Nới vòng tay cho con tự lớn

14/07/2012 11:25 GMT+7

Với nhiều ông bố bà mẹ Việt, con cái là những mầm non yếu ớt và bé bỏng nên họ cứ ôm ấp, bảo bọc và tự tay làm thay hết việc của con.

Trong thực tế không phải cha mẹ nào cũng biết “ác” một chút để con sớm tự lập trong đời.

“Úm” con quá mức

Chiều nào con hẻm trước nhà chị Trâm (P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng rộn rã tiếng trẻ con vừa chơi đùa vừa ăn. Bà nội, bà ngoại, cha mẹ và người giúp việc, mỗi người cầm tô lúp xúp chạy theo bước chân trẻ thơ để đút từng muỗng thức ăn. Không chỉ trẻ nhỏ, trong số này có tới gần chục trẻ 3-5 tuổi. Chị Trâm than thở: “Nếu tôi không đút thì thằng bé (4 tuổi) chẳng chịu ăn. Con tự múc thì cơm rơi vãi tứ tung, dây lên cả đầu cổ áo quần, lại chẳng ăn được bao nhiêu”.

Ngay từ khi học lớp mầm, bé Thư (Q.9, TP.HCM) đã được cô giáo dạy cách xếp quần áo vào balô. Thế nhưng tối về bé không bao giờ được soạn quần áo cho bữa học hôm sau. Mẹ bé tự chọn, tự xếp đồ gọn gàng, còn bé cứ việc ngồi xem tivi. Trong buổi họp phụ huynh, chị nói với cô giáo rằng bé mà soạn đồ là xốc lên tứ tung, chọn màu sắc quần áo rất “sến”. Chưa hết, mỗi sáng bà mẹ này cũng “giành” cột dây giày cho con gái. “Bé cột chậm như rùa ấy mà”, chị nói.
 
Thảo cầm viên (Q.1, TP.HCM) cuối tuần đông nghịt trẻ em. Một cậu bé chừng 4 tuổi tung tăng chạy nhảy và rồi vấp phải rễ cây té ngã. Cậu bé cứ nằm nguyên tư thế ấy và khóc la ỏm tỏi. Gần như ngay tức khắc, cả cha mẹ và ông bà đi cùng nhào tới ôm ấp, xuýt xoa, dỗ ngọt, đến khi bà của bé đập tay “giết hại” rễ cây thì bé mới chịu nín. Bà hồn nhiên khoe: “Ở nhà mỗi lần thằng bé va chạm bàn ghế hay tường nhà, tôi chỉ đập vào chúng là nó nín ngay”.

 
"Muốn con tự lập thì cha mẹ phải “tự lập” trước: tách dần con ra và dứt khoát không làm thay việc của con. Hơn thế, cha mẹ cần mạnh dạn giao việc để con cảm thấy có phần trong gia đình, trẻ làm xong cần khen thưởng và tăng dần độ khó"

Chuyên viên tâm lý - Võ Thị Minh Huệ

Một chuyên viên tâm lý kể lần nọ có đôi vợ chồng đưa đến cô con gái hơn 3 tuổi nhưng vẫn chưa chịu nói. Khi trò chuyện với bé, hễ chuyên viên hỏi câu nào là cha mẹ vội vàng trả lời thay cho bé. “Anh chị hãy dành cho bé cơ hội được nói thì bé sẽ sớm nói thôi”, chuyên viên cho ý kiến. Hơn bốn năm sau, họ quay lại do “con bé học toán dở quá!”. Hóa ra cứ mỗi lần bé “cắn bút” là bà mẹ lại giải toán giúp. “Không có mẹ bên cạnh bé bị điểm kém là đúng rồi”, chuyên viên nọ phân tích.

Còn chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ kể từng tiếp xúc những trẻ 4-5 tuổi chưa biết cách mặc quần hai ống do cha mẹ cứ mãi mặc giúp. Theo bà, cai sữa là bước đầu tiên giúp con tự lập, thế nhưng không ít bà mẹ cứ lần lữa chỉ vì “muốn con còn phụ thuộc mình một chút”. Cũng theo bà Huệ, có những trẻ 36 tháng vẫn còn mặc tã mà không biết kêu khi có nhu cầu do cha mẹ cứ bảo con “đi” luôn trong tã cho dễ dọn.

Dạy con sống tự lập từ... 7-8 tháng

Chia sẻ tại một chuyên đề dạy con tự lập, nhiều bà mẹ cho biết rất lo lắng khi con cái lớn tồng ngồng nhưng chưa thể tự chăm sóc bản thân. Một chị than thở: “Ai đời 15 tuổi đầu mà phải thúc cả chục lần nó mới chịu đi tắm, cơm ngậm trong miệng đợi nhắc nhai nó mới chịu nhai!”. Họ còn bổ sung nhiều câu chuyện “gà công nghiệp” như: học lớp 3 chưa biết mặc quần bơi, 9 tuổi còn bắt mẹ đút cơm, sinh viên chưa biết xẻ dưa hấu...

Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, tự lập trước hết là tự phục vụ bản thân, xa hơn là biết tự giải quyết các vấn đề cá nhân (đặt mục tiêu, chọn lựa, ra quyết định) và xây dựng tương lai. Một người thiếu khả năng tự lập sẽ rất lười biếng, ỷ lại, thiếu tự tin, dễ thất bại, dễ dàng buông xuôi khi gặp trở ngại, ngoài ra còn dễ sa ngã và phụ thuộc người khác. “Họ rất ít cho đi nhưng hay đòi hỏi”, bà Hồng nói.

Các nhà giáo dục phân tích nguyên nhân khiến trẻ thiếu khả năng tự lập chủ yếu do cha mẹ “úm” con quá đáng, kế đến là do nhà trường còn ít rèn kỹ năng sống và giáo dục lao động cho học sinh. Vì vậy, giải pháp đầu tiên là cha mẹ cần tránh bảo bọc con quá mức, ngược lại nên tin tưởng khả năng của con và khích lệ con làm. Chẳng hạn khi con té ngã, người lớn đừng vội đỡ con dậy ngay, trừ phi con không thể. “Còn đánh vào vật gây đau trẻ tuy xoa dịu trẻ lúc đó nhưng đồng thời cũng “dạy” trẻ thói đổ lỗi cho người khác”, bà Hồng nói.

Bà Hồng lưu ý cha mẹ cần nới vòng tay, hướng cho con tự giải quyết vấn đề cá nhân chứ không áp đặt con. Chẳng hạn, thay vì bảo “con đi tắm đi!” thì nên hỏi “con định khi nào tắm?”. Khi con bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ không vội đưa ra giải pháp ngay mà hãy hỏi con nguyên nhân rồi đặt bài toán “giờ con tính sao?” cho trẻ. Nếu giải pháp của con không ổn, cha mẹ có thể gợi ý thêm, sau đó tiếp tục hỏi han xem rốt cuộc trẻ đã xử lý chuyện đó như thế nào. “Dần dần trẻ sẽ tự biết cách giải quyết vấn đề của bản thân một cách tối ưu”, bà Hồng cho biết.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục cho rằng dạy con tự lập cần phù hợp độ tuổi. Chẳng hạn, trẻ khoảng 7-8 tháng tuổi thì để con tự cầm bình sữa bú, trẻ lớn hơn để con tự xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, lớn hơn nữa có thể tự chọn trang phục... Theo TS Bích Hồng, trẻ tự lập cao sẽ trở nên siêng năng, ham làm, tự tin và mạnh mẽ, sau này dễ thành công và hạnh phúc. “Bất cứ một thành công hay thất bại nào đó đều là những bài học quý giá giúp con vững bước vào đời. Cần nhớ cha mẹ không sống mãi cùng con”, bà Hồng nói.

Theo Thái Bình / Tuổi Trẻ

>> Học kỳ quân đội 2012: miễn phí 100 bạn nghèo
>> “Chiến sĩ” nhí tham gia Học kỳ quân đội
>> Chương trình khung Học kỳ quân đội
>> Học sinh tham gia học kỳ quân đội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.