Khó kỳ vọng

30/06/2012 03:09 GMT+7

Từ ngày 1.7 tới đây, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thức vận hành, khởi đầu cho sự phát triển của thị trường điện. Tuy nhiên, kỳ vọng về giá điện rẻ, minh bạch hơn hay phá thế độc quyền của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn xa vời.

Theo danh sách được Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương công bố, sẽ có 29 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, trực tiếp nộp bản chào giá với Công ty mua bán điện (EPTC) trực thuộc EVN. Cùng với đó sẽ có 26 nhà máy điện khác tạm thời gián tiếp tham gia thị trường, do Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia công bố biểu đồ huy động, biểu đồ phát hoặc do EPTC chào giá thay.

Trong số 29 nhà máy trực tiếp tham gia, có nhiều nhà máy điện lớn EVN sở hữu 100% vốn hoặc chiếm cổ phần chi phối như Thác Bà, Uông Bí, Hải Phòng… Trước đó, Bộ Công thương đã thành lập 3 tổng công ty phát điện (Genco) ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, hạch toán độc lập, với mục tiêu tạo được sự cạnh tranh về nguồn phát.

Thị trường chính thức vận hành từ 1.7.2012, nhưng tháng 6.2012, 3 Genco mới được thành lập, chưa kể dù mang tiếng là tổng công ty phát điện độc lập, nhưng bản chất vẫn phụ thuộc vào EVN, thì dù thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành, thị trường điện vẫn không có nhiều thay đổi. EVN vẫn đóng nhiều vai: vừa là người bán (nắm nhiều nguồn phát lớn), vừa là người mua buôn duy nhất, vừa là người bán lẻ duy nhất. Để chấm dứt dần tình trạng vừa bán vừa mua của EVN sẽ phải đợi đến khi 3 Genco được cổ phần hóa hoàn toàn, nhưng thời điểm có thể thực hiện cổ phần hóa tới nay vẫn chưa rõ. 

Thị trường phát điện cạnh tranh vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra giá bán buôn rẻ, minh bạch, từ đó mang lại giá bán lẻ điện hợp lý hơn. Nhưng việc EVN thường xuyên kêu khó khăn về tài chính, cộng thêm khẳng định hôm 28.6 của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng “hệ thống điện hiện rất khó khăn, cung cầu chưa có được sự cân bằng cần thiết, thị trường sẽ hoạt động không được như mong muốn” và “kỳ vọng giá điện sẽ rẻ đi ngay lập tức là rất khó khăn”, cho thấy mục tiêu này vẫn xa vời.

Việc giám sát với thị trường phát điện cạnh tranh cũng là vấn đề quan trọng cần tính toán kỹ. Bộ Công thương vừa có dự thảo thông tư quy định về vấn đề giám sát thị trường phát điện cạnh tranh trên 8 lĩnh vực, nhằm phát hiện các hành vi vi phạm quy định, lạm dụng quyền lực thị trường, câu kết lũng đoạn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh. Cục Điều tiết điện lực sẽ tiến hành điều tra, khi có bằng chứng vi phạm. Theo các chuyên gia, nếu việc giám sát bị lơi lỏng, nguy cơ lạm dụng quyền lực hay câu kết lũng đoạn thị trường của một nhóm thành viên thị trường là không tránh khỏi, và khi ấy, thị trường sẽ khó giữ được tính cạnh tranh đang manh nha hình thành.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.