Có cần thi tốt nghiệp THPT?

08/06/2012 03:49 GMT+7

Nhiều ý kiến đặt ra liệu có cần một kỳ thi tốt nghiệp THPT còn nhiều vấn đề như hiện nay hay không sau vụ gian lận nghiêm trọng ở Bắc Giang năm nay và việc các tỉnh ĐBSCL bắt tay nhau chấm lỏng ở năm trước?

>> Vấn nạn thành tích
>> Phanh phui tiêu cực vì quá bức xúc
>> Học sinh ngang nhiên quay cóp, giám thị tích cực ném "phao" tiếp sức

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trịnh Ngọc Thạch (ảnh) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tôi tin rằng còn nhiều nơi có tiêu cực mà chúng ta chưa phát hiện ra thôi”.

thi tốt nghiệp THPT  
Kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến phần đông học sinh cảm thấy căng thẳng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Năm nào sau kỳ thi cũng có chuyện tiêu cực xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc xem lại cách thức tổ chức kỳ thi này và đặt vấn đề liệu có nên tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không. Ý kiến của ông ra sao?

 
Đánh giá 12 năm học bằng một kỳ thi dứt khoát sẽ có lỗ hổng và tôi đảm bảo rằng không thể chính xác

Duy trì hay bỏ đều có lý của nó. Duy trì cũng có lý của nó chứ không phải vì tiêu cực mà bỏ. Chỉ có điều làm thế nào để không gây áp lực cho nhà trường, học sinh và phụ huynh. Nhưng cái quan trọng hơn là đánh giá đúng chất lượng dạy học, thực lực của học sinh.

Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT phải có đánh giá hết sức nghiêm túc về chất lượng, hiệu quả của kỳ thi này. Trên cơ sở đó nhanh chóng đưa ra những quyết sách phù hợp. Nếu thực sự thấy kỳ thi bộc lộ nhiều tiêu cực, hình thức, nhiều cái dở, gây cản trở, khó khăn quá nhiều cho các địa phương thì nên bỏ.

Còn tổ chức thi tốt nghiệp như vậy thì không chỉ Bắc Giang mà rất nhiều nơi khác còn có biểu hiện chống đối.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng không nước nào là không tổ chức thi để lý giải cho sự tồn tại của kỳ thi căng thẳng, tốn kém này. Ông có nghĩ như vậy không?

Thi ở nước ta rất khác ở chỗ, ở ta vẫn lấy cái mốc thi cử để đánh giá kết quả. Cái đó không có gì sai nhưng quá coi trọng kỳ thi để đánh giá kết quả là có vấn đề. Đặc biệt cứ lấy điểm cao, thành tích cao mà đánh giá chất lượng giáo dục là rất nguy hiểm. Không phải thi phổ thông đâu, cử nhân, thạc sĩ... cũng vậy, cứ điểm cao là thành tích cao.

Đánh giá 12 năm học bằng một kỳ thi dứt khoát sẽ có lỗ hổng và tôi đảm bảo rằng không thể chính xác.

Vậy theo ông có cách nào để đảm bảo chất lượng dạy học nếu không có kết quả thi cử để đánh giá?

Cách hay nhất là cứ đánh giá thật chặt kết quả học tập của từng năm, việc kiểm định, đánh giá được làm một cách thường xuyên, liên tục thì cả một quá trình chỉ cần xét tốt nghiệp là được.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Phải làm rõ vì danh dự của ngành giáo dục

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 7.6, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Tôi vừa mới đi công tác nước ngoài về sáng nay (7.6 - PV) thì thấy đài truyền hình có đưa tin và nói thật là tôi thấy rất giật mình vì lâu nay Bắc Giang không có chuyện như vậy. Tôi có hỏi thì họ nói đã họp hội đồng chỉ đạo tuyển sinh của toàn tỉnh và đang chỉ đạo để xác minh tất cả các vấn đề đó và sẽ có thông báo chính thức”. Phó thủ tướng cũng cho biết, chiều 7.6 mới hẹn gặp Bộ trưởng

GD-ĐT để nghe báo cáo thêm. “Nguyên tắc là trách nhiệm thi ở địa bàn nào thì hội đồng ở tỉnh đó phải làm rõ vì đó là danh dự của ngành giáo dục. Nếu thiếu sót thì phải nhận và không phải thì phải có ý kiến chính thức” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tuệ Nguyễn

Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong toàn ngành

Chiều 7.6, bên hành lang Quốc hội, nhiều phóng viên đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xung quanh vụ việc tiêu cực thi cử ở Bắc Giang. Cuối giờ chiều cùng ngày, Văn phòng Bộ GD-ĐT đã gửi công văn kèm nội dung trả lời chính thức của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rất nhiều báo, trong đó có Thanh Niên. Nội dung văn bản trên như sau:

Vi phạm ở Hội đồng thi tốt nghiệp Trường THPT dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang là nghiêm trọng. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang và các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh để sớm có kết luận và xử lý nghiêm theo quy chế hiện hành, đồng thời công khai trên công luận. Chúng tôi sẽ cùng tỉnh Bắc Giang phân tích kỹ vụ việc này để rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

Về việc cháu học sinh quay phim, tôi nghĩ: Việc này chủ yếu là việc của người lớn. Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai. Nếu theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT, thì việc các cháu làm như vậy là vi phạm quy chế. Nhưng việc xử lý các cháu như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng: giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và nhằm mục đích giúp các cháu trở thành người tốt.

Về việc phát tán trên mạng nhiều đoạn phim làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các cháu học sinh còn nhỏ tuổi. Do vậy, theo tôi, chúng ta không nên hướng sự quan tâm thái quá đến các đoạn phim như thế này. Nếu nhận được các đoạn phim tương tự, chúng tôi sẽ xem xét, xác minh và xử lý theo đúng quy định.

 Nên xem như là kỳ thi học kỳ 2

“Tôi cho rằng không nên bỏ kỳ thi này nhưng không nên làm như hiện nay. Và cũng xin khẳng định là không nước nào trên thế giới có cách làm kỳ lạ như chúng ta đang làm đối với kỳ thi này. Đã đến lúc phải xem nó như một kỳ thi học kỳ 2 của năm học cuối cấp THPT, địa phương tự tổ chức, tự ra đề, Bộ GD-ĐT chỉ duyệt phương án, duyệt đề thi để xem nó có phù hợp với điều kiện dạy và học, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương đó hay không mà thôi. Thay vào đó, Bộ phải xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá, kiểm tra cả quá trình dạy và học chứ không thể quản chất lượng giáo dục bằng một kỳ thi”.

Phó giáo sư Văn Như Cương
Hiệu trưởng Trường phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội

Nâng cao chất lượng thi đầu vào ĐH

“Để một kỳ thi diễn ra nghiêm túc thì con người là yếu tố quyết định, mỗi thầy cô giáo phải thực hiện đúng với đạo đức nghề nghiệp. Đã đến lúc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc THPT và nâng cao chất lượng của kỳ thi đầu vào của các bậc học cao hơn”.

Nguyễn Hoàng Minh
Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Trí Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Xét quá trình học 3 năm để đánh giá

“Các chủ tịch hội đồng thi nếu nghiêm túc thì không một giám thị nào dám làm sai quy chế. Một kỳ thi mà năm nào tỷ lệ đậu cũng hơn 90% thì cũng nên làm cho nó nhẹ nhàng hơn và đỡ tốn kém bằng cách xét quá trình học của học sinh trong 3 năm để đánh giá cho các em hoàn thành bậc học này như đối với bậc tiểu học, THCS“.

 Kim Vĩnh Phúc
 Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM)

Tuyết Mai - B.Thanh (ghi

Bằng tú tài ở các nước

Anh: Bậc trung học chia làm 2 giai đoạn: Lớp 7-9, sau đó học sinh ở lứa tuổi 16 học chương trình GCSE (General Certificate of Secondary Education) gồm 10 môn, thi lấy chứng chỉ tốt nghiệp trung học. Thang điểm đánh giá kết quả thi là từ A* đến G. Học sinh thi bằng GCSE với số điểm từ A* đến C ở 5 môn học trở lên, có thể học tiếp 2 năm chương trình A - level (lớp 11-12). Chương trình được chia thành AS và A2: Bậc AS học sinh chọn từ 4 đến 6 môn và thi cuối năm học thứ nhất. Bậc A2 học sinh chọn ra 3 môn của bậc AS để học tiếp và thi vào cuối năm học thứ hai. Thang điểm đánh giá đạt kỳ thi AS cộng với A2 từ A đến U là kết quả của chứng chỉ A hoàn chỉnh. Đây là điều kiện để vào ĐH.

Canada: Bậc trung học đến lớp 11, 12 hoặc 13 tùy theo các tỉnh bang. Không có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mà học sinh sẽ thi các môn học vào cuối năm như kỳ thi hết học kỳ. Sau đó, học sinh có thể theo học ĐH, CĐ hay CĐ nghề.

Mỹ: Nếu hoàn thành chương trình học của tất cả 12 lớp, học sinh có bằng tốt nghiệp trung học (high school diploma). Ngoài ra ở Mỹ còn có chương trình tú tài quốc tế (IB), học sinh phải thi 6 môn và công tác phục vụ cộng đồng. Những lợi ích của IB là được công nhận trên thế giới, có một số môn không phải học khi lên ĐH...

Các nước châu u: Theo tài liệu của Bộ Giáo dục Pháp, tất cả các nước thuộc Liên minh châu u (EU) đều cấp bằng cho học sinh tốt nghiệp chương trình phổ thông với nhiều hình thức khác nhau. Bằng tú tài được xem là “vé thông hành” chính yếu nhất để vào ĐH. Riêng tại Tây Ban Nha, bằng được xét cấp theo điểm số trung bình tất cả các môn của năm cuối cấp (tương đương lớp 12 của Việt Nam). Sau đó, học sinh sẽ trải qua kỳ thi Selectividad, phải đạt ít nhất điểm trung bình để được nhận vào bậc học cao hơn.

T.Ngân - Lan Chi (tổng hợp)

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.