Nhiều lo ngại về đập Sông Tranh 2

19/05/2012 04:20 GMT+7

Từ đường hầm đập thủy điện Sông Tranh 2 trở ra, nhiều thành viên trong đoàn giám sát Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội (UBKHCN) không khỏi lo lắng.

Nhiều lo ngại về đập Sông Tranh 2
Nước vẫn rò rỉ qua thân đập - Ảnh: Hoàng Sơn

Ngày 18.5, sau khi có chuyến thị sát tại đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), đoàn giám sát UBKHCN Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCN dẫn đầu đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

 

Tôi sẵn sàng mang cả gia đình mình đến sống dưới chân đập

Ông Nguyễn Tài Sơn,
TGĐ Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1

Theo ông Nguyễn Tài Sơn, TGĐ Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1, đơn vị tư vấn thiết kế thủy điện Sông Tranh 2 thì hiện hồ thủy điện đang ở mực nước 156,8 m. Việc khắc phục kể từ ngày 31.3 đến nay đã giảm dần tổng lưu lượng nước thấm, ước tính giảm dần từ khoảng 91,61 lít/giây xuống 71,57 lít/giây. Theo ông Sơn, so với lực gây đổ đập thì lực thấm của nước trong thân đập hiện nay không là gì cả. Đập Sông Tranh 2 vẫn ổn định. “Tôi sẵn sàng mang cả gia đình mình đến sống dưới chân đập”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Võ Tuấn Nhân, Phó chủ nhiệm UBKHCN Quốc hội, nhận định các quan trắc về tình hình thân đập hiện vẫn còn rất sơ sài. Vẫn chưa có cơ sở khoa học để kết luận không có vết nứt bất thường. Cần phải có tổ chuyên gia độc lập đủ trang thiết bị, điều kiện nghiên cứu mới có thể đưa ra kết luận.

Ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm UBKHCN, bày tỏ lo ngại về kiến tạo địa chất tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ông kiến nghị kiểm tra toàn diện thân đập. Theo GS-TS Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học thủy khí Việt Nam, sự cố rò rỉ nước qua đập Sông Tranh 2 là rất nguy hiểm. “Áp lực nước có thể cắt kim loại thì bê tông là không nghĩa lý gì”, ông quả quyết.

 

Áp lực nước có thể cắt kim loại thì bê tông là không nghĩa lý gì

GS-TS Nguyễn Thế Hùng,
Phó chủ tịch Hội Khoa học thủy khí Việt Nam

Trước kết luận của EVN về sự an toàn của đập Sông Tranh 2, GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, bức xúc: “Đây là đập lớn, chỉ  đứng sau đập Sơn La, khi vỡ đập sẽ chết không biết bao nhiêu người. Nói nước thấm qua khe nhiệt là không đúng. Phải đến 20-30 năm sau thì nước mới rò rỉ mạnh như thế. Tôi vào trong đường hầm, nhìn thấy xi măng rộp hết cả rồi”.

Bàn về vấn đề áp dụng công nghệ xây dựng đập bê tông đầm lăn, ông Trần Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp các hội KH-KT Việt Nam, nói: “Thi công đập thủy điện theo công nghệ bê tông đầm lăn thì phải biến công nghệ nước ngoài thành của ta”. Về quy chuẩn công nghệ bê tông đầm lăn, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng thừa nhận có thiếu sót. Ông Vượng nhận định: “Rõ ràng lưu lượng nước thấm qua đập vẫn chưa giảm. Bởi vì vẫn chưa triển khai các biện pháp xử lý cụ thể. Trong thời gian tới, hợp đồng xử lý sự cố sẽ được ký kết, 1-2 tuần nữa nhà thầu sẽ tiến hành xử lý. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 sẽ khắc phục xong”.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCN, kết luận: “Sau khắc phục cần có nghiên cứu, đánh giá lại một cách tổng thể để thấy rằng cách khắc phục như vậy đã an tâm chưa, nếu chưa cần phương án bổ sung”.

Chỉ là phương án tình thế

GS-TS Vũ Trọng Hồng
Ảnh: Nguyệt Minh

Trao đổi với Thanh Niên, GS-TS Vũ Trọng Hồng (ảnh) - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi - phân tích:

Việc phủ một lớp màng polymer lên các khe nhiệt rồi dùng keo dán và bắt vít ở thủy điện Sông Tranh 2 chỉ là phương án tình thế. Bởi lẽ từ nay đến mùa lũ chỉ còn trên hai tháng, chúng ta không còn thời gian để so sánh lựa chọn phương án khác như thi công một lớp bê tông thông thường ở phía thượng lưu đập (như tấm bê tông bản mặt cho đập đá đổ mà Việt Nam đã làm) hoặc khoan phụt tạo màng chống thấm trong thân đập như nhiều nước trên thế giới đã làm. Con đập có tuổi thọ 100-120 năm, còn vật liệu polymer sẽ có tuổi thọ bao nhiêu? Chính tôi đã hỏi phía EVN và các đơn vị lên phương án sửa chữa nhưng họ chưa trả lời được.

Bản thân đập thủy điện vào cuối mùa mưa thì tích nước, mùa khô sẽ xả cạn dần, do đó, sẽ có 4-5 tháng thân đập có 30 - 40 m không ngập nước mà phơi dưới trời nắng, đó sẽ là điều kiện rất bất lợi, khiến lớp polymer sẽ bị lão hóa nhanh hơn so với lớp thường xuyên ngập trong nước.

Vậy phương án căn cơ là phải có một lớp chống thấm bằng bê tông cốt thép phía thượng lưu của đập?

Đập thủy điện Sông Tranh 2 áp dụng tiêu chuẩn Mỹ và tham khảo tiêu chuẩn của Nga, trong tiêu chuẩn Mỹ phải có một lớp chống thấm bằng bê tông cốt thép phía thượng lưu của đập. Tuy nhiên, thực tế ở đập Sông Tranh 2, chủ đầu tư, và thiết kế đã áp dụng công nghệ của Trung Quốc. Thay vì làm một lớp bê tông cốt thép chống thấm, họ lại tăng cường xi măng mặt đập phía thượng lưu, tạo ra lớp bê tông biến thái, coi đây là một lớp bê tông chống thấm. Công nghệ này thực sự đã giúp cho tốc độ thi công đập nhanh hơn so với kết cấu khác. Cho đến nay chúng ta chưa biết Trung Quốc có bí quyết gì để chế tạo loại bê tông đó đủ khả năng chống thấm như bê tông thông thường. Đúng ra, Việt Nam phải có tiêu chuẩn về bê tông biến thái và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Do đó, để đảm bảo tuổi thọ con đập, theo những tiêu chuẩn đã quy định, thì làm một lớp bê tông cốt thép phía thượng lưu của đập là hợp lý nhất.

Thiên Bình
(thực hiện)

Hoàng Sơn

>> Đập Sông Tranh 2: Cần xác định nguyên nhân trước khi khắc phục
>> Đập xả lũ hỏng nặng
>> Chi 50 tỉ đồng “vá” đập Sông Tranh 2
>> Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2: Phải có kịch bản ứng phó
>> Đập Sông Tranh 2 gặp sự cố: Phải có phương án trong trường hợp xấu nhất
>> Sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2: Chưa thể yên tâm
>> Thanh tra các dự án thủy điện
>> Vụ rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2: Chưa ai nhận trách nhiệm
>> Vụ thủy điện sông Tranh 2 gặp sự cố: Nhiều công trình liên quan cũng kém chất lượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.