Giờ thứ 9 - Hát giữa yêu thương

28/05/2012 09:26 GMT+7

Lời ca của nghệ sĩ làm tăng thêm niềm tin yêu cuộc sống, giúp công nhân hăng say hơn trong lao động sản xuất. Còn nghệ sĩ thấy ấm lòng hơn khi có điều kiện đến với đối tượng công chúng thật sự đang cần tiếng hát của mình

Chương trình Giờ thứ 9 do Đài Truyền hình TP (HTV) kết hợp với Cung Văn hóa Lao động TPHCM tổ chức đã hình thành ngay trong Tháng Công nhân và ngay sau khi CLB Ca sĩ Tiếng hát Truyền hình TPHCM ra đời như một cơ duyên. Qua nhiều đêm diễn (10 chương trình phát sóng), biết bao tình cảm giữa nghệ sĩ với khán giả công nhân đã được vun đắp.

Trải nghiệm sống của nghệ sĩ

Ca sĩ Đông Đào,  Chủ nhiệm CLB Tiếng hát Truyền hình TPHCM, đã bày tỏ niềm xúc động khi đứng trước hàng ngàn công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 1 trong số đầu tiên ra mắt Giờ thứ 9. Tiếng hát ngọt ngào của Đông Đào đôi lúc phải nghẹn ngào vì quá xúc động khi cô nghe rõ tiếng hát của khán giả hòa theo giọng hát của mình. Những ca khúc mang âm hưởng dân ca như Hương tóc mạ non (Thanh Sơn), Còn thương rau đắng mọc sau hè (Bắc Sơn)… đã quá quen thuộc với khán giả công nhân, đa số đều từ các tỉnh ĐBSCL lên TPHCM lập nghiệp. Với NSƯT Thanh Thúy, vừa làm ca sĩ vừa làm người dẫn chương trình cùng MC Vũ Mạnh Cường, không suất diễn nào của Giờ thứ 9 mà chị không được yêu cầu hát đến 5 - 6 ca khúc. Cầu nối thân thương của nghệ sĩ với công nhân chính là sự mộc mạc, chân thành của những gương mặt mà anh chị em công nhân lâu nay chỉ được nhìn ngắm qua màn ảnh truyền hình, nay xuất hiện bằng xương, bằng thịt, xóa bỏ khoảng cách giữa người hát với người nghe. Họ như được chạm vào niềm vui chưa từng có trong bộn bề lo toan của cuộc sống.

Ca sĩ Huỳnh Lợi xúc động: “Những trải nghiệm mà tôi có được qua chương trình này là sự lan tỏa của nỗi khát khao và niềm đam mê. Chúng tôi được thỏa sức ca hát, không bị thúc ép bởi tính thị trường, được nghe, được hòa vào không khí say mê và được trân trọng. Ngàn yêu thương đó chính là ý nghĩa đẹp nhất mà Giờ thứ 9 mang lại cho CLB Tiếng hát Truyền hình, đồng thời mang lại cho số đông công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp”.

Ý thức rõ trách nhiệm làm cầu nối để Giờ thứ 9 trở thành một kênh thông tin vừa mang tính giải trí vừa nâng cao tầm nhận thức cho khán giả về ý nghĩa của Tháng Công nhân có chủ đề “Cùng công nhân vượt khó” do LĐLĐ TPHCM phát động, các ca sĩ trẻ từng tham gia và đoạt nhiều giải thưởng của cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM đã nhiệt tình đến với sân chơi đầy ý nghĩa này. Ca sĩ Đông Quân bày tỏ: “Nếu mỗi tuần diễn một suất, chúng tôi cũng sẽ hăng hái tham gia. Thật xúc động khi các anh chị công nhân thuộc nằm lòng các bài hát truyền thống cách mạng mà chúng tôi đã thể hiện. Có chị công nhân còn nhớ rõ chúng tôi đoạt giải cuộc thi tiếng hát truyền hình năm nào, thậm chí nhớ bài hát nào chúng tôi đã hát ở vòng chung kết xếp hạng”. Ca sĩ Bonneur Trinh nói: “Tôi bước ra sân khấu đã nghe khán giả reo lên Bóng cây kơ nia! Đó là phần thưởng lớn nhất của một ca sĩ. Khán giả công nhân thật tuyệt vời”.

Cần đa dạng, phong phú hơn

Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn, Trưởng Ban Ca nhạc HTV và bà Nguyễn Thị Diệu, Trưởng Phòng Văn hóa Nghệ thuật Cung Văn hóa Lao động TP, đều phấn khởi cho biết qua nhiều đêm diễn và qua 10 số phát sóng trên HTV, Giờ thứ 9 đã trở nên thân quen với khán giả công nhân. Các Công đoàn cơ sở cũng đã hỗ trợ suất ăn chiều cho công nhân của mình tranh thủ lót dạ để thoải mái tham gia chương trình.

Ca sĩ Thụy Vân bày tỏ suy nghĩ: “Theo tôi, nếu nhân rộng mô hình Giờ thứ 9, có thể CLB Ca sĩ Tiếng hát Truyền hình sẽ có nền tảng để phát triển. Các tiết mục sẽ được dàn dựng sao cho ca sĩ cùng hát với công nhân. Các ca sĩ sẽ song ca, tam ca, tứ ca hoặc tổ chức xen vào đó những tiết mục như truyền hình thực tế, hợp ca tranh tài, cặp đôi hoàn hảo giữa công nhân và ca sĩ”.

Ca sĩ Huỳnh Lợi đề xuất: “Phải tăng cường thêm sự tham gia của các diễn viên hài, các nghệ sĩ sân khấu, để Giờ thứ 9 đa dạng hơn. Ca sĩ của CLB Ca sĩ Tiếng hát Truyền hình lúc đó sẽ làm nhiệm vụ tương tác giữa công nhân với các nghệ sĩ tham gia chương trình. Mỗi ca sĩ của CLB sẽ phụ trách một đội, sự tranh tài sẽ hấp dẫn hơn qua các phần thi hỏi đáp”.

MC Vũ Mạnh Cường góp ý: “Tôi và ca sĩ Thanh Thúy lúc nào cũng cố hòa vào các bạn công nhân song gần như vẫn còn rào cản nào đó khiến các bạn chưa thật sự nhập cuộc. Giờ thứ 9 trên thực tế có nhiều mô hình để tổ chức, mở rộng tính giao lưu, tạo sự tương tác qua mỗi tiết mục sẽ làm cho không khí sôi nổi hơn. Ý tưởng này sẽ được thực hiện thuận lợi khi tôi được biết mỗi công ty đều có những đội văn nghệ. Công nhân hát và múa rất chuyên nghiệp. Thậm chí như ở Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, có cả một đội đờn ca tài tử, một đội nhảy hip hop và những diễn viên công nhân biểu diễn ảo thuật, kịch câm... Phát huy được các nhân tố này, đưa họ vào Giờ thứ 9, sẽ là một hướng mở giúp chương trình đi được đường dài và khán giả xem chương trình qua truyền hình cũng thấy hấp dẫn hơn”.

Cần sáng tạo hơn

Xem HTV phát sóng nhiều số liền của chương trình Giờ thứ 9, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân -TPHCM, nói: “Giờ thứ 9 sẽ tạo được cú đột phá khi có sự chung sức giữa Công đoàn các cơ sở với CLB Ca sĩ Tiếng hát Truyền hình TPHCM và các CLB đội nhóm văn nghệ của Cung Văn hóa Lao động TP. Nếu chỉ đóng khung theo hình thức như 10 số phát sóng vừa qua, đến một lúc nào đó sẽ cạn nguồn. Trong khi nhu cầu của công nhân không đến nỗi cho gì cũng ăn được mà phải có sự lựa chọn đúng gu thẩm mỹ của mình. Nơi nào thích nhạc trẻ thì CLB Ca sĩ Tiếng hát Truyền hình cứ cung cấp nhạc trẻ, có tính chọn lọc; nơi nào thích ca cổ, cải lương, tấu hài thì Giờ thứ 9 có thể đặt hàng. Riêng với “cây nhà lá vườn”, sự hoán đổi biểu diễn giữa khu chế xuất này với khu công nghiệp khác sẽ mới mẻ và sinh động rồi bởi đâu phải lúc nào cũng có cơ hội để giao lưu biểu diễn và được lên truyền hình. Cầu nối Giờ thứ 9 cần nhân rộng và phải có tính sáng tạo mới thật sự hấp dẫn khán giả công nhân”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.