Để việc học không bị gián đoạn

28/06/2012 03:20 GMT+7

Vào ĐH là niềm tự hào của không ít bạn trẻ khi cánh cửa tương lai rộng mở trước mắt. Thế nhưng không phải ai cũng đủ sức theo đuổi việc học đến cùng.

Học lại trên 50%

Phan Văn Tiến, sinh viên (SV) năm cuối ngành sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết, năm thứ 3, môn di truyền có hơn 230 SV học thì có tới 200 SV dưới 5 điểm, phải học lại. Gần 50 SV đậu cũng chỉ đạt 5,6 điểm. Tiến chia sẻ: “Đây là một môn học khó nên phải siêng năng, làm bài tập nhiều, đi học đầy đủ. Bạn nào chỉ cần nghỉ một vài buổi là không hiểu gì. Phần lớn SV rớt thường là do nhác đi học, lười học bài và chỉ ôn dồn trong vòng một tuần trước khi thi”. Tiến cho biết thêm, có SV trong một học kỳ phải thi lại tới 3,4 môn trong số 6 môn đã học. Lớp của Sơn n, SV ngành vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có khoảng 60 người thì ở các môn học khó như điện, cơ lượng tử có tới hơn phân nửa phải thi lại.

 Để việc học không bị gián đoạn - nd
Không phải mọi sinh viên đều theo đuổi được đến cùng để nhận tấm bằng tốt nghiệp ĐH
- Ảnh: Mỹ Quyên

Tiến sĩ Lê Quang Đức - giảng viên môn điều khiển tự động Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Trong số 4 lớp gồm 200 SV mà tôi từng dạy, thì có 2 lớp gần như phải học lại toàn bộ môn này. Đây là một môn khó nên SV đã có tâm lý thối lui”. Ông Đức cho rằng chỉ vì ham chơi và tâm lý không vững vàng nên nhiều em ngại khó, ngại khổ, thiếu kiên trì với ngành học mình đã chọn. “Học môn nào khó một chút, cần tư duy nhiều là SV chán nản, bỏ qua. Hoặc môn nào có vẻ như không liên quan là các em cũng không tha thiết” - tiến sĩ Đức nhận định.

Chọn ngành học không phù hợp

Hằng năm, số lượng SV bị buộc thôi học tại các trường ĐH-CĐ không hề nhỏ. Ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM từng có thời điểm rơi rụng tới 50% so với số lượng đầu vào. Đa số SV bị thôi học giữa chừng sẽ thi lại vào một trường khác. Ai có cá tính mạnh mẽ và suy nghĩ tích cực thì tự ra ngoài lập nghiệp. Một bộ phận mất hẳn phương hướng, lêu lổng, lạc lối… Đây là điều khiến nhiều thầy cô tâm huyết rất trăn trở.

Tiến sĩ Lê Bảo Lâm - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM thừa nhận: “SV rơi rớt rất nhiều với lý do chọn ngành học không phù hợp. Thực tế là có nhiều em học được một thời gian thì bỏ vì không thấy thích nữa, muốn thi lại vào ngành khác phù hợp hơn. Không ít em trong số đó có suy nghĩ tiêu cực, sa đà vào tệ nạn xã hội”.

Lý giải về việc SV chán học dẫn đến kết quả học tập kém, thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: “Nhiều em trượt nguyện vọng 1, giải quyết tình thế nên đi học nguyện vọng 2, 3. Học ngành mà mình không thích nên các em chán nản, không có mục tiêu phấn đấu”.

Phần lớn các giảng viên cho rằng, SV nên biết yêu ngành nghề, phấn đấu và chú tâm vào học. “Chỉ cần chịu khó lên giảng đường, thư viện, đọc nhiều sách… thì các em đều có thể đạt được kết quả tốt. Giảng viên chỉ cung cấp lượng kiến thức nào đó và hướng dẫn phương pháp cho các em. Nếu bản thân không có năng lực, phương pháp và sự quyết tâm thì các em không thể đạt được thành công” - thạc sĩ Tạ Quang Lâm chia sẻ.

Mỹ Quyên

>> Chi phí của một sinh viên học đại học
>> Cơ hội học đại học rộng mở tại ĐH Bách khoa TP.HCM
>> Làm thuê học đại học
>> Nướng cá để học đại học
>> Gần 4.000 sinh viên VN đang học đại học ở Hoa Kỳ
>> Học đại học ở Phần Lan không phải đóng học phí?
>> Một gia đình dân tộc Cor có 2 con học đại học
>> Cử nhân đi... học lại
>> Nhộn nhịp mùa... học lại!
>> Điểm thi bất thường, hơn 1.000 học sinh thi lại
>> Sự cố tại kỳ thi tuyển sinh vào Trường CĐ Sư phạm Quảng Nam: Bộ GD-ĐT đồng ý tổ chức thi lại cho 75 thí sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.