Đề án và hiệu quả

03/07/2012 03:53 GMT+7

Ngày 2.7, Đề án 911 và Đề án 356 (nối tiếp Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” - còn gọi là Đề án 322) của Bộ GD-ĐT được bổ sung thêm 450 tỉ. Trước đó, hồi tháng 5, Bộ này bất ngờ ra quyết định tạm ngừng du học theo Đề án 322.

Vì thế, việc bổ sung thêm khoản ngân sách trên chắc chắn đem lại phấn khởi cho không ít ứng viên trúng tuyển Đề án 322 nhưng chưa được đi du học. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần lưu tâm trong quá trình thực hiện đề án này.

Vào tháng 12.2011, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án 322 giai đoạn 2000 - 2010. Trong hội nghị này, Bộ đã đưa ra báo cáo đầy lạc quan về hiệu quả của Đề án 322 và còn tự tin đề xuất tiếp tục tuyển sinh đến hết năm 2014. Thế nhưng, chưa đến nửa năm sau, thì đề án phải tạm ngừng khiến gần 150 ứng viên bị dở dang. Trả lời báo chí khi tạm ngưng dự án, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang giải thích nguyên nhân là do “gối đầu” việc tuyển sinh đào tạo tiến sĩ của Đề án 322 vào Đề án 911. Vì thế, số chỉ tiêu chung của Đề án 322 đã bị chiếm dụng dẫn đến thiếu kinh phí nên phải tạm ngừng. Điều này khiến người ta không khỏi thắc mắc rằng Bộ GD-ĐT đã tính toán thế nào, thực hiện tuyển chọn ra sao mà ảnh hưởng đến tổng chỉ tiêu của 2 năm. Như vậy, khi tổng kết hồi tháng 12.2011, Bộ đã nhận thấy tình trạng này hay chưa, mà vẫn đề xuất tiếp tục tuyển sinh đến hết năm 2014. Không chỉ việc đào tạo bị đình trệ, hiệu quả thực sự của Đề án 322 cũng là điều đáng bàn. Cũng trong tổng kết hồi cuối tháng 12.2011, Bộ GD-ĐT phấn khởi đưa ra báo cáo về kết quả của Đề án 322 với những thành tích rất đẹp như: 95% hoàn thành chương trình đào tạo và về nước làm việc, chỉ 2% về nước chậm và 1% không hoàn thành hoặc không về nước. Qua đó, Bộ chứng minh đã quản lý chặt chẽ để “không thất thoát”. Thế nhưng, có lẽ Bộ quên rằng hiệu quả sau cùng của Đề án 322 là những ứng viên trúng tuyển sẽ đóng góp thế nào, có tương xứng với ngân sách hàng ngàn tỉ đồng hay không? Tất nhiên, chúng ta cũng phải kể đến việc Bộ đã làm gì để tạo điều kiện cho những người trên phát huy năng lực sau khi về nước. Trong khi đó, vào thời điểm Đề án 322 bị tạm ngưng, báo chí phản ánh không ít hiện thực đáng buồn của chương trình này. Nhiều người sau khi về nước chỉ lo cơm áo gạo tiền, vì đồng lương không đủ sống, nên chẳng thể chuyên tâm nghiên cứu khoa học phát huy kiến thức được đào tạo ở nước ngoài. Qua những vấn đề trên, người ta có quyền nghi ngờ về hiệu quả của Đề án 322 được thực hiện trong hơn 10 năm qua. Thế rồi, đến khi bị ngưng đột xuất vì thiếu kinh phí thì nhà nước phải bổ sung ngân sách.

Ai cũng hiểu, những chương trình như Đề án 322 nhằm tạo nguồn lực cho đất nước là rất quan trọng. Vì thế, để những đề án như vậy phát huy hiệu quả thì các cơ quan phụ trách, điển hình như Bộ GD-ĐT, không thể tiếp tục thực hiện lỏng lẻo như trên. Đồng thời, Chính phủ cần có một khung đánh giá hiệu quả thực sự thuyết phục, đầy đủ cho các đề án trên. Đừng chờ đến khi ngưng trệ thì lại phải chi ra hàng trăm tỉ đồng để giải quyết.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.