Hóa thạch tuyệt đẹp về khủng long sóc

04/07/2012 13:09 GMT+7

(TNO) Khủng long ăn thịt giờ đây bị nghi là toàn thân phủ lông, dựa trên phát hiện về hóa thạch 135 triệu năm tuổi của một khủng long tại Bavaria (Đức).

(TNO) Khủng long ăn thịt giờ đây bị nghi là toàn thân phủ lông, dựa trên phát hiện về hóa thạch 135 triệu năm tuổi của một khủng long "vị thành niên" tại Bavaria (Đức).

Trước nay, các nhà cổ sinh vật học luôn biết rằng nhiều khủng long gần họ chim cũng mang đặc trưng của loài lông vũ, tức toàn thân phủ lông.

Tuy nhiên, hóa thạch khủng long vừa được phát hiện tại Đức thuộc về một họ gia đình khác, và xuất hiện sớm trong thang bậc tiến hóa của loài này, cụ thể là cuối Kỷ Jura.

Từ đó, giới chuyên gia nghi ngờ phải chăng hầu hết loài khủng long ăn thịt đều mang theo lớp lông phủ, theo trưởng nhóm nghiên cứu Oliver Rauhut ở Munich.

Theo báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Scienceshóa thạch trên được khai quật bên trong nền đá vôi ở miền bắc Bavaria, cùng địa điểm mà khủng long có lông đầu tiên là Archaeopteryx được phát hiện cách đây 150 năm.

Bộ xương được tìm thấy trong tình trạng khá hoàn chỉnh, thuộc về một khủng long "vị thành niên" và dài khoảng 71 cm. Nó bị đông cứng trong lúc miệng mở to, cho thấy hàm răng nhỏ và nhọn, cùng đuôi dài đầy lông.

Do cái đuôi trên, các chuyên gia đặt tên cho nó là Sciurumimus albersdoerferi, xuất phát từ tên của họ sóc cây là Sciurus.

Đây là thành viên thuộc họ megalosaur (tức thằn lằn vĩ đại), không giống như các loài khủng long lông vũ trước đó là coelurosaur (nhóm bao gồm khủng long ăn thịt Tyrannosaurus rex và khủng long chim).

Các con megalosaur trưởng thành phải dài đến 6 m và nặng hơn 1 tấn. Chúng là loài săn mồi chủ động, chuyên tìm khủng long và con mồi nhỏ hơn.

Phi Yến

>> Phát hiện mới về khủng long
>> Dùng laser cân khủng long
>> Chim hiện đại giống khủng long con
>> Khủng long tay nhỏ tại Argentina

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.