Nhậu trưa với người Hà Nội

05/06/2012 09:58 GMT+7

Vừa bước xuống tàu lúc 5h sáng, anh bạn ra đón tôi tại ga Hà Nội đã thì thầm rủ rê: “Trưa nay nhậu với cả hội tí nhé, tao hẹn chúng nó rồi”. Tôi ngạc nhiên: “Không phải đã có quy định cấm không được uống rượu bia trong giờ làm việc, nghỉ trưa rồi à?”. Bạn cười, nháy mắt: “Còn lâu mới cấm được”.

 
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày có lệnh cấm, theo ghi nhận của phóng viên, tình hình nhậu sáng, nhậu trưa ở Hà Nội vẫn không có gì thay đổi so với trước đó - Ảnh: Giang Huy

Lệnh cấm…

Là chuyện mới đây khi làm việc với các bộ, ngành liên quan về vấn đề giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận triển khai hàng loạt giải pháp để giảm con số về tai nạn như tăng mức phạt, tăng biên chế cảnh sát giao thông, cấm cán bộ uống rượu bia vào buổi trưa. Theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, trong quý II, UBND các tỉnh, thành, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp ban hành quy định “không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”, xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.

“Lệnh cấm” này ngay lập tức gây ra những phản ứng trái chiều. Bạn tôi - một công chức ở thành phố Hà Nội - đặt câu hỏi: Theo tôi, mọi chuyện cấm đoán phải có căn cứ khoa học, ngoài giờ làm việc thì mọi cán bộ, công chức đều là công dân. Họ chịu sự ràng buộc của pháp luật dân sự chứ không phải của thủ trưởng cơ quan. Tuy nhiên, chuyện uống rượu bia dưới ngưỡng an toàn về sức khoẻ và về giao thông thì lại là chuyện khác, một chuyện mà mọi người cần hiểu rõ để tự bảo vệ mình và bảo vệ an toàn cho người khác. Cấm uống rượu bia quá ngưỡng quy định là yêu cầu đối với mọi công dân chứ đâu riêng gì cán bộ, công chức.

“Chiếu theo quy định trên, từ nay công chức nhà nước như tôi muốn đi tiếp khách thì bắt buộc phải đi vào buổi chiều à?”. Vợ bạn nghe vậy lườm chồng kèm theo một tiếng thở dài thườn thượt: “Khổ thân các bà vợ. Thế là từ nay các ông chồng sẽ có thêm lý do để không ăn tối ở nhà”.

Một bạn khác hoan hô khi nghe quy định “cấm cán bộ, công chức uống rượu bia buổi sáng, giờ nghỉ trưa” với lý do: “Có lần tôi đến một cơ quan tiếp dân của quận Cầu Giấy, bộ phận một cửa để giải quyết mấy giấy tờ liên quan. Lúc đó khoảng 15h mà người cán bộ ngồi sau bàn tiếp dân mặt mũi vẫn phừng phừng, mồm nồng nặc mùi rượu. Sau khi hạch tôi trình đủ 7 - 8 loại giấy tờ, anh ta lại quên mất và... hỏi lại từ đầu”.

Bạn tiếp: “Nhưng đã cấm thì cấm cho trót. Tôi đề nghị thêm chữ “trong giờ làm việc” vào quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu bia... nói trên. Đáng ra, cấm trong giờ làm việc là đương nhiên, nhưng mấy ông nhậu hay “lách luật”, cấm uống giờ nghỉ trưa họ lại nhè giờ làm việc mà tới quán nhậu thì cũng bằng không. Ngoài ra cũng xin cấm luôn “ăn sáng trong giờ hành chính”, ai đời đi ăn sáng xong lại kèm “càphê, cà pháo” toàn đến 9h30 - 10h mới mò về cơ quan thì hết buổi rồi còn làm được gì. Không nói đến chuyện tai nạn giao thông, chỉ nói hiệu quả công việc thôi cũng thấy đáng cấm rồi”.

“Ở Việt Nam mình, đặc biệt là Hà Nội, không nhậu không thể làm việc được với đối tác - một người làm kinh doanh khẳng định - Nhậu làm tôi mất rất nhiều thời gian và mệt mỏi, lại ẩn chứa các mối nguy hại tiềm tàng, song vì công việc, vì vị nể, nên không thể từ chối. Nay Chính phủ có quy định cấm như vậy, tôi rất mừng vì sẽ có lý do chính đáng để từ chối mà vẫn không mất lòng sếp, bạn bè hay đối tác của mình”.

Người Hà Nội nói chuyện gì ở bàn nhậu?

Bạn tôi - dân Hà Nội chính gốc - nói đầy tự hào: Nhậu trưa là đặc thù, là một nét “văn hoá” của người Hà Nội. Cũng như “dân miền Tây” mở mắt đã thấy có người “gật gù” vì rượu, còn “dân Sài Gòn” thì nhậu về tối, có thể kéo dài đến canh hai, canh ba. Nhưng ở đây, tôi chỉ nói đến chuyện “mồi nhậu”.

Khác với người Huế, “mồi nhậu” thường là chuyện gái gú và nói trạng; hay như ở miền Nam là những chuyện vui trên trời dưới biển; “mồi nhậu” của người Hà Nội thường tập trung một số chủ đề chính, mà ưu tiên hàng đầu là chuyện cơ quan và nói xấu lãnh đạo. Lần đầu tiên nhậu trưa với người Hà Nội, tôi đã không giấu được cảm giác sốc khi suốt hơn hai giờ đồng hồ, mười mấy con người trong bàn cứ tranh nhau... kể chuyện cơ quan, kể tội các sếp của mình với những câu chuyện, tình tiết, ngôn từ mà có nằm mơ tôi cũng không hình dung ra được.

Tuy nhiên, một, hai, ba lần nghe còn thấy tò mò và thú vị, nhưng đến lần thứ tư thì tôi cảm thấy mệt. “Đề nghị thôi không nói chuyện cơ quan, nói xấu lãnh đạo nữa, từ nay ai còn nói sẽ bị phạt 100 ngàn” - tôi nhân danh khách ở “quê” ra để lên tiếng. Lập tức đối tượng vừa bị nhắc nhở đứng lên rút ví bỏ ra trước mặt tôi 10 tờ 100 ngàn: “Tôi xin chịu phạt 10 lần để được nói cho đã mồm”. Tôi dang tay chào thua.

“Máu” vậy nên mới có chuyện trớ trêu, bạn tôi - nhân viên một cơ quan báo chí đóng ở Hà Nội - hăng say nói xấu sếp mình với những ngôn từ không thể nào chấp nhận được, lại không để ý đến sự có mặt của... con trai sếp đang ngồi nhậu ở bàn bên cạnh. Chiều sếp gọi lên hỏi chuyện. Ban đầu bạn chối đây đẩy “em thề, rằng em, rằng em...”. Nhưng đến khi sếp trưng ra chứng cứ là một clip quay nguyên cả buổi nhậu trưa, bạn tôi chỉ còn biết đứng trân ra và sau đó là... một lá đơn xin thôi việc.

Hôm nào chán chuyện cơ quan và nói xấu sếp, “mồi mới” của người Hà Nội là những câu chuyện chính trị. “Biết gì chưa?” - người ngồi đối diện tôi mặt bỗng trở nên nghiêm trọng. Thế là một loạt “thông tin mới” về bộ trưởng A, thứ trưởng C... cùng hàng loạt câu chuyện ly kỳ liên quan được tuôn ra, nghe cứ như thể là lời của người nhà các vị ấy, hoặc chí ít cũng là lãnh đạo có cỡ của... một cơ quan tổ chức cỡ bự. Cứ vậy tôi há hốc mồm “nuốt” từ chuyện này sang chuyện khác. Thấy vậy, bạn tôi ngồi bên khều vai thì thầm: “Nhậu đi, đừng có nghe mồm thằng đó. Chú không tin lát về ngồi với bà bán nước chè trước cơ quan mình mà kiểm chứng”.

Vì sao trong cuộc nhậu trưa, người Hà Nội không nói chuyện cười, chuyện gái gú, thậm chí là tranh thủ nói xấu vợ mình, mà toàn nói chuyện cơ quan, nói xấu lãnh đạo, chuyện chính trị, chuyện quốc tế xa xôi như vậy?

Tôi hỏi khắp những người mình quen biết. Ai cũng nói là “người Hà Nội thích...”, nhưng vì sao người Hà Nội lại có sở thích đó thì chịu không lý giải được. Tuy nhiên về khía cạnh nói xấu lãnh đạo, tôi nhận được một câu trả lời rất thú vị: Cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, đâu có mấy ai hài lòng với chuyện cơ quan, hài lòng với cách điều hành, ứng xử của sếp mình? Tuy nhiên do người miền Bắc có lẽ vì tính “nể nang” nên ngại nhau, trong cuộc họp luôn phải nhìn nhau để phát biểu, cái cần nói thì không nói ra được nên sinh ra ấm ức. Mà ấm ức không thể để được trong lòng thì phải ra quán nhậu mà xả cho đỡ ức chế, vậy thôi.

Vĩ thanh…

Trở lại với cái nháy mắt của bạn rằng “còn lâu mới cấm được” khi đón tôi ở ga Hà Nội lúc 5h sáng. Đã hơn một tháng kể từ ngày Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất cấm “cán bộ không được uống rượu bia buổi sáng, buổi trưa”, theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình nhậu sáng, nhậu trưa ở Hà Nội vẫn không có gì thay đổi so với trước đó. Sau cái nháy mắt, bạn tôi nghi ngờ về tính khả thi của lệnh cấm: Cấm nhậu nhưng dân, cán bộ, công chức vẫn cứ nhậu thì sao, ai giám sát, ai xử lý, xử lý như thế nào, đến nay vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

“Lệnh cấm này, tính khả thi và đi vào đời sống của nó, rồi cũng sẽ như chuyện cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng trong thời gian qua mà thôi. Công chức Hà Nội vẫn đã và đang nhậu như bao nhiêu năm nay vẫn nhậu. Số tai nạn giao thông ở đất nước mình vẫn cứ năm sau tăng hơn năm trước” - bạn thở dài.

Theo Hoàng Văn Minh / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.