Cựu quan chức ngoại giao Mỹ David Brown: “Người Mỹ không thích những kẻ đi bắt nạt”

10/07/2012 03:54 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên , ông David Brown - người từng có nhiều năm làm việc như một nhà ngoại giao Mỹ ở Đông Nam Á - cho rằng trong vấn đề biển Đông, Mỹ ủng hộ phương thức giải quyết bằng pháp luật quốc tế.

Cựu quan chức ngoại giao Mỹ David Brown: “Người Mỹ không thích những kẻ đi bắt nạt”

Ông có cho rằng, việc gọi thầu 9 lô dầu khí ngày 23.6 vừa qua của Trung Quốc là một hành vi đơn lẻ, có tính thời vụ, nằm trong kịch bản đáp trả việc Quốc hội Việt Nam thông qua luật Biển, hay là hành vi nằm trong một hệ thống có tính toán chiến lược của Trung Quốc? 

Cái mà bạn gọi - “lời mời thầu của Trung Quốc” - tức là lời mời của CNOOC để các công ty dầu nước ngoài dự thầu giành quyền thăm dò 9 dải đất nằm ngoài khơi Việt Nam, là sự leo thang một cách logic hành động quấy rối tàu khảo sát của PetroVietnam năm trước. Công luận Trung Quốc, và chắc chắn là rất nhiều người nắm các vị trí quyền lực trong chính quyền trung ương và địa phương, bị ám ảnh bởi ý nghĩ cho rằng Malaysia, Việt Nam, Brunei và rất có khả năng là Philippines đang “ăn cắp” tài nguyên dầu của Trung Quốc, đúng vào thời điểm nhu cầu về dầu cho nền kinh tế Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh chóng.

Một phản ứng rõ ràng hơn của Trung Quốc sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn luật Biển, là tuyên bố rằng Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi Cỏ Rong (mà theo họ là bao gồm cả bãi cạn Scarborough mà họ đang tranh chấp với Philippines) là một đơn vị hành chính Trung Quốc, gọi chung là thành phố Tam Sa. Tỉnh Hải Nam đã đề nghị phải xúc tiến việc này từ nhiều năm nay; tuy nhiên tôi có nguồn tin cho rằng, mãi tới gần đây, chính quyền trung ương vẫn từ chối cấp phép.

Đặt hành vi này trong tổng thể các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Mỹ, ông có cho rằng đây chỉ là phép thử để thăm dò phản ứng của các nước, đặc biệt là Mỹ?

Cho dù là phép thử cố ý hay không, thì chắc chắn Bắc Kinh cũng sẽ phải lưu ý đến phản ứng của tất cả các nước có lợi ích liên quan, đặc biệt là Mỹ.

Ngày 28.6 vừa qua, Thượng nghị sĩ (TNS) Joseph Lieberman phát biểu rằng hành vi gọi thầu của Trung Quốc là vi phạm pháp luật quốc tế và có tính khiêu khích, có phản ánh xu hướng chính trị nào ở Mỹ hay không? 

TNS Lieberman (cũng giống như người bạn tốt của ông ấy là TNS John McCain) có mối quan tâm rất mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại. Với một chiếc ghế an toàn và không có tham vọng vươn lên cao hơn trong chính trường, ông ấy có xu hướng nói những gì ông ấy thực sự nghĩ.

Nhiều đảng viên Cộng hòa, Dân chủ, hoặc quan chức Chính phủ Mỹ, có thể đồng ý với các TNS, nhưng cả ông Leiberman lẫn ông McCain đều không có tư cách tuyên bố chính sách của Chính phủ Mỹ hoặc các cương vị trong đảng.

Quan điểm của ông Lieberman ảnh hưởng như thế nào đến chính sách của Mỹ? 

Không nhiều lắm.

Các quan điểm của TNS Lieberman sẽ gặp phải những rào cản như thế nào từ các nhóm chính trị khác tại Mỹ? 

Tôi nghĩ sẽ không ai phản đối cả. Vấn đề là liệu tuyên bố của Lieberman có khuyến khích Mỹ có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm làm nản lòng đối phương không. Tôi nghĩ tự nó thì không, nhưng chúng ta có thể mặc định rằng chính quyền Obama và đảng Cộng hòa đối lập sẽ rất lưu tâm đến những nguy cơ đe dọa lợi ích thương mại của Mỹ, cũng như các nguy cơ đe dọa tự do hàng hải.

Chính phủ Mỹ đang đề nghị Thượng viện phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS). Nếu Công ước này được thông qua, nó sẽ tác động như thế nào đến chính sách của Mỹ ở biển Đông? 

Hành động phê chuẩn chủ yếu mang tính hình thức. Trên thực tế, Mỹ đã luôn luôn là một trong những ủng hộ viên mạnh mẽ nhất của UNCLOS. Tuy nhiên, một số người ở Washington lo ngại về việc đưa vấn đề chủ quyền (của Mỹ) ra tòa án quốc tế, và đó đã là lý do chính yếu khiến cho việc phê chuẩn bị trì hoãn.

Trước đây, trong các phát ngôn của mình, Mỹ thể hiện thái độ rất trung lập trong các tranh chấp ở biển Đông. Nhưng gần đây, các phát ngôn đã cứng rắn hơn và có phần ngả về phía đối lập với Trung Quốc. Ông bình luận thế nào về quan điểm này? 

 

David Brown là một nhà ngoại giao từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, ông là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở một loạt nước Đông Nam Á khác. Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay được đánh giá là một chuyên gia về Đông Á cũng như những vấn đề năng lượng quốc tế.

David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình biển Đông và Việt Nam trên báo Asia Times Online.

Tự do hàng hải là mối quan tâm, lo ngại hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, sẽ không đúng nếu nói rằng Mỹ duy trì lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền. Washington đã luôn luôn tỏ ý chí nhất quán rằng những cuộc tranh chấp đó phải được giải quyết bằng cách áp dụng pháp luật quốc tế phù hợp. Đó là một cách gián tiếp ủng hộ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, là những quốc gia có hồ sơ pháp lý mạnh hơn để bảo vệ các quan điểm của mình.

Giống như tất cả các chính quyền dân chủ, chính quyền Mỹ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của công luận. Do đó, điều rất quan trọng và có ý nghĩa là, trong vài năm qua, quan điểm của các chuyên gia Mỹ đã dịch chuyển từ đại thể “trung lập” đối với các yêu sách của Trung Quốc và những nước khác sang thái độ khá thông cảm với Việt Nam và Philippines.

Người Mỹ không thích những kẻ bắt nạt người khác, mà đó là cái mà hiện giờ Trung Quốc đang có xu hướng thể hiện. Hơn thế nữa, những người nằm trong “cộng đồng đối ngoại Mỹ” giờ đây đã được thông tin đầy đủ hơn, tốt hơn. Chính phủ Việt Nam và các chuyên gia độc lập của Việt Nam, kể từ năm 2008, đã trở nên tích cực hơn, có kỹ năng hơn trong việc tranh biện cho vụ việc của Việt Nam, và điều đó đang có tác động tốt.

Xin cảm ơn ông!

Thành Long (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.