TP.HCM: Sẽ tổ chức họp chuyên đề về quy hoạch, tái định cư

12/07/2012 14:05 GMT+7

(TNO) Sáng nay (12.7), HĐND TP.HCM thảo luận tại hội trường tập trung đánh giá tình hình kinh tế, xã hội. Một số đại biểu nêu ý kiến về vấn đề tái định cư, tạm cư, khiếu nại, tố cáo của công dân chậm được giải quyết (trong đó có quy hoạch ).

* Đặt tên đường Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Trần Văn Giàu

Nhiều vấn đề cử tri bức xúc, từng đề cập nhiều lần nhưng chưa giải quyết rốt ráo cũng được các đại biểu (ĐB) nêu lại trong phiên thảo luận này.

Đa số ĐB đều tán thành báo cáo đánh giá của UBND TP về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm - nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 và tình hình thực hiện 6 chương trình đột phá. Tuy nhiên, nhiều ĐB lo lắng về một số chỉ tiêu còn thấp như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu.


HĐND TP.HCM thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 - Ảnh: Nguyên Mi

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố ước đạt 288.591 tỉ đồng, tăng 8,1% (cùng kỳ năm 2011 tăng 9,9%); kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của TP ước đạt 13.570,8 triệu USD, tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2011 tăng đến 14,7%).

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm thấp là do kinh tế thế giới suy giảm, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu của TP, dẫn đến các đơn hàng xuất khẩu (như giầy da, may mặc) cũng bị kéo giảm xuống.

Qua đó, các ĐB có ý kiến cho rằng việc đánh giá tình hình khó khăn của TP là chưa đúng mức. Đồng thời, HĐND TP yêu cầu UBND TP cần đánh giá đúng những khó khăn trong 6 tháng đầu năm, phân tích sâu những mặt được và chưa được để dự báo, điều chỉnh, có giải pháp thực hiện phù hợp hơn trong 6 tháng cuối năm. 

Các đại biểu cũng nêu ra nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp (DN) khó khăn, kéo giảm sự phát triển kinh tế là do thiếu đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm, thiếu vốn và thu lỗ đồng thời yêu cầu UBND TP cần có hỗ trợ cho DN.

 
ĐB Võ Văn Sen tranh luận về các chỉ số kinh tế - Ảnh: Nguyên Mi

Ngoài ra, những khu quy hoạch “treo”, vấn đề tái định cư cử tri đã kiến nghị nhiều năm tiếp tục được ĐB nêu lại để thảo luận tại hội trường, trong đó có việc tái định cư cho 400 hộ dân Khu thương mại Bình Điền 8 năm chưa thực hiện xong.

“Tôi rất áy náy vì nhiều vấn đề cử tri hỏi không được các sở ngành, cơ quan chức năng ghi nhận, trả lời nên đến khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ĐB không biết trả lời cử tri ra sao”, ĐB Lê Mạnh Hà thẳng thắn nói. ĐB này đề nghị TP cần có có hệ thống công nghệ thông tin để quản lý, giám sát việc trả lời ý kiến cử tri.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết sẽ tổ chức buổi họp chuyên đề về quy hoạch, tái định cư vào tháng 9 để bàn sâu những vướng mắc này.

Chiều nay (12.7), HĐND TP.HCM sẽ chất vấn Sở Công thương, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước VN tại TP.HCM, Sở Y tế về chương trình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, trọng tâm chương trình hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh và công tác xử lý nước thải y tế.

Đặt tên đường Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Trần Văn Giàu

Trong sáng nay, HĐND TP.HCM cũng biểu quyết thông qua việc đặt tên các đường: Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Trần Văn Giàu.

Theo đó, TP đặt tên đường Phạm Văn Đồng cho tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Đoạn đường này dài 12.211 m, lộ giới 30-60 m, từ Ngã 5 Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) đến nút giao thông Linh Xuân (Q.Thủ Đức), dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Đặt tên đường Mai Chí Thọ cho tuyến đường mới phần phía đông dự án Đại lộ Đông Tây (Q.2), đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 20.11.2011. Đây là tuyến đường từ đầu hầm sông Sài Gòn phía Q.2 đến Xa lộ Hà Nội (nút giao Cát Lái), dài 6.385 m lộ giới 100-121,5 m.

Đặt tên đường Trần Văn Giàu cho tuyến đường thuộc dự án Mở rộng Tỉnh lộ 10 và dự án Tỉnh lộ 10B thuộc địa bàn H.Bình Chánh và Q.Bình Tân, đoạn từ đường Tên Lửa đến đường Võ Văn Vân, từ đường Võ Văn Vân đến giáp ranh tỉnh Long An. Tuyến đường này dài 14.029 m, lộ giới 21,4 - 45,5 m, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2012.

Về tờ trình thu phí trông giữ xe trên địa bàn TP.HCM, HĐND thông qua với điều chỉnh theo kiến nghị của Ban Kinh tế - ngân sách TP.HCM là: không tăng thu nhóm xe đạp, xe đạp điện, xe máy, xe máy điện gửi tại các địa điểm trông giữ xe tại chợ, siêu thị, chung cư hạng III, IV, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, thời trang, ăn uống,… và các trụ sở cơ quan, tổ chức (trừ cơ quan hành chính nhà nước).

Đồng thời, HĐND cũng biểu quyết thông qua các tờ trình còn lại về: một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn TP giai đoạn 2012 - 2015; mức thu vận động đóng góp, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố; ban hành mức thu và sử dụng Lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, mức thu phí đấu giá tài sản và tỷ lệ phần trăm trích lại trên số tiền thu phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố; sửa đổi quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc, lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên địa bàn thành phố; Quyết định ban hành Quy định một số mức chi cụ thể cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố.

 

Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận hôm qua đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012; Báo cáo sơ kết một năm  thực hiện 6 chương trình đột phá của TP.

Theo đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm ước đạt 288.591 tỉ đồng, tăng 8,1% (cùng kỳ tăng 9,9%). Khu vực dịch vụ tăng 8,7% (cùng kỳ tăng 10%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,1% (cùng kỳ tăng 9,9%), khu vực nông nghiệp tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 4,7%).

Việc thực hiện 6 chương trình đột phá của TP đã đạt được một số thành tựu. Chương trình Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bước đầu thể hiện: tỷ trọng của các ngành trong GDP của TP có sự chuyển dịch đúng hướng, thành phần kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng tăng.

Cụ thể, đối với 9 nhóm ngành dịch vụ trọng yếu - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GDP của TP đang có xu hướng tăng dần tỷ trọng theo đúng hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

  Nguyên Mi

>> Đề nghị đặt kỳ hạn cho quy hoạch “treo”
>> Cử tri TP.HCM bức xúc nhiều vấn đề dân sinh
>> Cử tri TP.HCM bức xúc nhiều vấn đề dân sinh
>> Đề xuất di dời ga Hòa Hưng và ga Gò Vấp
>> Hàng loạt công trình hạ tầng ở TP.HCM gặp vướng mắc
>> Kẹt cứng trong quy hoạch treo
>> Kẹt cứng trong quy hoạch treo - Kỳ 2: Xóa quy hoạch, dân vẫn khổ
>> Kẹt cứng trong quy hoạch treo - Kỳ 3: Người dân có thể kiện
>> Đề nghị xóa bỏ một số tuyến đường “quy hoạch treo”
>> Ô nhiễm, quy hoạch “treo” tại TP.HCM: Hỏi nhiều, trả lời ít
>> Dân bức bối vì quy hoạch “treo”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.