Cú đánh từ biển

06/07/2011 14:13 GMT+7

(TNTS) Ngày 29.6.2011, ông Roman Trosenko, Giám đốc Tập đoàn đóng tàu thống nhất (USC) của Nga tuyên bố: Từ năm 2016, Nga bắt đầu đóng tàu sân bay mới cho hải quân nước này.

1. Theo kế hoạch, đến năm 2023 chiếc tàu sân bay thế hệ mới sẽ hoàn tất và chuyển giao cho lực lượng hải quân Nga. Thông tin về việc Nga đóng tàu sân bay mới không có nhiều. Bởi có những lúc các chức sắc cao cấp của Nga như Phó thủ tướng Sergei Ivanov, hay Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov đều khẳng định: Việc thiết kế và đóng tàu sân bay không được xem xét trong chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Dù vậy, gần đây ông Trosenko lại khẳng định: "Nga cần tàu sân bay". Trước đó, lần đầu tiên vào năm 2009, những thông tin đầu tiên về tàu sân bay đã được một số báo Nga đăng tải, theo đó USC đảm nhiệm việc này nhưng không cho biết dự án đang ở giai đoạn nào. Khi ấy, Phó đô đốc Anatoli Slemov nói các tàu sân bay mới sẽ là loại chạy bằng năng lượng hạt nhân, có lượng rẽ nước 60 nghìn tấn. Slemov cho rằng, hải quân Nga cần ít nhất 3 chiếc tàu như vậy, còn nếu có thể sẽ đóng mới thêm 3 chiếc nữa. Đến ngày 30.6.2011, ông Roman Trosenko xác nhận tàu sân bay mới của Nga đúng là loại chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng lượng rẽ nước là 80 nghìn tấn. Cần nhắc lại rằng, các tàu sân bay do Liên Xô trước đây đóng có lượng rẽ nước lớn nhất không quá 50 nghìn tấn.

Cú đánh từ biển 1 
Tàu sân bay "Abraham Lincoln" của Mỹ - Ảnh: dic.academic.ru


Hiện trên thế giới có 9 quốc gia đang sở hữu tàu sân bay là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Argentina, Brazil, Tây Ban Nha, Ý và Ấn Độ. Dự kiến năm 2012, Trung Quốc sẽ có tên trong danh sách này. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang xem xét kế hoạch đóng tàu sân bay.

Trước đó, tháng 12.2010, báo chí Nga thông tin thêm, đến năm 2020 sẽ bắt tay vào đóng 4 chiếc tàu sân bay và việc thiết kế đã bắt đầu được thực hiện. Dự kiến ngân sách quốc phòng giai đoạn 2011 - 2020 sẽ là nguồn tài chính cho dự án này. Tổng vốn đầu tư sẽ vào khoảng 20 nghìn tỉ rúp.

2. Hiện trên thế giới có 3 loại tàu sân bay như sau: CATOBAR (Catapult Assisted Take Off But Arrested Recovery), STOBAR (Short Take-Off But Arrested Recovery) và STOVL (Short Take-Off and Vertical Landing). Loại thứ nhất - CATOBAR, là dạng tàu sân bay "Abraham Lincoln" của Mỹ. Với tàu loại này, máy bay cất cánh bằng bệ phóng và hạ cánh bằng dù hãm. Loại thứ hai - STOBAR, vừa dùng bàn đạp, vừa chạy đà và máy bay tự cất cánh bằng động cơ của mình và hạ cánh cũng bằng dù hãm. Loại này giống chiếc tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" của Nga. Loại thứ ba  - STOVL, dùng cho tiêm kích tự cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Đó là dạng như chiếc "Principe de Asturias" của Tây Ban Nha.

 Cú đánh từ biển 2
Một chiếc Su-33 cất cánh từ tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" - Ảnh: testpilot.ru


 
Hiện chưa rõ loại tàu sân bay mới của Nga sẽ được thiết kế theo loại nào. Nhưng với lượng rẽ nước lớn, nhiều khả năng đó sẽ là loại có bệ phóng máy bay và hạ cánh bằng dù hãm. Nếu đúng như thế thì đó có thể là dự án 1143.7 "Ulyanovsk" - dạng tàu CATOBAR, được Liên Xô bắt đầu thiết kế từ năm 1984 và dừng lại vào năm 1991 do khó khăn về tài chính.

Thiết kế tàu sân bay của dự án 1143.7 "Ulyanovsk" có lượng rẽ nước là 74 nghìn tấn, chạy bằng 4 động cơ nguyên tử. Tàu có chiều dài 323,7m, rộng 78m và đủ chỗ đậu cho 70 máy bay các loại bao gồm Mig-29K, Su-33, trực thăng Ka-27, Ka-31, máy bay chỉ huy Yak-44. Trên tàu dự kiến sẽ có hai bệ phóng máy bay, bàn đạp… Tựu trung, nếu Nga thiết kế tàu sân bay loại CATOBAR, cần phải thiết kế mới các máy bay đáp ứng với chuẩn này. Trước đó, một số chuyên gia quân sự Nga cho rằng, chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 T-50 (PAK - FA) mà hiện hãng Shukhoi đang thử nghiệm có thể sử dụng cho tàu sân bay mới. Tuy nhiên, PAK - FA có thể tự cất và hạ cánh trên đường băng dài 400m, nếu loại máy bay này được sử dụng cho tàu sân bay thì cần phải chỉnh sửa một số điểm về kỹ thuật.   

Ngoài "Ulyanovsk", Liên Xô trước đây còn thiết kế chiếc tàu sân bay loại lớn thuộc dự án 1153 "Oryol". Đây là loại tàu có sức rẽ nước 65 nghìn tấn, có thể chứa được 50 máy bay các loại. Dự án 1153 "Oryol" bị ngưng lại năm 1976, nhưng nó cũng kịp sản xuất được chiếc tàu sân bay "Đô đốc Gorskov. Sau đó vào năm 2000, Ấn Độ mua lại tàu này rồi đổi tên là "Vikramaditya".

 Cú đánh từ biển 3
Tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" - Ảnh: chinascout.ru


 
3. Việc Nga đóng mới tàu sân bay sẽ là một vấn đề lớn về tài chính. Chẳng hạn, để đóng chiếc tàu sân bay "Nimitz", Mỹ phải chi gần 5 tỉ USD. Còn để nâng cấp chiếc "Vikramaditya" và 16 chiếc Mig-29, Ấn Độ phải chi  gần 2 tỉ USD. Với tàu sân bay có lượng rẽ nước 80 nghìn tấn thì phải có ít nhất 60 máy bay các loại và tiền bạc sẽ tiêu tốn nhiều hơn.

Bên cạnh tàu sân bay, còn phải có các tàu hộ tống khác. Nhiệm vụ của các tàu này là phải đảm bảo an toàn cho tàu sân bay chống lại các loại vũ khí trên không và trên biển. Ngoài ra, còn phải có hệ thống nhà máy, cầu cảng đáp ứng nhu cầu thường xuyên cũng như việc sửa chữa kỹ thuật cho tàu sân bay. Do vậy, chỉ cần đóng mới một tàu sân bay cũng sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ.

 Cú đánh từ biển 4
Tàu sân bay "Principe de Asturias" của Tây Ban Nha - Ảnh: chinascout.ru


Trong khi Mỹ có tới 11 tàu sân bay, thì hiện hải quân Nga chỉ có một tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" thuộc Hạm đội phương Bắc. Nó được biên chế cho hải quân Nga vào ngày 20.1.1991. Thời hạn phục vụ của "Đô đốc Kuznetsov" khoảng 50 năm và nó đã hoàn thành gần nửa chặng đường của mình. Việc nhiều hay ít tàu sân bay đối với Nga thực ra không quan trọng. Bởi cường quốc này thực hiện chiến lược phòng thủ chiều sâu và hầu như không tham gia các chiến dịch quân sự ở nước ngoài.

Song không ít các nhà quân sự Nga lại ủng hộ phương án đóng mới và có nhiều tàu sân bay. Bởi điều đó chứng tỏ vị thế của cường quốc quân sự và tăng cường khả năng phòng thủ miền duyên hải cũng như tấn công từ trên biển. Do vậy, thông tin mới về đóng tàu sân bay khiến giới quân sự Nga khá hứng khởi. Việc đóng mới sẽ kéo dài từ 10 đến 20 năm. Đó cũng là thời hạn mà  "Đô đốc Kuznetsov" sẽ "về hưu". Và dù muốn hay không thì Nga cũng cần phải có tàu sân bay mới để thay thế, chứ chưa nói đến tầm quan trọng của chiến lược của nó.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.