Vì sao trẻ trầm cảm?

22/05/2012 11:41 GMT+7

Sống trong một gia đình quá áp đặt hoặc quá buông lỏng, trẻ em đều có thể bị trầm cảm

“Nhiều người cứ nghĩ người lớn mới bị chứ trẻ con biết gì mà trầm cảm nhưng đó là một sai lầm. Có đứa trẻ mới 12 tháng tuổi, sống hồn nhiên hay cười đùa nhưng từ khi chứng kiến cảnh cha mình bị bắt giam, nụ cười đã biến mất trên môi cậu bé. Cháu suốt ngày u sầu. Cháu bé này có dấu hiệu bị trầm cảm”- bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Phó Khoa Thần kinh Bệnh viện 175 - TPHCM, cho biết tại buổi nói chuyện “Nhận biết con trầm cảm” do Trung tâm Tư vấn Trẻ vừa tổ chức.
Lứa tuổi nào cũng có thể bị trầm cảm

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, trầm cảm là cảm xúc tiêu cực, mất hứng thú đối với công việc hoặc cuộc sống, thường xuất hiện phổ biến ở lứa tuổi từ 18 đến 45. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, có khoảng 2% đến 3% trẻ em bị trầm cảm và trầm cảm có thể xuất hiện từ khi trẻ rất nhỏ. Nhiều người mẹ quá bận rộn hoặc không muốn tự nuôi con vì sợ xấu hay nhiều lý do khác cũng rất dễ làm cho trẻ bị trầm cảm khi chưa đầy 1 tuổi. Trẻ sẽ tự cô lập mình, chán ăn, không muốn gần gũi với ai, chậm phát triển, suy dinh dưỡng so với các trẻ khác cùng lứa tuổi.

Ở lứa tuổi 10 - 17, trẻ dễ bị trầm cảm nhất. Nguyên nhân có thể do trẻ sống trong một gia đình độc đoán, không dân chủ, không có sự chia sẻ. Ở những gia đình này, cha mẹ chỉ biết áp đặt con cái mà không cần biết trẻ cần gì, nghĩ gì. Ngược lại, ở những gia đình buông lỏng con cái cũng dẫn đến hiện tượng trẻ bị trầm cảm. Những gia đình này chỉ thỏa mãn nhu cầu vật chất, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi, bỏ mặc con cái muốn làm gì thì làm. Minh chứng cho vấn đề này, một thiếu nữ kể từ nhỏ, cô đã phải chịu áp lực từ phía gia đình khi phải làm người giỏi, xuất sắc trong mọi thứ. Đỉnh điểm là khi thi rớt đại học, cô luôn có cảm giác bồn chồn, lo lắng, cảm thấy vô vọng và tương lai ảm đạm.

Đừng để quá muộn

Chuyên gia tư vấn Võ Thị Minh Huệ cho biết bà từng tư vấn cho một gia đình có ba mẹ làm bác sĩ và cũng muốn con theo nghề mình dù sức học của cậu bé chỉ ở mức trung bình. Năm đầu tiên thi đại học, cậu chỉ đạt 23 điểm nhưng ai cũng vui mừng và tin chắc năm sau cậu sẽ đỗ vào trường y. Năm thứ hai, điểm thi của cậu chỉ còn 20. Cha mẹ lại thúc ép cậu luyện thi để trở thành bác sĩ. Kết quả năm thứ ba, cậu không biết gì ngoài ánh mắt nhìn đăm đăm ra ngoài khung cửa sổ. “Vì sự thúc ép của cha mẹ mà dẫn đến con bị trầm cảm nặng hơn. Giá như cha mẹ lúc ấy suy nghĩ lại, có sự định hướng đúng đắn cho con thì không có chuyện đáng tiếc như vậy”- bà Huệ nhận xét.

Gần đây nhất là vụ 3 nữ sinh ở Đắk Nông rủ nhau tự tử làm mọi người ngỡ ngàng vì các em là những học sinh ngoan, học giỏi. Bác sĩ Nguyễn Văn Ca cho biết lá thư 3 nữ sinh gửi lại cho thấy cái chết của các em đều có nguyên nhân từ gia đình: cha uống rượu đánh đập mẹ, cha mẹ không quan tâm đến con cái, cha mẹ bắt con học suốt ngày… Nếu ngay thời điểm đó, các em tìm được người chia sẻ, thông cảm hoặc tìm được sự an ủi từ người thân thì những cái chết đáng tiếc sẽ không xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Phó Khoa Thần kinh Bệnh viện 175: Cha mẹ là chỗ dựa của con

Đề phòng con bị trầm cảm, cha mẹ phải tạo cảm xúc cho trẻ bằng cách cho chúng cảm nhận được tình yêu thương từ sự ôm ấp, ánh mắt, lời ru… Cha mẹ cần tạo sân chơi cho trẻ bằng cách chơi đùa với chúng. Nhiều bậc cha mẹ mua đồ chơi về ấn vào tay con rồi đi làm việc khác, bỏ trẻ loay hoay mà không biết chơi thế nào. Điều này không phải là tạo sân chơi cho trẻ. Khi con cái gặp khó khăn, cha mẹ phải là chỗ dựa cho trẻ, lắng nghe, chia sẻ, không quát mắng, áp đặt. Đặc biệt, cha mẹ phải giải quyết các tình huống trong gia đình một cách tế nhị, tránh cãi nhau trước mặt trẻ hoặc tránh xảy ra tình trạng ly hôn, ly thân…

Theo Người Lao Động

>> Có thể biết trước trầm cảm sau sinh
>> 6 dấu hiệu chàng yếu sinh lý
>> Trầm cảm dễ dẫn đến chứng mộng du

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.