Công bố 7 luật và 2 nghị quyết

16/07/2012 15:41 GMT+7

(TNO) Chiều nay 16.7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật và 2 Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ ba.


Đảo Trường Sa Lớn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - Ảnh: Đỗ Hùng 

Bảy luật được công bố gồm: luật Giá; luật Giám định tư pháp; luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; luật Quảng cáo; luật Tài nguyên nước (sửa đổi); luật Biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2013; luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014.

Hai nghị quyết cũng đã được công bố tại buổi họp báo là Nghị quyết về việc thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Trình bày tóm tắt các nội dung chính của luật Biển Việt Nam tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều.

Phạm vi điều chỉnh của luật gồm các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Liên quan đến các kế hoạch hành động cụ thể, các chương trình cụ thể hóa Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa X), ông Sơn cho biết sau khi T.Ư thông qua chiến lược này, Chính phủ đã có chương trình hành động để cụ thể hóa nội dung chiến lược. Dự kiến đến năm 2020, kinh tế biển chiếm 50% GDP.

Cũng theo ông Sơn, luật Biển Việt Nam lần này cũng đã dành một chương riêng về phát triển kinh tế biển. Dựa trên các thế mạnh của mình, Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như tìm kiếm khai thác dầu khí, cảng biển, các phương tiện đi biển, du lịch biển, kinh tế đảo, khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản…

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, việc Quốc hội thông qua luật Biển là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước luật Biển năm 1982.

Đồng thời, cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982.

“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta”, ông Sơn nói.

* Trước đó, vào sáng cùng ngày (16.7), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật, bộ luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3, thông qua, gồm: luật Bảo hiểm tiền gửi, luật Phòng, chống rửa tiền, luật Giáo dục đại học, luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ luật Lao động (sửa đổi) và luật Công đoàn.

Thanh Niên Online sẽ đăng toàn văn các luật vừa được công bố.

TIẾP TỤC CẬP NHẬT

>> Toàn văn luật Biển Việt Nam

Bảo Cầm

>> Tàu “công xưởng” vi phạm luật Biển quốc tế
>> Công ước luật Biển năm 1982: Hiến chương của thế giới về biển và đại dương
>> Thảo luận luật Biển Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.