Bộ GD-ĐT sửa đổi đáp án môn sử ở kỳ thi đại học: Điều chỉnh có lợi cho thí sinh

16/07/2012 03:40 GMT+7

Ngày 15.7, Bộ GD-ĐT thông báo sửa đổi đáp án và phiếu chấm môn sử khối C, đề thi ĐH.

Cụ thể điều chỉnh câu 4.a với nội dung: “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Theo đáp án cũ phần Từ năm 1952 đến năm 1973 yêu cầu TS phải nêu được nội dung: “Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và các cuộc đấu tranh theo mùa… luôn diễn ra mạnh mẽ” mới được 0,5 điểm.  Đáp án mới bỏ nội dung này và tính số điểm cho ý còn lại của câu với mức tính cụ thể như sau: Nhật Bản tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mỹ. Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được kéo dài vĩnh viễn (0,5 điểm). Năm 1956, Nhật Bản đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô và tham gia Liên Hiệp Quốc (0,5 điểm).

Ngoài ra, phần Từ năm 1973 đến năm 1989 được điều chỉnh đáp án và thang điểm như sau: “Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua học thuyết Phucưđa (1977)” (0,5 điểm). Theo đáp án trước đây, ngoài học thuyết Phucưđa TS phải nêu được cả học thuyết Kaiphu mới được 0,5 điểm.

Giải thích có sự điều chỉnh  đáp án, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Do trong quá trình chấm thi, các thầy cô giáo thấy đáp án và thang điểm chưa hợp lý nên đã đề nghị điều chỉnh”. Như vậy, với cách điều chỉnh này, TS sẽ có lợi hơn so với đáp án Bộ GD-ĐT công bố trước đây.

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều giáo viên cũng cho rằng việc điều chỉnh này là cần thiết. Bà Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng tổ sử - địa - giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), nhận định: “Bộ sửa đổi lại đáp án như vậy là hoàn toàn chính xác. Khi đọc đáp án cũ, tôi thấy hết sức vô lý vì phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật lên cao không phải là chính sách đối ngoại mà là đối nội”. Bà Phạm Thu Hà, giáo viên môn sử Trường THPT Trần Quang Khải (TP.HCM), cũng cho rằng: “Việc chỉnh sửa này là hết sức cần thiết. Những em nắm chắc kiến thức thì sẽ làm đúng như đáp án đã chỉnh sửa của Bộ”.

Vũ Thơ - Mỹ Quyên

>> Bộ GD-ĐT sửa đáp án môn Ngữ văn
>> Chỉnh sửa đáp án tuyển sinh lớp 10 ở Quảng Nam: Rắc rối vì một... từ láy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.