Liên hoan vở diễn cũ

12/07/2012 03:40 GMT+7

Theo Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, thiếu hụt kịch bản mới là thực trạng mà Cục đã thấy trước cả khi các đoàn đăng ký dự liên hoan.

Danh sách các đơn vị, vở diễn tham gia hội diễn toàn quốc 2012 do Cục Nghệ thuật biểu diễn cung cấp cho thấy có tới 14/26 vở diễn được dựng lại, thậm chí trên nền một kịch bản đã quá cao tuổi. “Cũng có những vở đã dựng từ trước, do nhiều lý do lỡ hẹn với năm 2009 giờ mới được mang đi thi. Cũng có những vở mà lần gần nhất được dàn dựng biểu diễn cũng cách đây 9 năm”, một cán bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết.

Chia tay hoàng hôn của Nhà hát kịch Việt Nam từng được dựng từ năm 2003. Đi tìm điều không mất của nhà hát này được dàn dựng cũng từ năm 2004. Khoảng trống của Đoàn kịch nói Nam Định tuổi thọ kịch bản gần chục năm. Mùa hạ cay đắng của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội dựng trên kịch bản đầu tay của Nguyễn Quang Lập từ những năm 90. Đánh mất mùa xuân của Kịch Hải Phòng còn dựng trên kịch bản “lâu, lâu lắm rồi” theo lời một đạo diễn…

 Dựng lại Mùa hạ cay đắng, NSƯT Anh Tú đã có một số câu thoại gần hơn với đời sống hiện nay - Ảnh: Nguyễn Thắng
Dựng lại Mùa hạ cay đắng, NSƯT Anh Tú đã có một số câu thoại gần hơn với đời sống hiện nay - Ảnh: Nguyễn Thắng

Chỉ rất ít đoàn có vở diễn mới toanh mang đi hội diễn như Sân khấu kịch Phú Nhuận của Hồng Vân, Nhà hát kịch Hà Nội, Kịch Sài Gòn của Phước Sang, Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội. Trong đó, Sân khấu kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn và Trung tâm bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu có quyền ngẩng cao đầu với những kịch bản vừa ráo mực trong năm nay, gần như do chính họ đặt hàng. Đặc biệt, kịch bản mới toanh 2012 của Đăng Chương được 2 đoàn cùng dựng với 2 tên gọi khác nhau.

“Có thể nói liên hoan sân khấu năm nay là liên hoan vở diễn cũ”, một tác giả kịch bản nói. “Việc quá nhiều nhà hát phải dựng lại vở cũ cho thấy chúng ta đang khủng hoảng thiếu kịch bản hay, có ý nghĩa. Thật đáng tiếc”, NSND Doãn Hoàng Giang nói. Tuy không dùng từ khủng hoảng, nhưng Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết sự thiếu hụt kịch bản hay trong thời gian gần đây là điều Cục đã sớm nhận ra.

Khủng hoảng thách thức đạo diễn

Không phải ngẫu nhiên khi dựng lại Cô gái đội mũ nồi xám lừng danh, NSƯT Anh Tú từng nhắn nhủ đừng xem vở diễn với con mắt của ông Nghi. Điều này cho thấy bản thân Anh Tú đã phải cố gắng thoát khỏi cái bóng của cây đại thụ NSND Nguyễn Đình Nghi. Tương tự, những vở diễn trên kịch bản lừng lẫy một thời sẽ luôn làm khó đạo diễn.

“Sân khấu là nghệ thuật của hiện tại. Cùng vở diễn ấy, khi dựng lại tư duy cũng khác đi, giải thích kịch bản khác đi. Như thế, khi lớn lên tôi sẽ hiểu nhiều hơn”, NSND Doãn Hoàng Giang nói. “Cũng không được quên rằng đó là sự giải thích vở diễn bằng khả năng hiện tại, theo cách hiểu của khán giả hiện đại”.

“Có thể nói, nếu vở diễn là một căn nhà thì mỗi đạo diễn sẽ mở nó bằng một chìa khóa khác. Tuy nhiên, cũng sẽ có kẻ không thể mở được và sẽ phá cửa để vào”, NSND Doãn Hoàng Giang dí dỏm.

Có điều, bản thân ông Giang đã không thể đưa ra bất cứ một cái tên nào từng khiến vở diễn cũ trở lại với hình thức mới mẻ mà lại sâu sắc hơn xưa trong khoảng chục năm gần đây. Liệu sự không vượt nổi những lứa đạo diễn tài danh cũ có lặp lại tại liên hoan sân khấu toàn quốc lần này. Nếu điều không ai muốn này xảy ra, rõ ràng, bên cạnh khủng hoảng kịch bản sẽ có thêm khủng hoảng thiếu những phù thủy sân khấu tài hoa nữa.

Trinh Nguyễn

>> Ca sĩ ngôi sao" lên sân khấu kịch
>> Người trong cõi nhớ" lên sân khấu kịch
>> Sân khấu kịch chưa ổn định
>> Trao giải Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2009
>> Sân khấu kịch Broadway vẫn hấp dẫn các sao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.