Quên hay né ?

23/05/2012 03:25 GMT+7

Vấn đề quan trọng nhất để nhận dạng hành vi rửa tiền, gắn chống rửa tiền với chống tham nhũng, "đường đi" của rửa tiền... đều bị bỏ quên. Phải nhắc lại, những nội dung này đều được góp ý nhiều nhất, đề xuất nhiều nhất khi lấy ý kiến cho dự thảo luật Phòng chống rửa tiền trước kỳ họp Quốc hội lần này.

Vấn đề quan trọng nhất để nhận dạng hành vi rửa tiền, gắn chống rửa tiền với chống tham nhũng, "đường đi" của rửa tiền... đều bị bỏ quên. Phải nhắc lại, những nội dung này đều được góp ý nhiều nhất, đề xuất nhiều nhất khi lấy ý kiến cho dự thảo luật Phòng chống rửa tiền trước kỳ họp Quốc hội lần này.

Còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, dự thảo luật Phòng chống rửa tiền lần đầu tiên được đưa ra thảo luận cũng gây tranh cãi khi chỉ "khoanh vùng" kiểm soát hành vi rửa tiền của người nước ngoài mà "bỏ quên" hành vi rửa tiền của người trong nước. Hoạt động rửa tiền tất nhiên, không phụ thuộc vào... quốc tịch. Đến kỳ họp này, điều mà người dân cũng như nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kỳ vọng nhất vào dự thảo là sẽ góp phần ngăn chặn tham nhũng. Bởi trên thực tế, thói quen sử dụng tiền mặt và không quan tâm đến nguồn gốc tiền khiến hoạt động rửa tiền ở Việt Nam gắn liền với tham nhũng.

Nói cách khác, chống rửa tiền cũng là chống tham nhũng. Chúng ta đều biết, phương thức rửa tiền dễ dàng nhất ở Việt Nam là thông qua các hoạt động đầu tư như thành lập doanh nghiệp, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Vì thế chống rửa tiền phải gắn liền với công khai, minh bạch thu nhập, tài sản cá nhân và coi đây là công cụ hàng đầu để chống rửa tiền. Phải có những quy định cụ thể, chi tiết để "trám" lỗ hổng lớn nhất trong việc kê khai tài sản hiện nay là chuyển tài sản cho con cái, họ hàng, người thân đứng tên... Dự thảo lần này lại bỏ quên hết những điều nói trên mà chỉ chăm chăm vào việc "chặn cửa" ngân hàng. Đó là lý do, có ĐBQH bức xúc nói thẳng, đọc xong dự thảo nếu ông muốn rửa tiền cũng sẽ lách được.

"Chống rửa tiền, phải bắt đầu từ các quan chức"- đó là mong muốn của nhiều ĐBQH cũng như người dân được khẳng định rất rõ ràng từ kỳ họp QH lần trước. Nhưng không khó để nhận ra, những điều mà dự thảo "bỏ quên" hết lần này đến lần khác, đều liên quan trực tiếp đến quan chức. Việc luôn tạo một "khoảng trống" này là lý do mà hầu hết các ĐB đều cho rằng, dự thảo không khả thi. Điều này cũng lý giải vì sao, thành lập đã gần 7 năm nhưng Cục Phòng chống rửa tiền của ta không phát hiện ra một vụ nào.

Xây dựng dự thảo, tổ chức hàng loạt các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, thảo luận tại QH... quy trình này được thực hiện khá đầy đủ, tốn không ít thời gian, công sức, chi phí cũng như tâm huyết của nhiều người. Nhưng ngay cả hành vi thế nào là rửa tiền cũng không được làm rõ; những đề xuất quan trọng, hữu hiệu nhằm chống rửa tiền không được đưa vào... Có vẻ, dự thảo luật Chống rửa tiền chỉ làm cho có.

Dự thảo "quên" hay "né" những nơi nhạy cảm, những đối tượng nhạy cảm, những đường đi nhạy cảm của hoạt động rửa tiền?

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.