Bỏ phiếu tín nhiệm như “thượng phương bảo kiếm”

05/06/2012 03:50 GMT+7

Đến phiên thảo luận tại nghị trường sáng qua, 4.6, về Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động của QH, các ĐBQH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung bỏ phiếu tín nhiệm.

>> Kiến nghị lập ủy ban điều tra các vấn đề nảy sinh khi chất vấn 

Bầu chức danh có số dư mới dễ dàng bỏ phiếu

“Đảng ta thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú ra ứng cử các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chức danh này đều được các tổ chức có thẩm quyền của Đảng theo dõi, quản lý chặt chẽ”, Phó chủ nhiệm Ủy ban (UB) Tư pháp của QH Lê Thị Nga phân tích việc chế định bỏ phiếu tín nhiệm (BPTN) với các chức danh QH bầu và phê chuẩn 10 năm không thể thực hiện.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu tại nghị trường sáng 4.6 
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu tại nghị trường sáng 4.6 - Ảnh: Ngọc Thắng

Để quy định BPTN khả thi trong thời gian tới, bà Nga kiến nghị QH xây dựng những căn cứ và tiêu chí rõ ràng dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chức danh theo quy định của pháp luật, trên việc xác định rõ ràng trách nhiệm theo pháp luật khi có sự kiện xảy ra. Bà cũng đề nghị nên có 2 hình thức BPTN: định kỳ và bất thường. Việc bỏ phiếu định kỳ chỉ nên bắt đầu tiến hành vào thời điểm từ cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ khi đã có một khoảng thời gian cần thiết để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu. Ngoài ra, theo bà Nga, để có căn cứ cho việc bỏ phiếu được chính xác trước khi QH bầu hoặc phê chuẩn, người được giới thiệu cần có chương trình hành động. Các đối tượng cần bỏ phiếu chỉ nên là các chức danh từ bộ trưởng và tương đương trở lên.

 

Bỏ phiếu tín nhiệm như "thượng phương bảo kiếm" của QH, chúng ta chỉ rút khi nào cần thiết

ĐB Phùng Văn Hùng

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam đề nghị: Quyết định những vấn đề về nhân sự phải đảm bảo tuyệt đối vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng cũng phải phát huy vai trò, vị trí của QH để thực sự là “ý Đảng, lòng dân”. "Bầu Thủ tướng chỉ có 1 người thì không có điều kiện để các ứng viên trình bày chương trình hành động, trình bày những ý tưởng, trình bày những kế hoạch của mình làm căn cứ để QH BPTN”, ông ví dụ.

Tuy nhiên, Ủy viên thường trực UB Kinh tế của QH Phùng Văn Hùng lại có quan điểm khác khi cho rằng, không nên BPTN thường xuyên mà chỉ bỏ phiếu khi cần thiết. “BPTN như "thượng phương bảo kiếm" của QH, chúng ta chỉ rút khi nào cần thiết”, ông Hùng kiến nghị.

QH chưa bao giờ dùng “thẻ vàng”

Bàn đến quyền quyết định của QH đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng: “QH quyết định những vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng nhất là thực sự có quyết định ngân sách hay không. Nếu không thì chúng ta không quyết được cái gì quan trọng hết”.

Do vậy, ông Lịch đề nghị quy trình làm ngân sách phải sửa lại theo hướng kỳ họp lần này QH thảo luận, quyết định ngay trong kỳ họp cho kế hoạch ngân sách năm 2013. Khi QH thảo luận quyết rồi thì giao cho Chính phủ chuẩn bị theo hướng đó về phân bổ ngân sách để kỳ họp sau thông qua. Còn nếu giữ cách làm như hiện nay chỉ là “hợp thức hóa (việc chi tiêu ngân sách - PV) mà không thể thay đổi được”.

“Tôi đã có hơn 10 lần tham gia xem xét quyết toán ngân sách năm nhưng chưa thấy lần nào QH phát hiện xuất toán hoặc treo lại để yêu cầu giải trình. Thực tế đã có những hành vi hành chính trái nguyên tắc nhưng QH không thổi còi, không phạt thẻ vàng, thẻ đỏ. Có nghĩa là QH quá dễ dãi”, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB T.Ư MTTQ VN Vũ Trọng Kim cũng nhận xét.  

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.