Hậu Giang: Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp

28/06/2012 11:15 GMT+7

Tỉnh Hậu Giang đang triển khai đề án hỗ trợ nông dân mua 100 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) giai đoạn 2012 - 2015, với tổng kinh phí trên 180 tỉ đồng, nhằm giảm 1/2 lượng lúa thất thoát trong khâu thu hoạch.

Giảm một nửa lượng lúa thất thoát

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, ước tính nếu thu hoạch lúa bằng máy GĐLH thì mức độ thất thoát bằng 1/2 so với thu hoạch thủ công - tức giảm thất thoát khoảng 29.803 tấn/năm. Như vậy, thu hoạch lúa bằng máy GĐLH sẽ giúp cho nông dân Hậu Giang có thêm 150 tỉ đồng mỗi năm nhờ giảm thất thoát. Hiện nay, hầu hết nông dân tỉnh này đều chuộng thu hoạch lúa bằng máy GĐLH, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư mua máy GĐLH để đi…mần mướn.

Ông Lê Hoàng Buôl (ở ấp 7, xã Vị Đông, H.Vị Thủy) là chủ nhân 2 chiếc máy GĐLH “xịn” do Nhật sản xuất, cho biết gần 70 công ruộng của gia đình ông nằm rải rác ở nhiều nơi, mỗi lần vào vụ thu hoạch kiếm nhân công rất khó. Giá công cắt thì tăng từng ngày, có khi lúa đã chín vàng đồng 5-7 ngày mới kiếm được nhân công thu hoạch. Thế là từ nguồn vốn vay hỗ trợ của tỉnh, ông Buôl “mạo hiểm” mua chiếc máy GĐLH đầu tiên của xã vào năm 2009. Ngoài gặt lúa cho gia đình, ông còn mang máy đi gặt mướn cho bà con trong huyện. Nhờ công việc “xuôi chèo, mát mái”, ông thu được trên 500 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu này, ông mua được thêm 1 máy GĐLH nữa.

 Hậu Giang: Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp
Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH tại P.5, TP.Vị Thanh - Ảnh: Hoàng Nguyên

Tuy nhiên, ở Hậu Giang, những người có điều kiện mua máy GĐLH do Nhật sản xuất (giá từ 550-650 triệu đồng/chiếc) như ông Buôl không nhiều. Trong khi loại máy này tỏ ra phù hợp với đồng đất Hậu Giang hơn hẳn những loại máy sản xuất trong nước (có giá từ 200-300 triệu đồng/chiếc).

Trợ lực cho nhà nông 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 120 máy GĐLH. Đến thời điểm này, diện tích thu hoạch lúa bằng máy của tỉnh ước chỉ đạt 43%; trong đó có đến 17% diện tích do máy từ các tỉnh khác đến làm dịch vụ.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Đề án cơ giới hóa sản xuất lúa tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, tỉnh này sẽ trang bị 100 máy GĐLH (loại có tỷ lệ nội địa hóa không đủ điều kiện hỗ trợ theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ),  với hình thức hỗ trợ người mua vay vốn 70% giá trị máy thông qua tín chấp, thế chấp tài sản, 30% còn lại do nông dân tự bỏ ra. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư thêm số lượng khoảng 3.400 loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp khác, như: xây dựng lò sấy, mua máy phun thuốc, máy tách hạt…nhằm đảm bảo có 70% diện tích lúa đông xuân được thu hoạch bằng máy GĐLH và 70% lượng lúa hè thu được sấy vào năm 2015. Tổng kinh phí đầu tư cho cơ giới hóa giai đoạn này trên 180 tỉ đồng.

Để đề án phát huy hiệu quả, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn cho rằng ngân hàng nên đầu tư có tính tập trung để nông dân tiếp cận được nguồn vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần thực hiện công khai hóa thủ tục và xem lại đối tượng được đầu tư, hạng mục đầu tư, nhưng phải chú ý tập trung cho các xã nông thôn mới.

Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: “Ưu tiên lớn nhất của tỉnh vẫn là nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Do đó, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa là chuyện phải làm và làm sớm. Tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phải khẩn trương thực hiện, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập. Tỉnh đã có chủ trương cụ thể về vấn đề này, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với công nghệ mới, nâng cao trình độ trong sản xuất”.

Hoàng Nguyên

>> Thu hoạch lúa hè thu chạy bão
>> Thất thoát lúa do thiếu máy gặt đập
>> Sớm công bố giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.