Cần giữ Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ

30/05/2012 09:01 GMT+7

Một thư viện đã tồn tại hơn trăm năm và có rất nhiều đóng góp cho học thuật nước nhà sắp phải di dời. Nhìn nhận thư viện này như một địa chỉ danh giá về văn hóa, khoa học ở Việt Nam cần được gìn giữ nguyên vẹn, PGS.TS sử học Tạ Ngọc Liễn vừa gửi đến Tuổi Trẻ một bài viết. Tuổi Trẻ trích đăng.

Một thư viện đã tồn tại hơn trăm năm và có rất nhiều đóng góp cho học thuật nước nhà sắp phải di dời. Nhìn nhận thư viện này như một địa chỉ danh giá về văn hóa, khoa học ở Việt Nam cần được gìn giữ nguyên vẹn, PGS.TS sử học Tạ Ngọc Liễn vừa gửi đến Tuổi Trẻ một bài viết. Tuổi Trẻ trích đăng.

 Cần giữ Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ
Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ (nay là Thư viện Khoa học xã hội) được xem là một trung tâm Đông phương học nổi tiếng thế giới của Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh

1 Gần đây tôi có đến Thư viện Khoa học xã hội ở 26 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) để mượn đọc vài quyển sử cổ Trung Quốc viết vào thế kỷ 15 thì được nhân viên thủ thư nói hiện giờ tất cả sách vở, tài liệu... ở đây đang được đóng gói để chuyển lên thư viện mới xây tại Liễu Giai (Q.Ba Đình), nên không phục vụ độc giả nữa.

Tôi ngạc nhiên hỏi ngôi nhà 26 Lý Thường Kiệt sẽ dùng để làm gì sau khi chuyển hết kho sách đi? Vị thủ thư giọng buồn buồn bảo tôi: Nghe nói trước mắt có vài ba cơ quan khác trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam sẽ dọn đến đây làm việc.

Tôi ra về không nói gì và hiểu rằng Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ - linh hồn của Học viện Viễn Đông bác cổ đã có hơn 100 năm tuổi, qua mấy lần đổi tên, cuối cùng gọi là Thư viện Khoa học xã hội - đến nay lại gần như bị xóa bỏ.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, đồng thời có trao đổi ý kiến với một số nhà nghiên cứu khoa học về chuyện này, tôi quyết định lên tiếng qua báo chí, đề nghị giữ lại nguyên vẹn tòa nhà 26 Lý Thường Kiệt cùng toàn bộ kho sách vở, tài liệu vô cùng phong phú, quý giá, đã được sưu tập từ năm 1902-1954, và nơi đây vẫn mang tên Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ. Còn các nguồn sách vở, tài liệu mới nhập bổ sung từ sau 1955-1956 tới nay thì chuyển lên thư viện mới xây, không đưa thêm cơ quan khác đến 26 Lý Thường Kiệt đặt trụ sở làm việc. Nghĩa là vẫn giữ lại nguyên vẹn Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ với tư cách là một trung tâm Đông phương học nổi tiếng thế giới của Việt Nam.

2 Sự ra đời của Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ gắn liền với lịch sử xây dựng, phát triển Học viện Viễn Đông bác cổ ở Việt Nam.

 

Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ ngày nay tuy mang tên Thư viện Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam quản lý, nhưng đó không phải là của cải riêng của Viện Khoa học xã hội, mà là gia tài khoa học vô giá của cả quốc gia

PGS.TS sử học Tạ Ngọc Liễn

Được thành lập từ năm 1898 như một cơ quan nghiên cứu về phương Đông với tên gọi Phái đoàn khảo cổ thường trực tại Đông Dương, đến năm 1900 đổi tên thành Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp, gọi tắt là EFEO (École Française d’Extrême - Orient) và năm 1901 được tổng thống Pháp Émile Loubet ký sắc lệnh chính thức công nhận thành lập học viện với chức năng chủ yếu: nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, địa vật lý và địa nhân văn ở bán đảo Đông Dương và các nước phương Đông.

Trong vòng nửa thế kỷ đầu, EFEO đã có nhiều đóng góp cho nghiên cứu khoa học, như xây dựng Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sau này), Bảo tàng Henri Parmentier (tức Bảo tàng điêu khắc Champa, Đà Nẵng)...

Hơn 1.000 công trình lịch sử và văn hóa được EFEO quản lý, bảo tồn rất tốt, trong đó có khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) và quần thể kiến trúc Angkor (Campuchia)...Nhiều công trình khảo cứu của EFEO về lịch sử, ngữ văn học, dân tộc học, tôn giáo và khảo cổ học đã được xuất bản ở Việt Nam.

Trong lịch sử phát triển của EFEO có một cái mốc đáng chú ý là sau Cách mạng Tháng Tám 1945, vào ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 65, quy định Đông phương bác cổ học viện, thay thế Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) có nhiệm vụ bảo tồn toàn bộ di tích cổ trên cả nước Việt Nam.

Giám đốc Đông phương bác cổ học viện là tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và có một hội đồng cố vấn gồm các học giả Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Nguyễn Thiệu Lâu...

Khi nói đến Học viện Viễn Đông bác cổ là phải nói đến thư viện của học viện này. Ngay khi Học viện Viễn Đông bác cổ được thành lập, đã xây dựng thư viện và coi đây là nhiệm vụ quan trọng.

Kho sách Thư viện EFEO có thể nói là khổng lồ về cả số lượng vô cùng phong phú cũng như giá trị khoa học hết sức đặc biệt quý giá của nó.

3 Có thể nói Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ là linh hồn của học viện này - một trung tâm Đông phương học lớn nhất Đông Nam Á trước đây. Thư viện EFEO không chỉ là cơ quan học thuật có nhiều học giả nổi tiếng người Pháp, người Việt công tác ở đây, mà còn là một địa chỉ danh giá về văn hóa, khoa học ở Việt Nam từng được các học giả quốc tế những năm trước đây đến thăm, làm việc...

Thật đáng tiếc nếu thư viện ấy không còn hiện diện ở nơi nó từng tồn tại, chứng kiến bao thăng trầm, biến động của lịch sử VN.

Tôi không hiểu giới khoa học Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học xã hội, có tán đồng việc di dời Thư viện EFEO - tức là Học viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội không? Xin các nhà khoa học hãy lên tiếng!

Trụ sở của Học viện Viễn Đông bác cổ (EFEO) đầu tiên đóng tại Sài Gòn, đến năm 1902 được chuyển ra Hà Nội. Năm 1905 văn phòng và Thư viện của EFEO chuyển tới 26 đại lộ Carreau, tức là 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội ngày nay. Nhà khảo cổ học, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á Louis Finot được cử làm giám đốc đầu tiên của EFEO.

Có nhiều học giả người Pháp và người Việt Nam, kế tiếp nhau chung sức xây dựng, phát triển EFEO, trong số đó phải kể đến nhà khảo cổ học, dân tộc học, tôn giáo Gustave Dumoutier, nhà tiền sử học Madeleine Colani, nhà ngữ văn học, dân tộc học Léopolé Cadière, nhà nghệ thuật học và kiến trúc Henri Parmentier, nhà sử học Charles Maybon, nhà sử học và Hán học Henri Maspéro, nhà bi ký học và ngữ văn học Léonard Aurousseau (giám đốc EFEO từ 1926-1929), sử gia chuyên về tiếng Phạn và tiếng Khmer George Coèdes (giám đốc EFEO từ 1929-1947), nhà ngữ văn học và bi ký học Maurice Durand, nhà nghiên cứu văn hóa và dân tộc học Nguyễn Văn Huyên (thành viên khoa học), học giả Nguyễn Văn Tố, nhà sử học, thư tịch học Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu...

Ghi chú: Bài viết này dựa theo tư liệu trong cuốn Học viện Viễn Đông Bác cổ (giai đoạn 1898-1957) của Ngô Thế Long - Trần Thái Bình (xuất bản năm 2009) và cuốn Thư viện Khoa học xã hội do GS.TS Hồ Sĩ Quý, PGS.TS Vương Toàn chủ biên (xuất bản năm 2011).

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.