Cần minh bạch về giá điện

21/06/2012 03:36 GMT+7

Thảo luận về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật Điện lực (sửa đổi) tại Quốc hội (QH) sáng 20.6, có đại biểu (ĐB) cho rằng Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện để đảm bảo điều chỉnh tăng, giảm hợp lý thay vì chỉ tăng giá mà không có giảm.

Cần minh bạch về giá điện
Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định chế tài bên bán điện nếu không hoàn thành trách nhiệm với bên mua điện - Ảnh: Ngọc Thắng

Giảm giá khi đầu vào giảm

 

Nếu còn độc quyền sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán điện.

Người dân bảo tôi, nếu cứ tiếp tục độc quyền thì người dân không bao giờ là thượng đế của ngành điện nữa, bởi vì ngành điện muốn làm gì, cắt điện lúc nào cũng được, hỏng điện gọi đến thì rất nhiều lý do, chữa chậm

ĐB Bùi Thị An - Hà Nội

Tán thành giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự điều tiết quản lý của nhà nước như quy định của dự luật, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng nhà nước cần quản lý giá bán lẻ điện, không khoán trắng cho doanh nghiệp. “Các đơn vị điện lực được định giá điện bán lẻ theo khung giá và cơ chế điều chỉnh giá do Chính phủ quy định. Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ giá cả, yếu tố đầu vào, giá điện không phải chỉ có tăng mà phải giảm khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, có như vậy ngành điện mới công bằng với khách hàng”, ĐB này đề nghị.

Liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng điện, ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo luật sửa đổi lần này quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và có chế tài xử phạt rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên. Lý do, theo ĐB Nga là thực tế nếu người sử dụng chậm trả tiền điện hoặc vi phạm pháp luật về điện thì lập tức bị cắt điện hoặc bị xử phạt tiền. Tại một số địa phương, nhất là vùng nông thôn, nếu bị cắt điện, chi phí giá thắp sáng của người dân sẽ cao hơn, chưa kể đến những thiết bị, hàng hóa, nhất là hàng đông lạnh bị hỏng do bị cắt điện không được ai đền bù.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh: “Nếu còn độc quyền sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán điện. Người dân bảo tôi, nếu cứ tiếp tục độc quyền thì người dân không bao giờ là thượng đế của ngành điện nữa, bởi vì ngành điện muốn làm gì, cắt điện lúc nào cũng được, hỏng điện gọi đến thì rất nhiều lý do, chữa chậm”. ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) thì cho rằng, cần xây dựng các tiêu chí minh bạch về điều chỉnh giá điện, vì mỗi lần tăng, giảm giá điện luôn tạo ra những lo lắng, xáo trộn nhất định trong xã hội.

Rút ngắn lộ trình thị trường điện cạnh tranh

Để phá thế độc quyền ngành điện, nhiều ĐB đề nghị cần nhanh chóng đẩy nhanh quá trình vận hành thị trường điện cạnh tranh so với dự kiến đặt ra đến năm 2020. ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP.Cần Thơ) phân tích: Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến năm 2011, EVN đang chủ sở hữu quản lý vận hành 57% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống, nếu tính cả các nguồn điện do EVN nắm giữ cổ phần chi phối thì lên đến 87% tổng công suất toàn hệ thống. Hệ thống truyền tải điện và phân phối điện hiện nay 100% là vay vốn nhà nước và người tiêu dùng chủ yếu mua từ một nguồn điện, đó là EVN. Với thực trạng chưa có sự cạnh tranh như thế này thì việc đẩy giá điện theo giá thị trường rất khó.

Từ nhận định này, ĐB Nguyễn Thanh Phương đề nghị nhà nước cần có chính sách tích cực hơn nữa để nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường vì theo kế hoạch chung là đến năm 2022 mới thực hiện giá bán điện lẻ cạnh tranh, càng kéo dài sự điều tiết của nhà nước thì càng bất lợi cho nền kinh tế.

Cũng cho rằng đến 2022 mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là “quá chậm”, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị nghiên cứu rút ngắn lộ trình này “để người dân được hưởng lợi, dân ở đây là cả người dân bình thường cũng như các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất dùng điện”.

Các ĐB khác như Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu)... đều kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ người nghèo về giá điện song song với quá trình thúc đẩy sớm lộ trình thị trường điện cạnh tranh.

Hơn 10 mặt hàng được bình ổn giá

Luật Giá được QH thông qua hôm qua quy định: Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Luật Giá cũng quy định: Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Nhà nước định mức giá cụ thể đối với: các dịch vụ của ngành hàng không (gồm: dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến...); điện: giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Nhà nước định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân, dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền. Nhà nước định khung giá và giá cụ thể đối với: đất đai, mặt nước, nước ngầm, nước sạch sinh hoạt, rừng thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được xây dựng chi từ nguồn ngân sách nhà nước, giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở giáo dục, đào tạo của nhà nước...

Tuệ Nguyễn

Người nước ngoài xâm phạm vùng biển VN có thể bị phạt 1 tỉ đồng

Chiều 20.6, QH biểu quyết thông qua luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức. Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc T.Ư thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Mức phạt cá nhân 1 tỉ đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm rất nghiêm trọng tại một số lĩnh vực, như quản lý các vùng biển, đảo, thềm lục địa, quản lý hạt nhân, chất phóng xạ, tiền tệ, ngân hàng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường...

Ví dụ, hành vi của người nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta để thăm dò, khai thác tài nguyên trái phép, nhưng có sử dụng các loại máy ra đa, máy phát sóng siêu âm; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Chiều cùng ngày, QH cũng đã thông qua các luật: Công đoàn (sửa đổi), Giám định tư pháp; Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tuệ Nguyễn

Bảo Cầm

>> Tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân
>> Chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ 1.7
>> EVN được điều chỉnh giá điện tối đa 5%
>> ĐBQH đề nghị không để doanh nghiệp tự định giá điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.