Nhà vệ sinh 3.500 tuổi là giả định táo bạo

21/06/2012 03:00 GMT+7

Báo chí nước ngoài đưa tin tìm thấy nhà vệ sinh 3.500 tuổi tại Long An, song chính các nhà khoa học trong nước chủ trì khai quật lại không khẳng định điều đó.

Nhà nghiên cứu nước ngoài được trích dẫn để chứng minh sự tồn tại của nhà vệ sinh tại Rạch Núi, Cần Giuộc, Long An là tiến sĩ Marc Oxenham, nhà khảo cổ học Úc. Ông cho biết có phân người và phân chó trong nhà vệ sinh đó được bảo quản hoàn hảo. “Trong đó có xương động vật vỡ, xương cá và cả rau xanh”, tiến sĩ Oxenham nói.

Một phó giáo sư - tiến sĩ quản lý dự án này cho biết “nhà vệ sinh” được nói đến là một khu vực có diện tích 2 m ×3 m có nhiều phân động vật - một dạng di tồn vật chất khó nhận biết. Rất may một nhà khảo cổ học Philippines từng tìm thấy và nghiên cứu phân chó trong di tích thời đại sắt đã nhận biết được ngay. “Vì đây là nơi tập trung nhiều nhất với khoảng 100 tiêu bản lớn nhỏ khác nhau được phát hiện tập trung nên có thể xem đây là một “nhà vệ sinh” thời cổ là vậy. Dĩ nhiên nhà vệ sinh phải trong ngoặc kép”, vị phó giáo sư này cho biết.

Cũng theo vị phó giáo sư, trước đó, các nhà khảo cổ học Nhật Bản từng nghiên cứu các di tồn tương tự cho rằng, nếu chúng tập trung một khu vực thì rất có thể đã có việc thuần dưỡng động vật giai đoạn đó. Phân tập trung cũng cho thấy động vật đã được nuôi nhốt tập trung vào một khu vực nhất định. Như vậy, phát hiện này cũng không phải quá mới.

 Khai quật tại Rạch Núi - Ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên cung cấp
Khai quật tại Rạch Núi - Ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên cung cấp

Thạc sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên, chủ trì cuộc khai quật di tích này, cho biết: “Dấu vết của phân được tìm thấy nằm xung quanh các nền đất đắp có thể là các nền nhà cổ dạng giống nhà tranh vách đất ở nông thôn hiện nay. Không có khái niệm nhà vệ sinh theo cách hiểu thông thường ngày nay ở di chỉ này”.

Tuy nhiên, tiến sĩ cổ sinh học Vũ Thế Long lại cho rằng việc tập trung phân chó có thể được lý giải bằng một cách khác. “Tại Giồng Nổi, Bến Tre - một di tích rất gần Rạch Núi về không gian và hệ sinh thái, chúng tôi cũng phát hiện phân chó tập trung tương tự cùng với xương lợn và động vật khác. Với Bến Tre, chúng tôi giả định đây là nơi làm lễ hiến tế động vật, sau đó chó đến ăn xương và thải phân tại chỗ”, ông phân tích.

Cũng vì thế, ông cho rằng giả thuyết Rạch Núi có "nhà vệ sinh" từ 3.500 năm trước là giả định khoa học rất táo bạo. Muốn chứng minh điều đó, trước hết phải tìm thấy dấu tích hố trữ phân, xem xét các mẫu phân có phải phân người không. Cũng phải xem có chứng tích bã thức ăn cùng các trứng hay vật phẩm liên quan đến các loài động vật ký sinh trong ruột người hay không.

Từng nhiều năm cùng Cục Y tế dự phòng khảo sát các loại hình nhà tiêu ở đồng bằng sông Cửu Long, ông cho rằng khu vực này tồn tại nhiều tập quán vệ sinh có ảnh hưởng đến môi trường như cầu tõm, đi xuống mương... cần khắc phục. Chính vì thế, theo tiến sĩ Vũ Thế Long: “Nếu quả là đã tìm thấy dấu tích nhà vệ sinh ở đây từ 3.500 năm trước thì rất thú vị nhưng tôi e kết luận hơi vội”.

Từng tìm thấy di tích động vật

Đây không phải lần đầu di tích Rạch Núi được khai quật. Hai lần khai quật trước diễn ra năm 1978 và 2003. Những lần khai quật trước cũng cho thấy di tích động vật ở di chỉ rất đa dạng và phong phú. Tiến sĩ cổ sinh học Vũ Thế Long, người đã từng nghiên cứu tại đây năm 1978, cho biết lúc đó tại Rạch Núi này cũng đã có di tích xương chó và phân chó.

Trinh Nguyễn

>> Khai quật nhà vệ sinh hơn 3.500 năm ở Việt Nam
>> Viên ngọc trai tự nhiên cổ nhất thế giới
>> Trên 500 loại vi khuẩn sinh sống tại nơi làm việc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.