Ngang nhiên thâu tóm biển Đông

17/05/2012 03:00 GMT+7

Mới đây, Cục Ngư chính Trung Quốc công bố việc thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ ngày 16.5 - 1.8.2012. Như vậy, một lần nữa, Trung Quốc lại có hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam và khiến tình hình biển Đông thêm bất ổn.

Đây là minh chứng rõ ràng nhất về sự bất nhất giữa lời nói và hành động của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông.

Thời gian qua, Trung Quốc vẫn thường xuyên lên tiếng kêu gọi đối thoại, sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Đồng thời, nước này cũng tham gia ký kết Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) lẫn Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Thế nhưng, trong thực tế, Trung Quốc lại có nhiều hành động đi ngược lại những tuyên bố trên. Cụ thể hơn, Bắc Kinh đang đơn phương thực hiện ý đồ thâu tóm tất cả các nguồn lợi tại khu vực này.

Hàng loạt tàu ngư chính và hải giám Trung Quốc quần thảo trên khắp biển Đông, sẵn sàng bắt bớ những ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta. Lực lượng tàu ngư chính và hải giám đang được tăng lên cả về số lượng lẫn trang bị. Tiếp đến, Bắc Kinh tự cho mình quyền được ban hành luật pháp trên vùng biển này. Bằng chứng là chính quyền Trung Quốc đơn phương quy định thời điểm nào được phép đánh bắt. Không riêng gì nguồn lợi thủy sản, Bắc Kinh cũng muốn độc quyền khai thác tài nguyên dầu khí trên biển Đông. Gần đây, Trung Quốc ngang nhiên yêu cầu Ấn Độ đình chỉ hợp tác khai thác dầu khí cùng Việt Nam tại khu vực này. Thực tế, quan hệ hợp tác của Việt Nam với Ấn Độ hoàn toàn hợp pháp. Trong khi đó, Trung Quốc lại liên tục đưa các tàu thăm dò, giàn khoan hiện đại đến biển Đông. 

Các dẫn chứng trên cho thấy khó có việc Trung Quốc sẽ tuân thủ những quy định, ứng xử mà quốc tế đặt ra về tranh chấp trên biển Đông. Ngoài ra, nước này cũng liên tục từ chối đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. Vì thế, nếu chúng ta chỉ vận dụng các biện pháp phản đối trực tiếp đối với Trung Quốc thì xem như đúng ý nước này khi Bắc Kinh đang muốn xử lý song phương.

Chính vì vậy, Việt Nam cần chủ động hơn nữa để tranh chấp trên biển Đông được phân xử công bằng bởi thế giới. Theo đó, chúng ta cần lập tức kiến nghị phản đối và yêu cầu Liên Hiệp Quốc xử lý những hành vi của Trung Quốc xâm phạm đến chủ quyền Việt Nam, chứ không dừng lại ở phản kháng song phương. Trong từng trường hợp, chúng ta cũng đưa ra những yêu cầu bồi thường cụ thể mà Trung Quốc phải đáp ứng. Tất cả những nỗ lực đó nhằm khiến thế giới hiểu rõ hơn về những hành động sai trái mà Bắc Kinh gây ra. Về lâu dài, những kiến nghị, yêu cầu như thế sẽ tạo thành một chuỗi ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc trong những hành vi trên biển Đông.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.