Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Về quê hương anh hùng Trần Văn Phương

18/05/2012 03:56 GMT+7

Sáng 17.5, tại Tỉnh đoàn Quảng Bình, đoàn công tác Báo Thanh Niên - chương trình Tri ân liệt sĩ Gạc Ma đã đến với gia đình các liệt sĩ ở đây. Quảng Bình là nơi có nhiều liệt sĩ nhất, đến 13 người trong số 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma...

Quảng Bình cũng chính là quê hương của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Mờ sáng ngày 14.3.1988, hải quân Trung Quốc hạ xuồng cho lính tiến về phía lá cờ Việt Nam. Trần Văn Phương, lúc này là Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma đã tổ chức lực lượng, động viên chiến sĩ bình tĩnh, quyết bảo vệ cờ Tổ quốc. Khi quân Trung Quốc xông vào cướp cờ, không sợ hy sinh, Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Tính mạng một chiến sĩ bị uy hiếp, ông xông vào cứu và trúng đạn. Trước lúc chết, ông đã hô vang câu nói bất hủ: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng...”.

Hội trường Tỉnh đoàn Quảng Bình sáng hôm qua khác lạ, bởi sự xuất hiện của những bà mẹ già còm cõi hay người cha chân đi không vững. Họ chính là những người đã sinh ra các anh hùng liệt sĩ hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Để tổ chức gặp mặt và trao tiền hỗ trợ, PV Thanh Niên đã liên hệ trực tiếp với gia đình của 13 liệt sĩ. Tất cả người thân của các liệt sĩ đều rất mong được đến dự dù tuổi già sức yếu. Hơn 24 năm đằng đẵng, họ chờ những giây phút tri ân, những cuộc gặp gỡ như thế này. Vì vậy, nỗi xúc động như vỡ òa trong buổi gặp mặt…

Điều cảm nhận chung, là thân nhân các liệt sĩ đều đã già cả và khó khăn về kinh tế. Chị Trần Thị Liễu (ở xã Duy Ninh, H.Quảng Ninh; vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong) kể với chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe: “Khi anh ấy hy sinh thì thằng cu sau mới hơn 1 tháng tuổi. Lúc mới sinh nó chỉ nặng 1,5 kg, thời đó phải đi xin sắn xay mà ăn chứ gạo không có”. Chị Liễu cũng đi bộ đội, đơn vị đóng ở Tây nguyên, sau đó phục viên. Bây giờ chị sống một mình và kinh tế cũng chẳng khá hơn những năm cơ hàn là mấy. Chị dựa vào 4 sào ruộng khoán, chăm được con lợn lớn lên tí thì đổ bệnh, lại không có tiền mua giống mới. Hỏi làm gì khi nhận được 20 triệu đồng hỗ trợ này, chị trả lời ngay: “Mua 2 con lợn giống về nuôi”.

Mẹ Trương Thị Ngữ, 74 tuổi, ở xã Hải Ninh, H.Quảng Ninh, mẹ của liệt sĩ Trương Văn Hướng nói với chúng tôi trong nước mắt: “Mẹ chừ già rồi, sống nay chết mai, ước ao cuối cùng của cuộc đời mẹ bây chừ là tìm được hài cốt của thằng Hướng. Người ta chết có mồ, có mả, còn hắn chết thì chẳng còn chi hết…”. Không chỉ một mình mẹ có ước ao như thế mà hầu như tất cả các mẹ, các cha của các liệt sĩ đều nói với chúng tôi như thế trong nước mắt. Biết đến bao giờ?

Nhưng dù hoàn cảnh nào thì Trường Sa vẫn luôn ở trong tim của những người mẹ, người cha, vợ và con của các liệt sĩ. Vì thế, Trần Thị Thủy (con của liệt sĩ Trần Văn Phương) mới tình nguyện công tác tại huyện Trường Sa; hay Nguyễn Tiến Xuân (con của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong) đang miệt mài theo học hải quân và mong muốn một ngày nào đó được làm nhiệm vụ nơi cha mình đã ngã xuống.

Quảng Bình là điểm đến thứ 3 sau Đà Nẵng và Quảng Trị của chương trình Tri ân liệt sĩ Gạc  Ma. Tính đến nay, Báo Thanh Niên và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã gặp gỡ và tặng quà cho gia đình 25 liệt sĩ với số tiền 500 triệu đồng. Hôm nay (18.5), đoàn gặp gỡ và tri ân các gia đình liệt sĩ tại Thanh Hóa.

Trần Đăng - Tấn Tú - T.Q.Nam

>> Các "hiệp sĩ" lại lập công
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.