Như những binh đoàn

10/06/2012 03:40 GMT+7

Nhân người bạn văn nghệ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), bạn bè kéo đến chúc mừng. Chuyện nở như ngô rang, xoay quanh niềm vinh dự của bạn. Thán phục bạn suốt bao năm theo đuổi sự nghiệp, phần đời còn lại chả còn mấy tí mới đạt tới cái danh hiệu ấy. Nó là kết tinh của hàng tấn mồ hôi nước mắt, chưa kể đến tài năng.

Ngồi cạnh tôi là nhà viết nhạc. Biết tôi đang quan tâm đến ca khúc ra đời trong những năm chống Mỹ, mà tôi tạm đặt tên là “Những bài hát của một thời”, ông anh nhạc sĩ tóc hoa râm gật gù khen nhưng sau đó có phần hơi gắt gỏng: “Chú giới thiệu lên

internet rất nhiều bài hát hay hồi đánh Mỹ, được thể hiện bởi những giọng ca nổi tiếng một thời, vậy chú có biết họ đã chịu thiệt thòi thế nào không? Đừng đề cập đến đời sống vật chất, tôi muốn nói đến phần danh mà xã hội đã dành cho họ kia”.

Nghe anh nhắc nhở, tôi bỏ công tìm hiểu kỹ và giật mình. Đúng là xã hội đã chưa công bằng với họ.

Những năm đánh Mỹ, ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương, sức mạnh dân tộc được dốc tối đa nhằm mục đích chiến thắng kẻ thù. Một trong số nguồn động viên vô cùng đắc lực, hiệu quả là lời ca tiếng hát. Trên làn sóng phát thanh, trên trận địa pháo, ngay giữa boong tàu, trong khu căn cứ, thậm chí cả chiến hào chờ địch, luôn vang lên tiếng hát của các ca sĩ chuyên nghiệp. Các anh chị không trực tiếp cầm súng nhưng giọng hát của anh chị góp phần không nhỏ vào chiến công. Nhân dân gọi đội ngũ ấy là những binh đoàn âm thanh, đánh giặc bằng lời ca tiếng hát. Tên tuổi các anh chị trở nên thân quen với bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân, nông dân… khắp các mặt trận. Lớp thanh niên 17-18 lên đường ra chiến trường chẳng mấy ai không đem theo hình ảnh và lời ca của họ. Rất nhiều cái tên được nhắc đến một cách thân yêu, trìu mến: Quốc Hương, Trần Thụ, Tuyết Nhung, Trần Khánh, Kim Oanh, Tuyết Thanh, Thanh Huyền, Trần Chất, Mộng Dung, Bích Liên, Thanh Hòa, Mỹ Bình, Kiều Hưng, Mạnh Hà, Thúy Hà, Tô Lan Phương…, nhiều lắm, không kể hết được.

Thời đó, họ chỉ là nghệ sĩ-chiến sĩ, không phải sao này sao nọ. Họ chỉ biết đem tiếng hát phục vụ cuộc sống, không màng tiền bạc, danh lợi. Hầu hết khi đến tuổi nghỉ hưu, thanh sắc suy giảm, họ trở về với cuộc sống như bao người bình thường khác, thậm chí chịu cả khó khăn vật chất, bởi họ hát không phải để kiếm tiền. Tuổi xuân, giọng ca, nhiệt tình, ý thức công dân… họ dành cả cho sự nghiệp cách mạng.

Chỉ tiếc rằng, sau nhiều đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), NSƯT, có lẽ do những lần đầu tiêu chuẩn quá chặt chẽ, khắt khe, đối tượng được xem xét lại quá đông nên nhiều anh chị đã bị thiệt thòi. Số người được nhận danh hiệu NSND vô cùng ít ỏi (Thanh Huyền, Tường Vi, Quốc Hương…), còn lại chỉ NSƯT hoặc không được gì. Nói ra chẳng phải là hạ thấp ai nhưng rất nhiều nghệ sĩ chỉ đạt “ưu tú” đó, nếu xét về tài năng, phẩm chất, và nhất là sự đóng góp cho cách mạng thì hơn hẳn nhiều vị đạt “nhân dân” sau này. Cứ hình dung rằng những con người như Trần Thụ, Bích Liên, Kim Oanh, Tuyết Thanh, Tô Lan Phương… chỉ mãi mãi đứng hàng “ưu tú” mà buồn, mà thấy không công bằng.

Nhiều người trong các anh chị nay tuổi đã xế chiều. Giá mà... Đừng để phải truy phong như ca sĩ Trần Khánh, danh hiệu NSND gắn vào đâu sau khi đã qua đời. Lúc ấy dù người có trách nhiệm làm gì thì cũng quá muộn.

Nguyễn Thông

>> Quy chế riêng cho trường nghệ thuật
>> Truyện Nguyễn Nhật Ánh thành giáo trình tại Nga
>> Duyệt phim như thế nào ?
>> Tranh - Truyện ngắn của Lưu Quang Minh
>> Từ hoa nghĩ về người
>> Lê Minh Khuê, người về từ Jeju
>> Dấu xưa
>> Nguyễn Nhật Ánh: "Tôi biết yêu từ lớp vỡ lòng!
>> Tổ quốc ở Trường Sa" - Thơ Nguyễn Việt Chiến
>> Trấn Thành với những cuộc phiêu lưu
>> Chạm đến trái tim
>> Đi tìm cà vạt tím" - Truyện ngắn của Tô Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.