“Tháo khóa, rộng cửa” để thực thi bỏ phiếu tín nhiệm

28/05/2012 03:04 GMT+7

Hôm nay 28.5, QH bắt đầu thảo luận về Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, và một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận là việc QH bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc vì sao quy định bỏ phiếu tín nhiệm đã được nêu trong bản Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), và sau đó được quy định khá chặt chẽ trong luật Tổ chức QH năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007), luật Hoạt động giám sát của QH, luật Kiểm toán Nhà nước… nhưng đến nay vẫn chưa một lần được thực thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, tiến sĩ Vũ Đức Khiển, khẳng định: bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa một lần được thực hiện trên thực tế “bởi những quy định ngặt nghèo nhưng lại thiếu những hướng dẫn chi tiết để có thể áp dụng”.

 

Trên thế giới, để đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm chức danh nào đó, người ta cũng bắt đầu từ tranh luận chế độ tín nhiệm tại QH rồi mới quyết định bỏ phiếu, sau khi thảo luận thấy tín nhiệm có vấn đề mới bỏ phiếu, còn thảo luận thấy sáng rõ rồi thì không thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, chứ nếu bỏ phiếu tràn lan như ta định làm, rất có thể có người “chết oan”

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng QH

Một cửa nhiều khóa

Phân tích ở góc độ pháp luật, ông Khiển chỉ ra sự bất cập trong các quy định hiện hành, trước tiên là điểm 7, Điều 84 của Hiến pháp 1992 quy định QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn mà “không quy định ngay trong Hiến pháp những nội dung quan trọng về tiêu chí để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, trình tự, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đối với người không được đa số ĐBQH tín nhiệm và giới hạn những người có thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm chứ không phải tất cả những người được QH bầu và phê chuẩn”.

Mặt khác, Điều 12 và Điều 50 của luật Tổ chức QH năm 2002, Điều 44 luật Hoạt động giám sát của QH; khoản 2 Điều 27 Quy chế hoạt động của Ủy ban TVQH quy định là ĐBQH có quyền kiến nghị Ủy ban TVQH xem xét, trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu và phê chuẩn. Nhưng, cũng tại một số điều luật đó còn có nội dung khác, theo ông Khiển “rất đáng chú ý”, là phải có ít nhất 20% tổng số ĐBQH có kiến nghị bằng văn bản thì Ủy ban TVQH mới xem xét. “Không thể một lúc có 100 ĐB kiến nghị bằng văn bản được, vì nếu các vị ĐBQH là đảng viên mà vận động, hô hào để có văn bản kiến nghị số đông như vậy là làm trái Điều lệ Đảng. Còn nếu vị nào không phải là đảng viên thì biết ngay rằng sẽ không bao giờ thu thập được văn bản kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của gần 100 vị cùng kiến nghị với mình”, ông Khiển phân tích.

Một “lần khóa” nữa liên quan đến bỏ phiếu tín nhiệm là Điều 33 Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc (HĐDT) và các ủy ban của QH. Mặc dù quy định các ủy ban của QH có quyền kiến nghị Ủy ban TVQH xem xét trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do QH bầu và phê chuẩn nhưng lại “đèo” thêm điều kiện phải có ít nhất 20% tổng số thành viên HĐDT, ủy ban đó có kiến nghị bằng văn bản, sau đó tập thể HĐDT, ủy ban đưa ra bỏ phiếu, nếu 2/3 tổng số tán thành thì mới trình Ủy ban TVQH xem xét, quyết định việc có trình ra QH hay không. “Như vậy, để ra được QH còn phải qua “cửa” của Ủy ban TVQH nữa”, ông Khiển nói.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 88 của luật Tổ chức QH năm 2002 thì sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, nếu không được quá nửa số ĐBQH tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã trình QH bầu hoặc phê chuẩn chức danh đó có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được QH tín nhiệm. Theo quy định này thì QH không có quyền trực tiếp quyết định hình thức xử lý đối với người không được đa số ĐBQH tín nhiệm. Ông Khiển dẫn chứng: “Đấy là lý do tại nhiệm kỳ QH khóa 11, khi một vị bộ trưởng để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực, ngành do mình phụ trách, lãnh đạo, QH muốn cách chức nhưng Thủ tướng chỉ đề nghị miễn nhiệm, với 2 phương án lựa chọn: đồng ý miễn nhiệm, không đồng ý, cho nên buộc lòng các ĐBQH phải lựa chọn phương án đồng ý, vì nếu không đồng ý thì bộ trưởng vẫn được tại vị”.

Vì vậy, theo ông Vũ Đức Khiển, nếu không phá bỏ “mấy lần khóa” của các quy định nêu trên, “mở rộng cửa” thì việc thực thi quyền bỏ phiếu tín nhiệm của QH không thể thực thi trên thực tế.

“Tháo khóa, rộng cửa” để thực thi bỏ phiếu tín nhiệm
Quy định bỏ phiếu tín nhiệm đã có từ lâu nhưng đến nay ĐBQH vẫn chưa thực hiện được - Ảnh: Ngọc Thắng

Chỉ nên bỏ phiếu bất tín nhiệm

Theo ông Khiển, thực chất của bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu một bộ trưởng chẳng hạn có vi phạm, để xảy ra sai phạm, QH sẽ đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu không còn tín nhiệm quá bán sẽ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm. Nhưng nếu quy định như luật hiện hành thì bất cứ chức danh nào do QH bầu và phê chuẩn cũng có thể được đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm, điều đó là bất khả thi. “Tôi đã thống kê, QH khóa 12 có 393 người do QH bầu và phê chuẩn, khóa 13 là 420 người. Trên thế giới này, không ai, không QH nào đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm một lúc 420 người như ta đang định làm cả”.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, cũng nhìn nhận: Việc đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tràn lan các chức danh QH bầu và phê chuẩn hằng năm sẽ dẫn tới những rủi ro cho bộ máy nhà nước, lúc đó các thành viên chính phủ chỉ còn mỗi động lực là làm vừa lòng các ông nghị, đoán xem QH muốn gì, có qua được QH hay không. “Cái đó không xấu nếu QH thực sự chịu trách nhiệm trước cử tri nhưng như hiện nay, Chính phủ chịu trách nhiệm trước QH đã rất rõ nhưng chế định trách nhiệm để QH chịu trách nhiệm trước cử tri lại chưa rõ ràng. Không có bất cứ nước nào trên thế giới làm như vậy vì như thế có thể hiểu là Chính phủ được “bầu lại” từng năm một”, ông Dũng nói.

Hơn nữa, theo ông Dũng, nếu dự kiến bỏ phiếu 2 lần liên tiếp không đạt số tín nhiệm quá bán mới đưa ra xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm lại càng không khả thi “vì một bộ trưởng không đạt quá bán tín nhiệm thì còn uy tín gì nữa mà làm. Nếu là một người có liêm chính, bất cứ lúc nào không quá bán đã phải từ chức chứ”. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cũng cho rằng, “nếu một người đã đưa ra QH xem xét bỏ phiếu tín nhiệm, 1 lần không đạt thì phải thay luôn. Theo luật định thì QH không thể biểu quyết một việc 2 lần”.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm muốn thực hiện được trước hết phải có chất vấn, giải trình, bất kỳ khi nào ĐBQH đề nghị thảo luận về chế độ tín nhiệm thì QH phải thảo luận, lấy ý kiến các ĐBQH về việc có đưa vấn đề ra không.

“Trên thế giới, để đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm chức danh nào đó, người ta cũng bắt đầu từ tranh luận chế độ tín nhiệm tại QH rồi mới quyết định bỏ phiếu, sau khi thảo luận thấy tín nhiệm có vấn đề mới bỏ phiếu, còn thảo luận thấy sáng rõ rồi thì không thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, chứ nếu bỏ phiếu tràn lan như ta định làm, rất có thể có người “chết oan”, ông Dũng phân tích.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.