Rắc rối quanh khối tài sản lớn của bà chủ bún khô

07/06/2012 03:32 GMT+7

Sau cái chết bất ngờ, bà Thạch Kim Phát (66 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) để lại khối tài sản kếch sù gồm nhiều bất động sản, sổ tiết kiệm, nữ trang, vàng, hột xoàn... nhưng không có di chúc khiến xảy ra tranh chấp.

Bà Phát kinh doanh bún khô nhãn hiệu Ông Thọ (một người chị của bà cũng kinh doanh bún khô nhãn hiệu Long Phụng). Do trước đây, nghề này cần nhiều đất đai để phơi bún nên bà Phát mua nhiều mảnh đất từ thời đất đai chưa có giá. Sau này, bà chuyển sang mua bán bất động sản, xây nhà xưởng cho thuê, cho thuê đất làm trường học...

Ngày 10.3.2011, bà Phát mất. Nguyên nhân được xác định là do đột quỵ bất ngờ khi bà đang rất khỏe mạnh. Sau khi chôn cất bà xong, con gái nuôi của bà là cô Thạch Hà Huệ Lan thuê Văn phòng thừa phát lại Q.Bình Thạnh và thợ khóa mở két sắt và bất ngờ trước khối tài sản lớn bà Phát để lại.

 

Người trong cuộc lên tiếng

Chiều 6.6, thông qua luật sư Bảo Trâm, lần đầu tiên cô Thạch Hà Huệ Lan chính thức có văn bản gửi đến các báo có thông tin về vụ việc. Theo đó, cô cho rằng hợp đồng thuê két sắt của Sacombank là để cất tài sản, không phải là hợp đồng gửi giữ. Do hai bên không tìm được tiếng nói chung, cô đơn phương ký hợp đồng thanh lý với Sacombank và chịu mọi trách nhiệm nếu có tổn thất, thiệt hại hay bất kỳ chi phí bồi thường nào liên quan đến 2 két sắt. Đồng thời, cô cũng thông báo sẽ trao lại tài sản nếu bất cứ ai trong dòng tộc chứng minh được quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, để hoàn tất việc kiểm kê, lập vi bằng khối tài sản này, các thừa phát lại phải làm việc trong suốt nhiều ngày ròng rã, phải mời công an, thuê vệ sĩ đến hỗ trợ. Theo vi bằng của thừa phát lại lập, có trên 25 bất động sản ở TP.HCM và các tỉnh; sổ tiết kiệm (trên 11 tỉ đồng và 1.264.000 USD); 12 thẻ tiết kiệm thả nổi của Ngân hàng ACB (hơn 300.000 USD và  nhiều tỉ đồng); 160 lượng vàng và nữ trang, hột xoàn... 

Ông Thạch Vũ Phương (em bà Phát) cho biết bất động sản tổng cộng khoảng 20.000 m2, ngoài những sổ tiết kiệm có giá trị rõ ràng còn nữ trang, hột xoàn thì không thể biết chính xác giá trị. Ông Phương nói đây là tài sản của gia tộc, bởi các anh em của ông ở nước ngoài nhiều lần gửi tiền về cho bà Phát mua đất kinh doanh, với mục đích sau này hồi hương về VN sinh sống. “Trước đây, tôi sống ở Đức. Khi tôi hồi hương về VN, bà Phát cho tôi một mảnh đất khoảng 2.000 m2”, ông Phương dẫn chứng.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý khi bà Phát mất là phát sinh thừa kế. Di sản thừa kế sau khi trừ các khoản nợ, hùn góp vốn... sẽ phân chia theo pháp luật. Theo đó, người được hưởng thừa kế duy nhất là con nuôi cô Thạch Hà Huệ Lan (do bà Phát không có chồng, con; cha và mẹ đã mất, là những người cùng hàng thừa kế thứ 1 với cô Huệ Lan). Do có những ý kiến khác nhau về khối tài sản này, ngày 26.3.2011, phía ông Phương (đại diện cho các anh, em sống ở nước ngoài) và Huệ Lan cùng ký hợp đồng thuê hai két sắt ở Sacombank trong thời gian 1 năm để chứa số tài sản nói trên. Hết hạn thuê két, phía ông Phương muốn gia hạn thêm 1 năm nhưng Huệ Lan không đồng ý dẫn đến tranh chấp. Ngày 30.5.2012, Sacombank đã mời các bên lên làm việc giải quyết số phận 2 chiếc két sắt này và đã thanh lý hợp đồng.

Cho rằng việc xử lý của Sacombank đã xâm phạm trực tiếp đến sự an toàn, bảo mật tài sản, vi phạm quy định của ngân hàng và luật các tổ chức tín dụng năm 2010, ông Phương kiện Sacombank ra TAND Q.3.

Quang Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.