Trưởng phòng Di sản (Sở VH-TT-DL Gia Lai), xác nhận nhiều nhà rông truyền thống bị bỏ, hư hại nhưng không được tu sửa do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Theo tiến sĩ Vân, nhà rông văn hóa chỉ nên xem là nhà sinh hoạt cộng đồng, không nên gán ghép vào đó những tiêu chí như tín ngưỡng bản địa. Tiến sĩ Vân cũng thừa nhận là ngành văn hóa đứng ngoài cuộc do không nhận được những lời đề nghị góp ý của nhiều đơn vị khi xây dựng nhà rông văn hóa.

Trần Hiếu

>> Hoang phế nhà rông
>> Khánh thành nhà rông lớn nhất Kon Tum
>> Những ngôi nhà rộng cửa
>> Một học sinh nhận tội đốt nhà rông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.