Ám ảnh titan

10/06/2012 03:15 GMT+7

Người dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An (H.Phù Mỹ, Bình Định) đang gánh chịu tình trạng ô nhiễm nặng nề từ hoạt động khai thác và chế biến ti tan của các doanh nghiệp.

Nước thải, khói bụi, mùi hôi thối từ các công ty, nhà máy đã khiến tôm cá gần bờ vắng bóng, hàng ngàn hộ dân phải sống cảnh ngột ngạt và đầy âu lo.

Người dân xã Mỹ Thọ ăn ngủ tại chỗ để giữ rừng dương  - nd 
Người dân xã Mỹ Thọ ăn ngủ tại chỗ để giữ rừng dương - Ảnh: Trần Thị Duyên

Những cái chết tức tưởi

Chỉ trong vòng 2 năm, xã Mỹ Thọ đã có đến hơn chục giấy báo tử từ 2 căn bệnh: ung thư gan và phổi. Lão ngư Huỳnh Chiên (69 tuổi, ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ) cho biết: “Trước đây, dân làm biển chúng tôi khỏe lắm. Lâu lâu mới có người chết đi vì già yếu chứ ít có trường hợp bị ung thư. Nhưng từ khi có hoạt động khai thác khoáng sản, có nước thải, khí thải từ các nhà máy thì không hiểu sao số người bị ung thư rồi chết lại tăng hàng loạt”.

Hai anh em ngư dân Phạm Y (66 tuổi) và Phạm Sỹ (59 tuổi, cùng ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ) mắc một chứng bệnh giống nhau, lần lượt sau 2 buổi đi câu khoảng 2 tháng trước. “Tối đó, tui đang câu mực gần bờ ở sát một nhà máy chế biến ti tan thì thấy khói bụi túa ra. Lượng khói này có màu trắng đục, mùi khét lẹt rất khó chịu. Gió đưa số khói bụi này tạt vào mặt rồi từ đó đến nay hai bên má nổi sần, mụn xì bọt màu vàng đục liên tục”, ông Phạm Sỹ kể lại.

 
Nếu cứ để cho họ tiếp tục đào bới, khai thác sâu theo kiểu tận thu thế này thì chỉ vài năm sau biển sẽ ập vào từng nhà mà không có một rào chắn nào ngăn cản

Chị Nguyễn Thị Vinh, ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định

Đầu tháng 5.2012, ông Phạm Y đi câu mực ở khu vực trên cũng gặp phải luồng gió kia và về mắc bệnh y như em trai mình. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng phần da sần bọc mủ đau rát vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Thế nhưng vì miếng cơm manh áo, những ngư dân ấy vẫn phải tiếp tục công việc và hứng chịu ô nhiễm.

5 năm đã trôi qua nhưng chị Nguyễn Thị Vinh (40 tuổi, ở thôn Hòa Hội Bắc, xã Mỹ Thành) vẫn không thôi xót xa thương nhớ và tức giận trước cái chết oan uổng của đứa con trai đầu lòng. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, con trai chị (lúc đó 18 tuổi) đi thăm thầy cô thì bị sụt chân xuống hố lầy do một công ty khai thác khoáng sản trong quá trình khảo sát để lại. Chị Vinh nén lòng kể: “Nó chết quá đột ngột trong hố ngập ngụa sình lầy. Không ai dám nhảy xuống mà cũng không thể xuống đó để vớt nó lên. Gia đình tôi phải nhờ đến xe cần cẩu. Người của công ty đó mang 15 triệu đồng tới cốt để chúng tôi không kiện tụng. Lúc ấy, tôi như phát điên, không còn biết gì nữa…”.

Một năm trở lại đây, người dân xã Mỹ Thành không còn thấy lạ trước chuyện khói bụi, xỉ ti tan ùn ùn ùa vào nhà, đóng lớp lớp cáu bẩn. Một ngày có đến vài bận họ phải đóng kín các cửa, chờ gió đi qua và nhà máy ngưng nhả bụi. Bà Phan Thị Tía (70 tuổi) mỉa mai: “Ông chủ tịch xã nói với chúng tôi là Mỹ Thành may mắn lắm vì có ti tan. Có lẽ chỉ mình ổng thấy may chứ tụi tôi không ham khói bụi, ô nhiễm… Lỡ có mưa bão, sóng to gió lớn gì thì cũng bà con gánh chứ ai gánh?”.

Không chỉ gây hại đến con người, cơn lốc ồ ạt khai thác ti tan của các doanh nghiệp còn “khai tử” hàng loạt cây dương - lá chắn của làng chài, biến từng khoảnh rừng bỗng chốc trọc lóc, trơ trụi và dẹp luôn cả nghề làm ruốc, hấp cá của phụ nữ xóm biển. Chị Nguyễn Thị Trang (46 tuổi, ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ), người có gần 8 năm theo nghề làm ruốc, bảo ruốc thường xuất hiện ở gần bờ nhưng 3 năm nay, từ khi xuất hiện nhà máy khai thác ti tan, thì lũ ruốc không còn nữa. “Khi nào dân phản ứng, la lên thì nhà máy bịt ống xả thải lại. Mấy ngày đó, ruốc, cá cơm săn quay trở về. Được vài bữa, họ xả ra thì mọi việc lại y như cũ, cá ruốc gì cũng chết hết. Tôi phải bỏ nghề hấp cá cơm mấy năm nay”, chị Lê Thị Loan (42 tuổi, ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ) bùi ngùi nói.

Cuộc chiến đất đen

Hơn ai hết, người dân của các xã biển này ý thức sâu sắc vai trò của rừng dương với cuộc sống hằng ngày. Còn rừng là còn lá phổi, nguồn nước, rào chắn cát... Còn rừng là còn sự sống. Với dân xã Mỹ Thọ, dải rừng dương phòng hộ ven biển còn là nơi lưu giữ ký ức của một thời hy sinh gian khổ của ông bà, cha mẹ và chính họ. Cách đây gần 40 năm, khi lập làng xóm ở đây, người dân hai thôn Tân Phụng 1 và 2 đã cùng đi gánh dương con về trồng theo chủ trương của Nhà nước. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, sức lực, tình cảm và hy vọng đã đổ xuống dải rừng này.

Cuộc chiến đất đen - Một dây chuyền khai thác ti tan trong lòng cát - nd 2 
Một dây chuyền khai thác ti tan trong lòng cát

Từ khi nổi lên hoạt động khai thác ti tan tại Bình Định đến nay, Phù Mỹ có 19 doanh nghiệp được cấp đến 28 giấy phép với tổng diện tích khai thác lên đến khoảng 1.200 ha. Tháng 2.2012, Công ty CP khoáng sản và thương mại Bình Định bắt đầu triển khai hệ thống trụ điện dẫn vào khoảnh rừng được Bộ TN-MT cấp phép khai thác với trên 180 ha tại xã Mỹ An (giáp ranh Mỹ Thọ), nhưng bị những người dân Mỹ Thọ phản đối. “Dải rừng ấy của bà con Mỹ Thọ trồng. Hơn nữa, khi có bão cát, ở những vùng liền kề thế này, tụi nó (bão cát) đâu có mắt mà trừ dân Mỹ Thọ tụi tôi ra”, ông Huỳnh Chiên (69 tuổi, ở Mỹ Thọ) lý giải. Còn chị Nguyễn Thị Hiền (37 tuổi) hốt nắm cát trên tay nói: “Cát mà có đất đen (ti tan) thì khi thổi sẽ ít bay hơn. Dù họ được cấp phép đầy đủ, nhưng khai thác xong thì họ đâu có ở đây mà hứng chịu gió, bão mang theo cát như dân chúng tôi!”.

Ròng rã gần 3 tháng trời, dân Mỹ Thọ đi canh rừng. Họ nhất quyết không cho doanh nghiệp khai thác ti tan trên đất rừng phòng hộ. Có lúc dân tập trung đến hơn 500 người. Căng thẳng lên đỉnh điểm khi hàng trăm người dân rồng rắn kéo lên trụ sở UBND H.Phù Mỹ yêu cầu lãnh đạo huyện phải nhanh chóng giải quyết. Ngay sau đó, UBND huyện và tỉnh có quyết định yêu cầu Công ty CP khoáng sản và thương mại Bình Định ngừng mọi hoạt động, nhổ bỏ các trụ, trạm điện đã dựng trong rừng dương.

Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Chỉ trong khoảng 10 ngày cuối tháng 5.2012, liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy ngay tại khoảnh rừng mà công ty trên được cấp phép. Hết giữ đất đen, dân Mỹ Thọ tất tả xoay qua cứu và giữ rừng. Quá bức xúc, người dân đã giữ chân một cán bộ kiểm lâm, yêu cầu Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phù Mỹ phải xuống tận hiện trường cam kết tìm ra thủ phạm. Nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì từ Hạt kiểm lâm huyện.

Những ngày đầu tháng 6.2012, dân hai xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ vẫn lều chõng ra bãi đất khai thác của các doanh nghiệp để phản đối hoạt động sản xuất. “Nếu cứ để cho họ tiếp tục đào bới, khai thác sâu theo kiểu tận thu thế này thì chỉ vài năm sau biển sẽ ập vào từng nhà mà không có một rào chắn nào ngăn cản”, chị Nguyễn Thị Vinh (ở Mỹ Thành) quả quyết.

Doanh nghiệp chưa từ bỏ ý định

Phía doanh nghiệp tuy đã dừng mọi hoạt động (theo quyết định của tỉnh và huyện) nhưng không có nghĩa là sẽ từ bỏ dự án đã tiêu tốn khoảng 10 tỉ đồng đầu tư ban đầu. Ông Phạm Lê Nhung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP khoáng sản và thương mại Bình Định, khẳng định: “Chúng tôi sẽ quay lại thương lượng với dân. Sẽ có những cam kết cụ thể như sử dụng 80% lao động địa phương hay phương thức khai thác cuốn chiếu, bắt đầu từ những khoảnh đất không có rừng. Công nghệ khai thác của công ty hoàn toàn dựa vào cơ giới, không dính dáng lem nhem gì tới hóa chất để có thể gây ra hệ lụy môi trường”. Ông Nhung cho rằng, đơn vị khai thác ti tan nào cũng gặp phải sự phản đối ban đầu của người dân nhưng sau khi có sự thương lượng, có sự góp mặt của chính quyền địa phương thì sẽ thực hiện được.

Trần Thị Duyên

>> Rùa biển mất chỗ đẻ vì nạn khai thác ti tan
>> Chiếc nôi tiện nghi
>> Tiếng kêu từ các mỏ
>> Gần 100 tấn titan tang vật "bốc hơi
>> Giải tỏa 21 điểm khai thác vàng trái phép ở Đắk Nông
>> Khẳng định tiềm năng của ngành titan Việt Nam
>> Bắt quả tang vụ vận chuyển titan trái phép
>> Đề xuất tận thu lượng titan tồn sót tại Quảng Nam
>> Phát hiện 3 doanh nghiệp khai thác titan lậu
>> Lại vỡ bờ moong khai thác titan
>> Mỏ titan khổng lồ trên mặt trăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.