Tại sao Mỹ vẫn lưỡng lự UNCLOS ? - Kỳ 2: Chờ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa

06/06/2012 03:10 GMT+7

Dù thiên thời và địa lợi đã có, nhưng Mỹ cần phải đạt được “nhân hòa” trong nội bộ nước này thì mới có thể tham gia UNCLOS.

>> Tại sao Mỹ vẫn lưỡng lự UNCLOS ?

Sau hai lần bị phủ quyết trước quốc hội vào năm 1994 và 1997, việc gia nhập Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 chưa bao giờ được nhiều thành phần tại Mỹ ủng hộ như hiện nay. Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng một số công ty lớn tại Mỹ đều đã lên tiếng hậu thuẫn. Đặc biệt, các công ty năng lượng Mỹ nhiệt tình ủng hộ Washington gia nhập UNCLOS. Tuy nhiên, nếu đặt góc nhìn về biển Đông, việc vượt sự ngăn cản của phe bảo thủ cần đảm bảo các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. 

Sợ sức mạnh

Xét tổng thể, bất cứ nước nào liên can đến lợi ích trên biển Đông - dù trực tiếp hay gián tiếp - đều xoay vòng giữa hai xu thế: sức mạnh và từ chối sức mạnh. Thông thường, các cường quốc có xu hướng ỷ vào sức mạnh. Ngược lại, các nước nhỏ ưu tiên viện dẫn nguyên tắc pháp lý quốc tế. Bất đối xứng về sức mạnh dẫn đến bất đối xứng về hành vi. Tuy vậy, những gì diễn ra trên biển Đông lại không hoàn toàn tuân theo nguyên tắc trên. Trỗi dậy nhưng chưa phải vô địch, Trung Quốc đã trải qua nhiều năm theo đuổi chính sách “ẩn mình chờ thời” do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra.

Chờ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta muốn nước này sớm tham gia UNCLOS - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, mặc dù là cường quốc mạnh nhất nhì thế giới nhưng hiện tại đã qua thời Chiến tranh lạnh nên Mỹ cũng lựa chọn chính sách duy trì. Nhất là khi quyền lợi trực tiếp của Washington tại biển Đông không tập trung vào tranh chấp chủ quyền. Washington san sẻ quyền lợi tự do hàng hải, giữ trách nhiệm bảo vệ đồng minh nhằm tái khẳng định “trật tự Mỹ” tại châu Á - Thái Bình Dương, vốn được hình thành sau Thế chiến 2. Sự dính líu của Mỹ vào biển Đông vừa là định mệnh mà cũng vừa là lựa chọn bắt buộc.

Như vậy, cả hai đều mạnh nhưng cũng đều sợ sức mạnh. Trung Quốc có thời kỳ “trỗi dậy hòa bình” ngoạn mục trong hơn 1 thập niên qua kể từ năm 1997, nước này chấp nhận giới hạn sức mạnh và theo đuổi con đường “thể chế”. Biển Đông có thời gian tạm ổn định khi vòng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) bắt đầu và kết thúc bằng Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.

 

Tàu Philippines, Trung Quốc rút khỏi Scarborough

Ngày 5.6, Đài ABS-CBN News dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez thông báo nước này và Trung Quốc vừa rút một số tàu khỏi bãi cạn Scarborough, nơi hai bên đang tranh chấp căng thẳng kể từ đầu tháng 4. Theo đó, 2 tàu tuần tra của Trung Quốc và 1 tàu thuộc Cục Thủy sản Philippines đều đã rời khỏi khu vực này, theo Đài ABS-CBN News. Tuy nhiên, phát ngôn viên Hernandez không nói rõ hai bên còn lại bao nhiêu tàu tại đây.

Văn Khoa

Mỹ được công nhận là siêu cường lãnh đạo, không phải do sự vượt trội về số lượng khí tài trên biển mà còn nhờ vào nỗ lực xây dựng trật tự thế giới theo một khung hành động theo pháp lý. Thế nhưng, trong cuộc chiến Iraq, Mỹ đơn phương từ chối các thể chế do chính nước này đề ra. Vì vậy, phong trào phản kháng Mỹ dưới trào Tổng thống George W.Bush trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tương tự, Trung Quốc bị khủng hoảng về vị trí và hình ảnh “phát triển hài hòa” vì Bắc Kinh có những động thái hung hãn trên biển Đông. Theo đó, Mỹ lẫn Trung Quốc đều gặp chung một tình trạng: sự tràn thừa xu hướng sức mạnh.  

Kiềng 3 chân

Sợ sức mạnh thì “thể chế” là giải pháp. Các cường quốc sẽ đạt được 3 điểm có lợi khi tự giới hạn hành động vào khuôn phép. Một là vẫn giữ được vị trí ưu tiên trong thể chế giúp đảm bảo quyền lợi tối thiểu trong trường hợp sức mạnh bị suy giảm. Hai là việc lạm dụng sức mạnh kéo theo nhiều tốn kém. Cuối cùng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch bao đời nay: “Danh có chính thì ngôn mới thuận”. Luật và thể chế giúp các nước lớn theo đuổi quyền lợi của mình bằng con đường chính danh thông qua những cam kết đồng thuận giữa các bên.

Đối với Washington, thời của “thể chế” trên biển Đông bắt đầu bằng việc định nghĩa lại lợi ích của Mỹ trên đại dương, cụ thể nhất qua việc phê chuẩn UNCLOS. Trong bối cảnh cắt giảm chi phí quân sự và tái bố trí lực lượng, công ước trên sẽ giúp Mỹ tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thực thi chính sách “chuyển dịch trọng tâm chiến lược” sang châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, sự vượt trội về lực lượng quân sự và đồng minh của Mỹ tại khu vực này đều có xu hướng thay đổi khi Trung Quốc trỗi dậy. Vì thế, “liên minh pháp lý” đóng vai trò bàn đạp thứ ba của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Điều này giúp Mỹ tham gia trực tiếp hơn tại biển Đông và không bị định kiến lạm dụng sức mạnh. Nói như ông Panetta thì: “Mạnh vì chơi theo luật chứ không phải chống lại luật”. Nhờ đó, Mỹ có thể hiện diện và khẳng định vai trò một cách chính danh hơn, khác với hình ảnh một cường quốc đang trỗi dậy nhưng thiếu sự công nhận từ cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến việc Mỹ tham gia UNCLOS lại phụ thuộc vào nội bộ nước này. Đặc biệt, đây là giai đoạn khá nhạy cảm khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào cuối năm nay. Hiện tại, những xu hướng chính trị cực tả hay cực hữu không thể nào vận động được hết đa số nên các ứng viên tổng thống Mỹ sẽ tìm cách dung hòa để mở rộng lực lượng ủng hộ. Giữa bối cảnh như thế, các đề tài gây tranh cãi như UNCLOS nhiều khả năng bị đem ra “đổi chác” trong quốc nội. Theo đó, rất khó để đoán định việc Mỹ có tham gia UNCLOS trong lần này hay không. Kết quả còn chờ vào yếu tố nhân hòa dù thiên thời và địa lợi đã có đủ.

Nguyễn Chính Tâm

>> DDG-1000: Siêu chiến hạm tàng hình để khắc chế Trung Quốc
>> Hàn Quốc “không phản đối Nhật điều tàu khu trục gần Hoàng Hải”
>> Nguy cơ bùng nổ xung đột ở châu Á
>> Úc lên kế hoạch chiến tranh với Trung Quốc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.