Trái tim người mẹ

10/06/2012 03:07 GMT+7

Suất diễn đầu tiên của vở Mẹ ơi ra mắt khán giả vào tối 8.6, tại Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B Võ Văn Tần), để lại cho người xem ít nhiều suy ngẫm về cái giá của sự lựa chọn và trái tim bao dung của một người mẹ.

Trái tim người mẹ
Những giây phút hiếm hoi của tình mẫu tử giữa bà Sen (Hạnh Thúy) và Nam (Hoàng Anh) - Ảnh: A.Đ

Nam (Hoàng Anh), đứa con trai duy nhất của bà Sen (Hạnh Thúy) đã chối bỏ kiếp sống nghèo nàn ở khu nghĩa địa, nơi anh phải bấu víu vào đồ cúng và những mồ mả. Tìm kiếm cơ hội giàu sang ở vị trí con rể, anh bất chấp để vợ (Ngọc Châu) gọi mẹ mình là ô sin. Và phải đến khi vợ anh gắt gỏng khi nghi ngờ bà Sen đang dụ dỗ Nam: “Tôi không ngờ anh bỏ tôi để đi theo một con đĩ già” thì nỗi đau thân phận chực nổ tung trong những xót xa.

Trong thứ mùi tanh tưởi của sự giàu sang bất chấp thủ đoạn, tình mẫu tử của mẹ con bà Sen như đóa hoa thanh khiết ngan ngát hương. Hiện thân của người phụ nữ Việt, tảo tần, nhẫn nhịn, hy sinh. Nét đẹp của bà Sen là điểm sáng cho cả câu chuyện.

Đỉnh điểm diễn ra trong sự bẽ bàng khi sự thật giấu nhẹm suốt thời gian qua được phơi bày, Nam lên cơn đau tim, đối mặt với cái chết. Dù có chịu bao nhiêu tủi nhục, nhưng trái tim người mẹ không bao giờ ngừng đập vì đứa con của mình. Cho con hơi thở để tồn tại và trao luôn cả trái tim để con được sống, bà Sen vĩnh viễn ra đi để giữ cho tiếng khóc chào đời ngặt nghẽo của đứa cháu nội còn có cơ hội gọi Nam là “cha”.

Lối diễn xuất hài hước của NSƯT Việt Anh (vai người quản gia) làm không gian vở kịch trở nên nhẹ nhàng hơn. Cái gầy gò, khắc khổ của người đàn bà khu mả Bất Vọng được Hạnh Thúy lột tả chân phương, song, những phân đoạn cao trào vẫn chưa thật sự làm thỏa mãn người xem.

Cái tình cái nghĩa của những con người nghèo khổ nhưng biết sống vì nhau của ông Bảy (Lê Bình) và bà Sen lấy được nước mắt khán giả. Nghệ sĩ Lê Bình, cái tên không còn xa lạ với những số phận cực khổ, như một điểm nhấn giữa cốt truyện không mới mẻ. Hoàng Anh cũng như Ngọc Châu, một diễn viên “mới toanh”, đã có vai diễn khá tốt, như một niềm hy vọng về lực lượng trẻ kế thừa ở Sân khấu nhỏ TP.HCM.

Bi kịch trong các gia đình trẻ vẫn tồn tại khi vòng xoay cuộc sống ngày mỗi thực dụng và vô cảm. Từng phân đoạn rời rạc, tuy chưa thật đẩy cảm xúc lên (có thể do suất diễn đầu tiên) nhưng nỗi day dứt về đoạn đời của một con người vẫn làm khán giả quay quắt.

“Mẹ ơi” cất lên trong nỗi đắng cay nhưng chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa thiêng liêng về cuộc sống: Khi còn có niềm tin và tình yêu thương, con người còn có thể làm lại từ đầu.

Anh Đỗ

>> Những nghệ sĩ không "sao": “Ngọn đèn” không tắt
>> Kịch cần chất “nóng”
>> Kịch thắng lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.