Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 3: 5 thanh kiếm độc đáo của Malaysia

23/05/2012 03:09 GMT+7

Trong 6 hiện vật của Malaysia đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử (TP.HCM), có đến 5 thanh kiếm cổ mang phong cách tạo hình cũng như kiểu dáng khác lạ.

>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 2: Tượng Phật Lào
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại”

5 thanh kiếm chế tác từ thế kỷ 19 với lưỡi bằng kim loại và tay cầm bằng gỗ đã thực sự gây chú ý cho khách tham quan vì sự tập trung của loại hình này lạ mắt hẳn so với các cổ vật xuất xứ từ các quốc gia khác.

 Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 3: 5 thanh kiếm độc đáo của Malaysia - nd
Bộ sưu tập 5 thanh kiếm của Malaysia - Ảnh: G.H

* 1 kiếm dài 65 cm, ngang 9 cm (ký hiệu BTLS.4278)

* 1 đoản kiếm dài 52 cm, ngang 6 cm (ký hiệu BTLS.4293)

* 1 đoản kiếm khác dài 58 cm, ngang 7 cm, có tay cầm hình Makara

Makara là loài gì? Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thị Được trong một chuyên khảo về điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ thì: “Makara là loài thủy quái, nguyên thủy là một con cá sấu Ấn Độ to lớn nhưng sau lại (biến dạng) thành một con cá heo Hy Lạp, hoặc giống như con thủy quái sống dưới biển trong Kinh thánh. Trong điêu khắc, dần dần đuôi cá sấu được thay thế bằng đuôi cá, sau lại là cuống của một bông hoa sen. Chỉ có người anh hùng can đảm mới lấy được viên ngọc vô giá từ miệng của Makara và nếu được viên ngọc này người ta có thể làm cho phụ nữ yêu mình say đắm”.

* 2 thanh kiếm gọi là Kris. Một Kris dài 48 cm, ngang 19 cm. Kris còn lại dài 38 cm, ngang 12 cm. Kris thông thường là một loại kiếm ngắn có hai cạnh sắc bén, cạnh phía trên được mài giũa chế thành một dãy khía răng cưa với hình móc, cạnh dưới có thể giũa thành hình đầu voi. Cách giải thích này bắt nguồn từ nhà nghiên cứu Robert Cato trong tài liệu phân tích về kích thước, kiểu dáng các bộ sưu tập kiếm của người Hồi giáo phía nam Philippines.

Các nhà sưu tập và khảo cổ đã ghi nhận trên đất Malaysia (cũng như ở Sumatra, Java, Bali, Timor) có khá nhiều cổ vật Kris. Sự có mặt của sưu tập 5 thanh kiếm Malaysia một lần nữa cho thấy mối giao lưu và tương đồng về văn hóa mỹ thuật của các nước Đông Nam Á.

Thật vậy, một loại Kris ngắn hơn, từa tựa kích thước một chiếc dao găm cổ vốn rất nổi danh ở vùng Acceh (Indonesia) gọi là Kris Modjopahid thường được “sánh đôi” với những bộ y phục cổ truyền để làm đậm hơn bản sắc văn hóa của vùng đất trên, chứ không chủ yếu để chiến đấu thuần túy như những loại khác. Chính ở chức năng đó, các nhà quyền quý thường lấy ngọc, vàng để chạm vào các thanh Kris sắc bén. Đường nét thẩm mỹ và trình độ chế tác thường thể hiện ở bên ngoài vỏ bọc của Kris và cả dưới chuôi.

Loại Kris “quý phái” này có một thanh chạm kim cương do quốc vương Indo để lại đang trưng bày ở Bảo tàng Djakarta. Giao lưu gợi mở qua hình ảnh sưu tập kiếm Kris cũng được ghi nhận bởi những thanh Kris của Việt Nam như Phạm Giảng Thơ và Phan Anh Tú - cán bộ nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử nêu rõ: “Khi sản xuất kiểu Kris truyền thống, các nghệ nhân thường tìm cách biến đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa của dân tộc. Thanh Kris của người Chăm vùng Ninh Thuận - Việt Nam, có lưỡi xoắn nhưng được quan niệm là hình tượng ngọn lửa của thần Shiva, chuôi bằng kim loại; chạm hình Hầu vương Hanuman tư thế ngồi bó gối, 2 tay ôm lấy đầu như những pho tượng nhà mồ Tây nguyên. Người Moro theo đạo Hồi ở Mindanao (Philippines) sử dụng Kris cùng khiên mây. Họ chế tạo Kris theo 3 dạng chính: lưỡi thẳng hoặc hơi cong thể hiện con rắn nằm yên; lưỡi lượn sóng: rắn đang bò; lưỡi kết hợp vừa thẳng vừa uốn sóng: rắn từ trạng thái tĩnh sang chuyển động. Chuôi kiếm là hình ảnh của đầu chim công hoặc chim chào mào với chiếc mỏ và mào dài hơn bình thường.

Ngày nay, nhiều gia đình dòng tộc ở Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam (dân tộc Chăm) vẫn lưu giữ những thanh Kris là báu vật do tổ tiên truyền đời, có khi chúng được phong tước hiệu, nhận nhiều sự tôn kính do những chiến công vang lừng, là niềm tự hào của chủ nhân. Kris biểu hiện địa vị đẳng cấp xã hội hoặc sức mạnh nam tính; có khi chiếc Kris thuộc danh sách lễ vật trong hôn nhân truyền thống. Người ta vẫn còn thấy chúng được giắt bên hông chú rể Indonesia vào ngày cưới. Nổi bật hơn hết là Kris đang được dùng làm binh khí đối kháng trong bộ môn pencak silat, võ cổ truyền của Indonesia mà ngày nay đang trở thành môn thi đấu thể thao quốc tế khu vực Đông Nam Á”.

5 thanh kiếm chế tác từ Malaysia nằm trong bộ sưu tập lớn hơn trước đây gồm 25 thanh kiếm lưu giữ trong kho của Bảo tàng lịch sử có xuất xứ từ nhiều nước với hình dáng khác lạ và độc đáo ở phong cách nghệ thuật tinh tế kết hợp giữa các bộ phận lưỡi, chuôi và bao đựng. Có thể nói, mỗi thanh kiếm là một khí giới lợi hại, đồng thời là một tác phẩm thủ công mỹ nghệ thật sự. Cùng một kiểu dáng, chủ đề trang trí nhưng không thanh kiếm nào giống thanh kiếm nào.

Theo Thông báo khoa học số 2 của Bảo tàng lịch sử (TP.HCM)

Giao Hưởng

>> Trưng bày cổ vật các nước Đông Nam Á
>> Rồng trên cổ vật
>> Ở VN, con rồng là của cả dân tộc
>> Bảo vật quốc gia: Hào quang của cây đèn hình người quỳ
>> Chiếc lọ sứ có hình thiên nga Việt
>> Phát hiện cổ vật mô tả mẹ sinh con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.