Lời nhắc nhở của cử tri

22/05/2012 03:51 GMT+7

Nền kinh tế đối mặt với thiểu phát, sản xuất đình đốn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp phá sản… và hàng loạt vấn đề xã hội khác đang chờ đợi thái độ của Quốc hội, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) trong một tháng làm việc sắp tới. Với hơn 1.000 ý kiến, kiến nghị cử tri được gửi tới kỳ họp thứ 3, cho thấy cử tri đang hy vọng và đặt nhiều kỳ vọng vào các quyết sách từ Quốc hội.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của đề án là việc hằng năm Quốc hội sẽ thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số ĐBQH 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc cho từ chức. Không chỉ quyết nghị các vấn đề về nguyên tắc như vậy, lần này, trong đề án, sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012.

Đề xuất này hiện nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH, đoàn ĐBQH và cử tri. Tuy nhiên cũng còn một số câu hỏi được đặt ra, vì rằng, bỏ phiếu tín nhiệm không phải là việc mới, nó được hiến định và luật hóa trong luật Tổ chức Quốc hội từ cách đây 10 năm, chỉ có điều chưa được thực hiện.

Việc chưa từng có trường hợp nào đề nghị của ĐBQH về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện là do cơ chế nhân sự hiện chưa hỗ trợ cho việc áp dụng. Xem ra, ngay cả những quy định có tính khả thi cao như bỏ phiếu tín nhiệm theo kiến nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ VN hoặc của Ủy ban Thường vụ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cũng khó thực hiện. Còn việc đòi hỏi có ít nhất 20% tổng số ĐBQH (tương ứng khoảng 100 đại biểu) kiến nghị Quốc hội mới bàn chuyện bỏ phiếu tín nhiệm càng không thể.

Do vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có thể được thực hiện, nếu như nó được tiến hành hằng năm, áp dụng cho tất cả các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, chứ không phải bỏ phiếu theo đề xuất của một ĐBQH hoặc cơ quan nào của Quốc hội. Kết quả bỏ phiếu đó được coi như một lời nhắc nhở của cử tri, của Quốc hội đối với những người đảm nhận công việc do Quốc hội ủy quyền.

Thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm cũng chính là cách đảm bảo quyền giám sát của Quốc hội, đồng thời tạo cơ chế mới để sàng lọc bộ máy lãnh đạo, mà trong đó tiếng nói của các ĐBQH đóng vai trò quyết định.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.