Khát vọng sống và yêu - Kỳ 3: Sống chết trên đường 9

05/06/2012 04:00 GMT+7

Phần cuối của nhật ký Bùi Kim Đỉnh viết về mặt trận đường 9 Khe Sanh, Nam Lào, với những mô tả chân thực về chiến trận, cũng như bày tỏ niềm khắc khoải và ước mơ của một người lính trẻ hướng đến một ngày về quê cũ...

Như bao người lính khác, anh đã nhiều lần đối diện với cái chết trên chiến trường: “Hôm qua đáng lẽ mình chết vì bom tọa độ. Hai máy bay F4H cắt tám quả bom liền, bom nổ cách chừng 30 m. Đất đá bắn rào rào cả vào mũ sắt. Mảnh bom bay vù vù. Thế là thoát một trận bom. Mẹ ơi! Con lại thoát chết một lần nữa. Thưa mẹ! Con đã bao lần chết hụt rồi. Bây giờ thì mẹ chắc chắn là con sẽ an toàn” (10.7.1968).

Sau trận Khe Sanh, đơn vị anh được điều sang địa bàn khác giữa mùa mưa: “Cảnh vật xào xạc làm sao. Thỉnh thoảng, một cơn gió thổi làm cho lá cây lả tả rụng. Đời lính buồn man mác trong những lúc này. Hồi này, thân hình ta cũng gầy còm, ốm yếu. Hồi xưa, khi sờ vào người, ta còn cảm thấy cơ thể chắc chắn. Các bắp cơ cuồn cuộn nổi lên. Bây giờ thì có thể đếm được từng cái xương sườn. Ôi!” (11.7.1968). Anh kể, nhiều bữa hành quân suốt đêm không nghỉ, tảng sáng mới đến nơi tập kết, nhằm phải chỗ đất đá lởm chởm và ghồ ghề cũng phải ráng sức đào công sự để nằm. Đào đến thắt lưng rồi, gặp những hòn đá tảng to bằng cái thúng đành phải bỏ dở vì đá quá cứng: “Thế là đêm nay bọn mình chưa thể ngủ dưới hầm được” mà phải trải chiếu nằm trên mặt đất chứ không được nằm võng, bỗng trời đổ mưa, mọi người đều bật dậy “bị ướt hết rồi, đành bó gối ngồi ở dưới gốc cây si cổ thụ giữa khu rừng láng nước. Ôi đời lính...” (17.1.1968).

Bùi Kim Đỉnh - Ảnh: tư liệu
Bùi Kim Đỉnh - Ảnh: tư liệu 

Ba năm sau, ở mặt trận đường số 9 “đêm nằm nghe đạn réo vù vù, tiếp theo là tiếng nổ chói chát”. Ban ngày, trên trời máy bay quần lượn dội bom, dưới đất mặt trời nắng cháy và gió Lào như thiêu đốt: “Lại một lần chết hụt. Nghe tiếng vèo vèo của đại bác. Không ai bảo ai, mọi người đều nằm cả xuống. Uỵch một cái, một quả pháo DKZ90 chui thụt xuống đất, chỉ cách mình trên dưới 10 m... Rất may là nó không nổ. Giá mà nó nổ thì cũng đi tong rồi” (10.3.1971).

Những ngày trên đất A Rinh, Quảng Trị hiếm có những giờ phút yên tĩnh, nhất là khi tiến chiếm căn cứ Tà Púc và động A2: “Chiến tranh ở đây phải nói là tính từng giờ từng phút. Tiểu đoàn mình bị thương và tử trận nhiều. Số cán bộ gần như thương vong gần hết. Bốn cán bộ tiểu đoàn đều bị thương cả...” (12.3.1971).

Anh nghe nói tiểu đoàn trưởng đã hy sinh, cán bộ đại đội và trung đội chỉ còn thưa thớt. Anh phải vượt qua bom đạn ra đến bờ sông Sa Mu ở chân cao điểm 784 để đón một số tân binh về bổ sung cho con số hao hụt vì thương vong của đơn vị. Đoạn đường tuy không dài nhưng phải giáp mặt với tử thần nhiều lần: “Chỉ riêng ngày hôm nay đã suýt chết mấy lần rồi. Lạc vào giữa làng Sen, phải định hướng mãi mới ra được. Ở đây, cuộc sống phải tranh chấp từng giây từng phút chứ không nói đến từng giờ” (12.3.1971).

Nếu có phút yên tĩnh nào do ngớt chút đạn pháo thì thay vào đó, chốc chốc tiếng động cơ của máy bay trinh sát OV10A vẫn văng vẳng trên không để dò tìm tung tích dưới đất. Khi đường 9 bị cắt đứt, đối phương không thể dùng xe để tiếp viện cho Lao Bảo theo đường bộ được, việc tiếp sức cho căn cứ Tà Púc đang hấp hối cũng rất mong manh, nên Mỹ và quân đội Sài Gòn tăng cường tối đa sức mạnh không quân: “Máy bay F4H và B52 ném bom liên tục quanh Tà Púc, làng Sen, đường 16C, khiến việc vận chuyển của ta gặp khó khăn, bộ đội ở đường 9 đói, có ngày chỉ ăn có hai lạng gạo mà vẫn đánh nhau” (16.3.1971).

Giữa chiến trận ác liệt như vậy, anh nằm mơ thấy mình đổi khác: “Hôm qua mơ một giấc mơ kỳ diệu. Mình không phải là bộ đội nữa. Đã là một cậu sinh viên đại học. Mình học đại học Công nghiệp nhẹ ở Việt Trì. Ngay tại quê hương mình. Gặp lại những người bạn xưa: Vóc, Thanh, Liên, Tráng, Hào, Thắng, Hường. Mình còn nhớ rõ từng đứa một. Một loạt B52 ném rất gần, hầm rung lên. Giật mình. Thế là bừng tỉnh. Tỉnh dậy mình vẫn nằm co ro trong hầm ở đất Quảng Trị. Chỉ biết tiếc!” (21.3.1971).

Khi chiến dịch đường 9, Khe Sanh, Nam Lào sắp kết thúc, niềm vui chiến thắng lan tỏa, nhưng nỗi buồn mất mát vẫn thắm đượm: “Gặp Đồng, chiến sĩ cũ của chúng mình, Đồng bị cụt tay trái và gãy chân trái. Gặp mình, Đồng òa lên khóc. Mình xúc động quá, tự nhiên nước mắt cũng trào ra” (29.3.1971). Thiên nhiên cũng vậy, cũng mang thương tích hệt như người: “Đứng giữa bãi bom B52 còn sót lại một cây cổ thụ. Mảnh đạn bom đã làm cho vỏ cây bong lở. Ta tâm sự với cây khi xa Tà Púc: Cây rừng ơi! Thôi mi ở lại mà trang trải với gió bụi, ta ra miền ngoài đây, chúc mi khỏe mạnh” (12.4.1971)...

Cảm nghĩ của một đồng đội 

Tôi cầm trên tay tập di cảo dày dặn của anh mà lòng quặn đau. Từng bài thơ, từng trang ký của anh cho ta hình dung ra một con người nhân hậu, đôi khi lãng mạn một cách tự nhiên mà đáng yêu. (...) Cũng có nhiều người trong chiến tranh hay khi đã trở về thời bình ít đề cập đến phần cay đắng, đáng nguyền rủa của chiến tranh. Nhưng Bùi Kim Đỉnh thì nhìn thẳng vào sự thật. Các thế hệ ngày hôm nay và mai sau rất cần biết sự thật về sự vươn lên của ý chí con người; sự thật tố cáo chiến tranh. Sự thật đó góp phần không nhỏ cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, hạnh phúc của con người. (...) Khi đọc nhật ký và thơ của anh, tôi như được sống lại cái thời điểm Quảng Trị được gọi là “cối xay thịt người”, là “mùa hè đỏ lửa”. Những trang viết của anh đã nói hộ tôi bao điều muốn nói. Tôi thấy yêu thương anh vô cùng.

TP.HCM, tháng 3.2012

Đoàn Công Tính
(Cựu phóng viên chiến trường của báo Quân đội Nhân dân)

Giao Hưởng

>> Khát vọng sống và yêu - Kỳ 2: Thư nhà của lính
>> Khát vọng sống và yêu: Những giấc mơ hoa và chiến trường đỏ lửa
>> Những bức thư tình không gửi được

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.