Những lực lượng khuấy động biển Đông

14/07/2012 03:21 GMT+7

Vì chính sách chung lẫn lợi lộc riêng, nhiều cơ quan Trung Quốc liên tục có các hành động gây lo ngại trên biển Đông.

Kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa bao trùm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hồi tháng rồi, tỉnh Hải Nam liên tục có nhiều hoạt động trái phép ở khu vực này. Ngày 12.7, Tân Hoa xã dẫn một số nguồn tin cho hay Ủy ban thường trực Hội đồng nhân dân Hải Nam sẽ bàn việc lập cơ quan lập pháp ở Tam Sa vào ngày 16-17.7. Cùng ngày, giới chức Hải Nam đưa 30 tàu cá đến đánh bắt trái phép ở Trường Sa. Các tàu này, vốn thuộc các hội ngư dân ở thành phố Tam Á, sẽ chia thành nhiều đội để hoạt động. Giới chức địa phương còn tuyên bố đây là hoạt động đánh bắt lớn nhất từ trước tới nay của Hải Nam với sự hỗ trợ của nhiều tàu tuần tra.

 
Tàu hải giám của Trung Quốc - Ảnh: Ecns.cn

Mới đây nhất, Báo The Philippine Star ngày 13.7 loan tin Trung Quốc vừa lắp đặt hệ thống radar hiện đại tại bãi đá Su Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng bị nước này chiếm đóng. Ngoài ra, AP dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay một tàu khu trục nhỏ mang tên lửa của hải quân nước này mắc cạn trong lúc tuần tra gần bãi Trăng Khuyết ở Trường Sa của Việt Nam và chiến dịch ứng cứu đang được tiến hành. Những diễn biến trên cho thấy một thực tế là đang có rất nhiều đơn vị của Trung Quốc, từ trung ương đến địa phương, hoạt động tại các vùng tranh chấp trên biển Đông, góp phần khiến khu vực thêm dậy sóng.

“Trăm hoa đua nở”

Hai lực lượng lớn nhất “thực thi luật pháp” về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là Cục Ngư chính (BFA) và Cơ quan giám sát hàng hải (CMS). Trong đó, BFA thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Đây là nơi tung ra đội tàu ngư chính thường xuyên quần đảo trên biển và theo tàu cá vào vùng tranh chấp gần Trường Sa từ năm 1988. Tính đến nay, Cục Ngư chính triển khai hơn 140 tàu, trong đó có một số tàu được trang bị vũ khí, theo báo cáo của Học viện Nghiên cứu quốc phòng quốc gia Nhật Bản (NIDS). Còn CMS thuộc Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc và là “ổ” của đội tàu hải giám khét tiếng. CMS lập Lực lượng chỉ huy Nam Hải vào năm 1999 và bắt đầu tuần tra thường xuyên ở biển Đông từ năm 2008. Tính đến năm 2011 CMS có khoảng 280 tàu hải giám gồm 27 tàu trên 1.000 tấn, theo NIDS.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (Crisis Group) ở Bỉ cho hay chính quyền 3 tỉnh ven biển Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây cũng thường xuyên nhúng tay vào biển Đông. Giới chức 3 tỉnh này thường xuyên tuyên bố các kế hoạch mở rộng quản lý hành chính, đánh bắt và du lịch ở vùng tranh chấp, khiến căng thẳng leo thang. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng có vai trò trong tranh chấp, với nhiệm vụ “tuần tra, bảo vệ” hoạt động của các tàu dân sự và bán quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Đó là chưa kể Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia, lực lượng tuần duyên thuộc Bộ Công an, Cục An toàn hàng hải thuộc Bộ Vận tải, Cục Du lịch quốc gia và Bộ Môi trường...

Mơ hồ

Dĩ nhiên, hoạt động của tất cả các cơ quan trên đều tuân thủ chính sách độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, Crisis Group nhận định chính những đòi hỏi, lập luận mơ hồ và phi lý của nước này góp phần dẫn đến hoạt động “thực thi chủ quyền” tràn lan của các đơn vị từ trung ương đến địa phương, dẫn đến nguy cơ gây căng thẳng quốc tế. “Chúng tôi không biết bảo vệ phần nào ở Nam Hải (biển Đông - NV)” nên cứ thế mà làm, một quan chức Hải Nam thừa nhận với Crisis Group.

Ngoài ra, các đơn vị trên chỉ tập trung vào lĩnh vực hẹp hay lợi ích của ngành. Cơ quan chính phủ Trung Quốc có lực lượng thực thi bảo vệ biển thì đua nhau tăng cường hoạt động để giành thêm ngân sách trung ương. Điều này làm nảy sinh các tuyên bố, hành động vi phạm chủ quyền các bên trong khu vực, gây quan ngại về nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Điển hình là việc tung 30 tàu cá ra Trường Sa nói trên của chính quyền Hải Nam hay tuyên bố mời thầu sai trái đối với 9 lô dầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vừa qua.

Hạm đội Nam Hải có chính ủy mới

Theo Anhuinews.com, Phó đô đốc Vương Đăng Bình vừa được bổ nhiệm làm Chính ủy Hạm đội Nam Hải kiêm Phó chính ủy Quân khu Quảng Châu của Trung Quốc. Ông Vương, 59 tuổi, từng giữ chức Chính ủy Hạm đội Bắc Hải và được cho là người có quan điểm cứng rắn còn Hạm đội Nam Hải lại có khu vực hoạt động ở biển Đông. Vì thế, BBC dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng động thái bổ nhiệm mới nhằm “tăng sức nặng” cho các tuyên bố và hành động của Trung Quốc trong vùng tranh chấp.

Lucy Nguyễn

Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở Trường Sa là phi pháp

Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin ngày 12.7.2012, 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam xuất phát từ cảng Tam Á đi đánh bắt cá xung quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc này, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cổng TTĐT Chính phủ

Ấn, Nhật lên tiếng về biển Đông

Tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Campuchia, Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna nhấn mạnh các bên tham gia tranh chấp biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp, theo báo The Indian Express. Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cũng cho rằng nếu không được giải quyết theo luật pháp quốc tế, tranh chấp biển Đông sẽ không chỉ gây tác hại lớn cho trật tự hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà cho cả thế giới.

Lê Loan

Văn Khoa

>> Mỹ đánh giá cao nỗ lực hợp tác, giảm căng thẳng ở biển Đông của VN
>> Giải quyết tranh chấp biển Đông trên nền UNCLOS
>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> ASEAN, Trung Quốc tìm tiếng nói chung về biển Đông
>> Philippines giữ bí mật các quyết định về biển Đông
>> Trông đợi bước tiến COC
>> COC là mục tiêu hàng đầu ASEAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.