Chỉ bảo hiểm tiền gửi là đồng Việt Nam

18/06/2012 15:21 GMT+7

(TNO) Dự luật Bảo hiểm tiền gửi và luật Phòng, chống rửa tiền vừa được Quốc hội thông qua chiều nay 18.6, với sự tán thành của đa số đại biểu quốc hội.

>> Vẫn chỉ bảo hiểm tiền gửi với tiền đồng>> Cơ quan thẩm tra “bảo lưu” đề xuất chỉ bảo hiểm tiền đồng VN
>> Nên bảo hiểm tiền gửi với cả ngoại tệ và vàng
>> Chưa nhận dạng được hành vi rửa tiền

Không bảo hiểm ngoại tệ và kim loại quý

Một số quy định đáng chú ý của luật Bảo hiểm tiền gửi là chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức. Chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam, không bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ và kim loại quý.

Luật không quy định cứng mức phải chi trả mà giao Thủ tướng quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ để bảo đảm sự linh hoạt trong công tác điều hành của Chính phủ.

Giao dịch đột biến phải báo cáo NHNN

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự luật Phòng, chống rửa tiền với sự tán thành của 465/469 đại biểu quốc hội có mặt.

Luật này quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và một số nguyên tắc phối hợp trong phòng, chống rửa tiền mà không quy định về quy trình điều tra, truy tố, xét xử để xử lý tội phạm rửa tiền.

Theo luật này, Thủ tướng quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, trên cơ sở đề nghị của NHNN.

Về báo cáo giao dịch đáng ngờ, luật quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo NHNN khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Đồng thời, quy định rõ các dấu hiệu đáng ngờ trong giao dịch ở lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm, trò chơi có thưởng, casino…

Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ như có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không; hay, khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh; tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý; tài khoản của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn…

Cả hai luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.