Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước - Kỳ 3: Cả thành phố xuống đường

28/05/2012 03:25 GMT+7

Cuối năm 1949, một số học sinh Trường Pétrus Ký bị bắt. Một cuộc đấu tranh của học sinh trong trường bùng nổ, đòi phải thả những người đã bị bắt ra. Địch ngoan cố mở rộng bắt bớ khủng bố, càng thúc đẩy toàn thể học sinh thành phố đứng dậy đấu tranh.

Cuối năm 1949, một số học sinh Trường Pétrus Ký bị bắt. Một cuộc đấu tranh của học sinh trong trường bùng nổ, đòi phải thả những người đã bị bắt ra. Địch ngoan cố mở rộng bắt bớ khủng bố, càng thúc đẩy toàn thể học sinh thành phố đứng dậy đấu tranh.

>> Kỳ 2: Theo tiếng gọi non sông
>> Kỳ 1: Thời niên thiếu ở Phnom Penh
>> Chị Hai Bình - gia đình, bạn bè và đất nước

Ngày 9.1.1950, hàng ngàn học sinh kéo đến trước Dinh Thủ hiến Trần Văn Hữu tại vườn hoa đường Lagrandière, giương cao các băng khẩu hiệu “Phải thả ngay các học sinh Pétrus Ký bị bắt!”. Lực lượng kéo đến hỗ trợ ngày càng đông. Học sinh cử đoàn đại biểu đòi gặp Thủ hiến Trần Văn Hữu. Ông ta cho đóng chặt cổng, không tiếp. Đến trưa, địch đưa mấy chục xe và hàng trăm lính đến đàn áp. Học sinh chống cự nhưng không nổi. Anh Trần Văn Ơn, một học sinh lãnh đạo phong trào, đứng lại chặn đường cho các bạn chạy. Anh bị cảnh sát đánh matraque (dùi cui) liên tục, và khi anh leo qua rào thì trúng đạn của bọn chúng, ngã gục. Tin cuộc biểu tình và tin anh Trần Văn Ơn hy sinh nhanh chóng loan khắp thành phố như lửa cháy, gây phẫn nộ bừng bừng, là giọt nước tràn ly.

 Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước - Kỳ 3: Cả thành phố xuống đường
Đám tang anh Trần Văn Ơn biến thành cuộc biểu dương lực lượng lớn của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Ảnh: Tư liệu

Ngày 12.1, đám tang anh Trần Văn Ơn nhanh chóng biến thành cuộc biểu dương lực lượng lớn của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, cả bà con từ Mỹ Tho, Bạc Liêu, Cần Thơ cũng kéo lên tham gia. Phái đoàn các giới do luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu gửi nhiều kiến nghị lên chính quyền Trần Văn Hữu đòi chấm dứt khủng bố, thả hết học sinh và những người liên quan bị bắt. Các đoàn thể công khai và bí mật liên tiếp họp bàn đối phó với địch.

 

Đi đến đâu nhân dân hai bên đường lại đổ ra gia nhập thêm, chẳng mấy chốc đã biến thành một đoàn biểu tình khổng lồ, giương cao những lá cờ đỏ sao vàng cuồn cuộn tràn tới như nước lũ. Lá cờ xuất hiện hiên ngang giữa Sài Gòn bị chiếm gây xúc động sâu sắc, nhiều người không cầm được nước mắt

Đây cũng là lúc trên chiến trường cả nước đang có những chuyển biến quan trọng. Chiến dịch Đông Xuân 1950 đã giải phóng ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn trên biên giới phía bắc. Tình hình chung càng cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Chúng tôi được tin ngày 19.3.1950 hai chiếc tàu của Mỹ là soái hạm Stickwell và khu trục hạm Anderson sẽ cập bến Sài Gòn. Đây là bằng chứng công khai về sự can thiệp của Mỹ, hỗ trợ cho thực dân Pháp đang gặp khó khăn về mọi mặt. Thành ủy Sài Gòn thành lập ban chỉ đạo cuộc đấu tranh rộng lớn chống sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, đồng thời chống đàn áp và khủng bố ngày càng tăng của địch ở các đô thị. Tôi được cử làm đại diện phụ nữ trong ban chỉ đạo chung. Chúng tôi vận động chuẩn bị cuộc bãi công bãi thị và biểu tình lớn sẽ được tổ chức đúng ngày 19.3.

8 giờ sáng hôm ấy, nhân dân đã tập trung rất đông tại Trường Tôn Thọ Tường. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng một số đồng chí trong phái đoàn các giới vừa đến thì từ tầng cao của trường, các bộ phận được phân công tung truyền đơn xuống như mưa, hoan nghênh phái đoàn và đòi địch chấm dứt khủng bố. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chưa kịp phát biểu thì mấy xe cảnh sát ập tới. Mọi người vừa chống lại cảnh sát vừa kéo ra đường tuần hành, hướng về chợ Sài Gòn, đi đầu là luật sư Nguyễn Hữu Thọ và nhiều trí thức Sài Gòn nổi tiếng, có cả một người phụ nữ Pháp là vợ đồng chí Phạm Huy Thông. Các đồng chí lãnh đạo công đoàn giương cao những lá cờ đỏ đã chuẩn bị từ trước. Đi đến đâu nhân dân hai bên đường lại đổ ra gia nhập thêm, chẳng mấy chốc đã biến thành một đoàn biểu tình khổng lồ, giương cao những lá cờ đỏ sao vàng cuồn cuộn tràn tới như nước lũ. Lá cờ xuất hiện hiên ngang giữa Sài Gòn bị chiếm gây xúc động sâu sắc, nhiều người không cầm được nước mắt.

Theo kế hoạch của ban chỉ đạo, nhiều cánh biểu tình từ nhiều phía dồn về Nhà hát lớn, rồi đổ ra bến cảng, nơi hai chiếc tàu Mỹ sẽ đến đậu. Thực tế là hai chiếc tàu này đã đến từ trước nhưng không dám vào sâu, chỉ đỗ xa bến cảng. Cánh quân Tôn Thọ Tường là cánh chính, và tôi đi cùng cánh này. Chúng tôi được chỉ thị những người trong ban chỉ đạo chỉ theo dõi, không được lộ diện chỉ huy. Nhưng hăng say giữa khí thế hừng hực của nhân dân, cả tôi và Năm Sứ, Duy Liên đều khó mà giữ nghiêm được kỷ luật. Lúc này, trước Nhà hát lớn, phía đường Lê Lợi, trên lầu hai của trụ sở phái đoàn Mỹ có treo một lá cờ Mỹ to tướng. Tôi vừa đến nơi thì thấy mấy anh thanh niên công kênh nhau lên để giật cờ Mỹ xuống. Nhìn quanh, biết có nhiều tay mật thám, tôi liền hô to: “Hãy bảo vệ anh em ta!”. Lá cờ Mỹ vừa giật xuống đã bị xé tan tành. Anh thanh niên vừa nhảy xuống đất thì bị một tay mật thám chạy đến túm lấy. Không kịp suy nghĩ nhiều nhưng biết nếu chần chừ anh thanh niên sẽ bị chúng bắt, tôi liền nhảy vào bấu xé giằng tay tên mật thám và đẩy anh thanh niên ra một bên. Bị bất ngờ, tên mật thám lỏng tay, anh thanh niên liền vùng chạy, len vào giữa đám quần chúng cũng cùng lúc xông tới. Còn tôi, nhìn lại thấy mình đang ở thế nguy hiểm giữa bầy lang sói, cũng vội lẫn vào đám đông chạy về phía tòa thị chính. Ở đây người biểu tình tập trung đông nhất, và đã xảy ra xung đột với cảnh sát. Tôi không nhớ tay chỉ huy người Pháp có bị thương không, nhưng chiếc xe của y đã bị quần chúng lật ngửa và đốt cháy, khói bốc lên đen kịt. Chúng tôi tiến ra bờ sông, vừa hô to: “Đả đảo thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ!”...

Mục đích của cuộc biểu tình là thị uy và thể hiện tinh thần chống đế quốc Mỹ tiếp tay cho thực dân Pháp. Trước khí thế của quần chúng, hai chiếc tàu Mỹ phải vội nhổ neo dời ra xa. Có người ước lượng đã có đến nửa triệu người biểu tình trong khi dân số Sài Gòn lúc bấy giờ là khoảng một triệu. Tôi thì có cảm giác cả thành phố đã xuống đường. Bộ máy chính quyền của địch choáng váng, tê liệt trong nhiều giờ. Chúng tôi bảo nhau: “Giá chúng ta có vũ khí, có khi cướp được chính quyền cũng nên!”.

Nguyễn Thị Bình

>> Khánh thành khu di tích lịch sử Đoàn 125
>> Phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động
>> Tự hào thanh niên Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.