Sóng ngầm USD

29/06/2012 03:00 GMT+7

Thị trường ngoại hối đang có dấu hiệu “nóng” trở lại khi nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu có động thái gom ngoại tệ (USD) nhằm tính lại bài toán lợi nhuận.

Nhà băng ngoại muốn gom USD

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, từ đầu năm 2011 đến nay NHNN đã mua vào 9 tỉ USD, nghĩa là đã bơm ra thị trường 180.000 tỉ đồng. Động thái bơm tiền đồng - hút ngoại tệ này đã làm cho thanh khoản các NHTM tốt hơn thời điểm quý 4/2011 và LS VND liên tiếp giảm trong thời gian qua, tuy nhiên có thể sẽ tạo thành những cơn địa chấn hâm nóng tỷ giá, khiến thị trường ngoại tệ nổi sóng trong thời gian tới.

sóng ngầm USD 
Áp lực đối với dự trữ ngoại hối và tỷ giá thời gian tới được dự báo là khá lớn - Ảnh: Ngọc Thắng

Bởi trước 11.6, với trần LS tiền gửi khá cao (14%/năm, 13%/năm, và 12%/năm), tỷ giá được NHNN tuyên bố biến động không quá 3%, nhiều TCTD (phần lớn là NH nước ngoài) bán USD cho NHNN, lấy VND để kinh doanh trên thị trường liên NH nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng 2 tuần trở lại đây, khi NHNN đột ngột giảm trần LS huy động còn 9%/năm (ngắn và trung hạn), lập tức các nhà “buôn” USD tìm cách vay VND, mua lại ngoại tệ đã bán nhằm mục đích tăng cường găm giữ. Một chuyên gia tài chính cho biết đây là nguyên nhân trong những ngày vừa qua LS trên thị trường liên NH bỗng nhiên nổi sóng. Cụ thể, ngày 27.6, LS kỳ hạn 1 tuần ở mức 7,5-8%/năm và LS kỳ hạn 1 tháng 8,5-9%/năm. Trước đó vài ngày, LS liên NH kỳ hạn trên 1 tháng thậm chí còn vượt qua mức trần 9%/năm, điển hình ngày 21.6 với lãi suất 9,5%/năm. “LS liên NH mà giảm sâu và đứng lâu ở mức chỉ 3-4%/năm như thời gian qua thì các nhà giữ USD sẽ tính toán lại bài toán kinh doanh sao cho hiệu quả, không giữ VND để kinh doanh mà chuyển sang mua USD”, chuyên gia này nói.

Theo tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM, NHNN lo ngại các TCTD nước ngoài quay ra mua lại USD do LS VND trên thị trường 2 quá thấp, làm cho nguồn cung USD khan hiếm. Đương nhiên, lúc đó NHNN lại phải đẩy LS VND lên cao để đảm bảo VND giữ giá trị so với USD, dẫn đến VND trở nên khan hiếm. “Đó là bài toán khó và là quy luật bất thành văn trên thị trường tiền tệ”, vị tổng giám đốc này nói.

Áp lực dự trữ ngoại hối

Không chỉ trên thị trường liên NH, động thái mua gom USD của các TCTD, khiến NHNN phải căn chỉnh lại cả lãi suất trên thị trường mở (OMO). Thời gian qua, việc để LS tái cấp vốn quá cao trên thị trường này (hơn 10%/năm) đã khiến các NH không muốn vay, mà chạy sang tìm nguồn vốn vay trên thị trường liên NH. Đó chính là lý do khiến LS trên liên NH dậy sóng và ngày 27.6, NHNN buộc phải điều chỉnh xuống LS trên OMO xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2010, còn 8%/năm, để cân đối nguồn cung trên cả 2 thị trường.

Tuy nhiên, áp lực đối với dự trữ ngoại hối và tỷ giá đang khá lớn. Tại một cuộc trao đổi gần đây, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc NH HSBC Việt Nam, cho rằng trong quý 3, tỷ giá sẽ vẫn nằm ở mức hiện tại, tức chỉ xoay quanh 20.850 đồng/USD, và sẽ tăng lại vào quý 4, khi mà nhu cầu mua ngoại tệ nhập hàng bán tết, trả nợ vay tăng cao. Đồng thời sẽ có một luồng dịch chuyển tiền đồng sang USD do LS tiền đồng giảm xuống. Một vấn đề cũng cần quan tâm, theo ông Hải đó là nguồn ngoại tệ từ nhà đầu tư nước ngoài, điều này phải xem xét theo tình hình kinh tế thế giới, nếu khủng hoảng nợ châu Âu chưa chấm dứt, nhiều nhà đầu tư sẽ phải rút tiền về để bù vào các khoản lỗ, lúc đó chắc chắn tỷ giá sẽ chịu ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, vài tháng tới khoảng 64.000 tỉ đồng tín phiếu do NHNN phát hành sẽ đáo hạn. Điều này có nghĩa lượng tiền trên sẽ sớm trở về với các NH thương mại và nếu LS VND thấp, khả năng họ quay sang mua USD rất dễ xảy ra. Trong khi đó, nguồn cung USD đang có dấu hiệu thiếu hụt, khi mà thời gian qua lượng vốn giải ngân FDI, ODA và nguồn vốn gián tiếp (FII) vào Việt Nam quá ít ỏi. Cùng với đó, LS tiền gửi USD chỉ 1-2%/năm, khiến cho nguồn kiều hối không vào mạnh như mọi năm, kiều bào cũng không còn xu hướng vay USD ở nước ngoài với LS thấp để gửi về Việt Nam kinh doanh, và gửi tiết kiệm. Tại TP.HCM, con số này tính đến tháng 6 chỉ đạt 1,9 tỉ USD, thấp hơn rất nhiều so với mọi năm.

Những dấu hiệu trên cho thấy, nếu điều hành chính sách không khéo léo, rất có thể thị trường ngoại hối sẽ dậy sóng, USD sẽ tăng giá so với VND.

Anh Vũ

>> DN được vay ngoại tệ cho nhu cầu vốn trong nước
>> Siết chặt vay vốn bằng ngoại tệ
>> Xử phạt nhiều công ty niêm yết giá bằng ngoại tệ
>> Tịch thu ngoại tệ mua bán trái phép
>> Kiểm tra việc mua bán ngoại tệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.