Từ cái máy ảnh

15/07/2012 03:20 GMT+7

Một thời cái máy ảnh không chỉ là phương tiện mà còn là thứ để trưng diện nữa. Rồi đến chuyện thấy ai đó đeo máy ảnh thì nghĩ ngay là nhà báo. Chỉ nhà báo mới có máy ảnh. Oai!

Thời ấy, được người khác cầm máy chĩa ống kính vào mình chụp chụp thì thích lắm, hãnh diện lắm.

Thời nay ai cũng có thể có máy ảnh, nếu họ muốn. Việc chụp ảnh máy số lại dễ, nhanh và chuẩn xác hơn cả máy phim tiên tiến nhất (nhưng cũng vì thế mà cái máy ảnh trở nên nguy hiểm đối với những kẻ không đàng hoàng vì ảnh số là bằng cớ khó thể chối cãi. Cũng vì vậy, chĩa ống kính vào chúng dễ bị ăn đòn).

Thời lừng lẫy của phim nhựa các hãng Kodak, Fuji, Orwo ở xứ ta được trên dưới chục năm. Lúc cái máy số (digital) ra đời, năm 2004 một tay máy chuyên nghiệp gân cổ chứng minh rất quyết liệt với tôi tính ưu việt của máy phim, rằng máy số chụp ảnh không thể đẹp, không thể mọng hơn máy phim, nó không thể thay thế máy phim. Nhưng bữa qua đến chơi với anh thì thấy không còn chiếc máy phim nào. Tất cả mấy cỗ máy pờ-rô từ Canon, Nikon… trong tay anh bây giờ đều đích thị

digital. Tôi tế nhị không nhắc lại với anh cuộc tranh năm xưa, còn anh thì hào hứng với đời mới nhất của cỗ máy Canon vừa sắm được.

Thế mới biết, cái quy luật phát triển muôn đời từ chiếc rìu đá đến đồ đồng đồ sắt đưa con người từ ăn lông ở lỗ chui ra ánh sáng văn minh học mãi rồi, thuộc làu trong đầu rồi nhưng đi vào cuộc sống thật thì lại luôn bị nghi ngờ.

Từ tờ báo in lyto người ta nghĩ ra chữ chì và máy in typo. Chưa thỏa mãn, cái máy vi tính và kỹ thuật offset ra đời giải phóng bao nhiêu sức lao động, còn tốc độ được nâng lên cả trăm lần vừa đẹp, vừa chính xác. Bây giờ vi tính nối mạng, thông tin truyền đi trên toàn cầu nhanh như tốc độ ánh sáng... Con trâu ngày nào ở nông thôn là đầu cơ nghiệp nhưng bây giờ về vùng quê khó gặp được bóng dáng đàn trâu, bởi nông dân có máy móc làm thay rồi, không cần đến nó nữa.

Tất cả những thứ nêu trên về bản chất chỉ là phương tiện phục vụ đời sống con người ngày một tốt hơn. Cái mới tốt hơn sẽ thay thế cái cũ không còn mấy tác dụng. Đó là lẽ thường để xã hội loài người ngày một cải thiện, đi lên. Vì lẽ gì mà phải từ chối cái tốt như anh chàng thợ ảnh kia để rồi sượng sùng khi anh không bẻ cổ được quy luật?

 Cuộc sống là vậy. Nhận biết được quy luật thì những sự thay đổi trở nên nhẹ nhàng. Mọi sự đào thải đều cần thiết khi phương tiện cũ không còn phát huy tác dụng. Biết tuân theo quy luật cũng là để con người có thể hãnh diện rằng mình đang làm chủ được bản thân mình. Nhiều khi con người cứ tưởng mình làm chủ mà không biết mình đang làm nô lệ cho cái cũ, cái lỗi thời. 

Đông Ngàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.