Đừng chỉ là sân chơi

22/06/2012 03:01 GMT+7

Trong suốt 10 lần tranh tài Robocon từ năm 2002 - 2011, đại diện Việt Nam luôn được đánh giá cao và từng 3 lần vô địch, trong khi Nhật Bản chỉ có 1 lần. Thế nhưng, sau 10 năm, những thành công qua các kỳ thi đấu Robocon dường như chỉ mới ở mức độ một sân chơi chứ chưa góp phần thúc đẩy lĩnh vực robot của Việt Nam.

Bằng chứng là chúng ta chưa ghi nhận được thành tựu nào đáng kể liên quan đến lĩnh vực robot nước nhà. Tình trạng đáng tiếc này hoàn toàn không tương xứng với việc cuộc thi Robocon đã trở thành sân chơi thu hút sự đam mê, nhiệt huyết của rất nhiều sinh viên Việt Nam suốt 10 năm qua. Trong khi đó, cũng bằng đam mê với chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng và chưa đầy 2 năm, Việt kiều Canada Le Trung đã tự mình chế tạo hoàn thiện một robot thông minh mang tên Aiko được thế giới truyền tụng như một siêu phẩm đích thực (Thanh Niên ngày 17.6 có bài). Bất ngờ hơn, Le Trung không hề được đào tạo bài bản về chuyên ngành cơ khí hay điều khiển tự động  để phục vụ cho việc chế tạo robot. Trả lời phỏng vấn người viết, Le Trung cho biết đang tìm kiếm các nhà tài trợ để thương mại hóa sản phẩm robot của anh. Thực sự, mục tiêu mà Le Trung đề ra không hề xa vời khi giới chuyên gia và các tờ báo hàng đầu thế giới đều nhận định sản phẩm của anh có thể thương mại hóa một cách hiệu quả.

Câu chuyện của Le Trung chính là bài học mà các đại học Việt Nam nên noi theo để định hướng phát triển lĩnh vực robot một cách hiệu quả hơn. Theo đó, các đại học không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích sinh viên tham gia cuộc thi Robocon nhằm đạt thành tích cao ở các sân chơi. Xa hơn, các đại học cần triển khai những chương trình dài hạn, lớp sinh viên trước nối tiếp lớp sinh viên sau, tạo ra những sản phẩm robot có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Nếu không có những chương trình dài hạn, các thế hệ sinh viên ngành kỹ thuật năm nào rồi cũng lại luẩn quẩn trong một chủ đề nghiên cứu để đoạt giải rồi chấm hết. Trong khi đó, những robot mang tính ứng dụng cao có thể được thương mại hóa dễ dàng hơn nhằm tạo nền tảng và động lực mới đi đến những bước tiến bộ xa hơn nữa. Cụ thể, nếu tạo ra những robot có thể bán được trên thị trường, các nhóm nghiên cứu sẽ nhận được lợi nhuận để tiếp tục phát huy khả năng. Như thế, thành tựu mới sẽ liên tục được tạo ra và công nghệ nước nhà sẽ có thể đạt những bước đột phá. Đến nay, thành công được thương mại hóa nổi bật nhất của robot Việt Nam chỉ mới có sản phẩm robot giải trí của Công ty Tosy, vốn được điều hành bởi anh Hồ Vĩnh Hoàng là người từng giữ vai trò đội trưởng đội tuyển đoạt giải Robocon Việt Nam năm 2003.

Tất nhiên, quá trình thương mại hóa rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Nhiều năm qua, các chuyên gia vẫn thường khuyên Việt Nam cần tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học để phát huy các thành quả nghiên cứu phát triển. Vì thế, ngược lại các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đầu tư cho những nghiên cứu tại nhà trường. Doanh nghiệp là lực lượng thấu hiểu thị trường để tham gia định hướng để các đại học tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn trong cuộc sống.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.