Đem mưa đến Trường Sa

06/06/2012 03:00 GMT+7

Sau hàng chục giờ lênh đênh trên biển, vào ngày 1.6 chúng tôi đặt chân lên những điểm đảo thân yêu của Tổ quốc.

Đảo Đá Lát là điểm đến đầu tiên của đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” (do T.Ư Đoàn phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức). Buổi tối hôm trước, từ nơi neo tàu HQ 571, chúng tôi nhìn thấy quầng sáng của đảo và ngọn hải đăng thấp thoáng phía trước, lòng dậy lên cảm giác nôn nao khó tả. Nhưng phải đợi đến sáng hôm sau, lúc thủy triều lên, những chiếc xuồng mới rẽ sóng đưa các thành viên trong đoàn đến đảo chìm với rất nhiều san hô và đá mồ côi này.

 Đem mưa đến Trường Sa
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư T.Ư Đoàn (Trưởng đoàn hành trình - trái), thăm và tặng quà cho các chiến sĩ Trường Sa - Ảnh: Như Lịch

Gần đến giờ hạ xuồng ra đảo, trời bỗng đổ mưa lớn. Biển mịt mù trắng xóa. Những cơn dông kéo rền như càng làm tăng sự sốt ruột, mong chờ. Dẫu vậy, từ 6 giờ sáng 1.6, các thành viên trong đoàn sẵn sàng đội mưa gió ra thăm đảo. Gặp những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo, ai cũng mừng rỡ như gặp lại người thân yêu xa cách lâu ngày.

 

Chép thơ gửi tặng thiếu nhi Trường Sa

Hơn hai tháng trước, biết mẹ tham gia chuyến “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, cháu Nguyễn Đức Nam Anh, 6 tuổi, học sinh lớp 1 Trường Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) đã cặm cụi chép gần 70 bài thơ yêu thích về thiếu nhi, quê hương, chủ quyền Tổ quốc vào cuốn sổ để tặng những trẻ em sinh sống trên đảo Trường Sa. Chiều 1.6, chị Nguyễn Thu Hằng, chuyên viên Vụ Khoa giáo Văn phòng Chính phủ, mẹ cháu Nam Anh, đã trao tận tay quyển sổ thơ này cho các thiếu nhi Trường Sa.

Thiếu tá Trương Văn Núi, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát, vui mừng cho hay đoàn hành trình từ đất liền ra thăm đã “mang” theo cơn mưa đầu tiên (tính từ tết đến giờ) và giúp đảo cải thiện đáng kể lượng nước ngọt vốn rất khan hiếm. Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân (phó đoàn), bày tỏ niềm tin tưởng và đánh giá cao tinh thần kiên trung, giữ vững chủ quyền biển đảo của cán bộ, chiến sĩ. Đoàn hành trình đã gửi tặng những món quà từ đất liền cùng những lời ca tiếng hát quyến luyến không dứt.

Rời Đá Lát, đoàn tiếp tục đến thăm những đảo khác như Trường Sa, Trường Sa Đông, Đá Tây, Đá Đông, Phan Vinh, Tốc Tan… và nhà giàn DK1. Đi đến đâu, đoàn cũng thăm hỏi, tặng quà và giao lưu văn nghệ hết mình cùng các chiến sĩ. Bên cạnh những giọng ca chuyên nghiệp như Duy Khoa, Lê Cát Trọng Lý, nhóm Singin, Hồng Hạnh (tỉnh Phú Thọ) thì những giọng ca “cây nhà lá vườn” như Phương Dung (Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam), Diễm Phúc (Tập đoàn Dầu khí), Hải Minh (Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội)… cũng cháy hết mình trong những buổi giao lưu. Xúc động và ấn tượng nhất có lẽ là đêm giao lưu văn nghệ (1.6) với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ, sinh sống trên đảo Trường Sa. Dù hát bài gì đi nữa, cuối cùng mọi người cũng lại đồng thanh hát vang những ca khúc về người lính, về Trường Sa, Hoàng Sa và chủ quyền biển đảo, biên cương của đất nước. Những lời ca hừng hực lan theo những đợt sóng biển Đông: “Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa - Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ - Ta vẫn vượt qua… Giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”; “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa - Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà - Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa - Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua”…

Sau những phút chia tay bịn rịn, gần 23 giờ đêm tàu HQ 571 mới rời bến. Các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa vẫn đứng ở cầu tàu vẫy tay tạm biệt và hát vang những khúc quân hành. Một chiến sĩ bỗng cất cao tiếng gọi tha thiết và ấm áp: “Đất liền ơi… ơi…”. Cả con tàu HQ 571 như cùng đáp lại: “Trường Sa ơi…” cùng những lời ca: “Không xa đâu ơi Trường Sa ơi - Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh”.

Như Lịch

>> Hành trình ''Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương'' sẽ được tổ chức hằng năm
>> Học sinh tiểu học hào hứng tìm hiểu về biển đảo
>> Dựa Trường Sa vượt bão giông
>> m vang Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.