Duyệt phim như thế nào ?

15/05/2012 03:14 GMT+7

Từ sự việc Cục Điện ảnh quyết định cấm chiếu bộ phim kinh dị Bẫy cấp 3 do nội dung không phù hợp cho thấy cần phải có những quy định rõ ràng hơn trong việc duyệt hay không duyệt một bộ phim.

“Án trảm”

Bẫy cấp 3 là phim thứ 3 trong năm nay bị cấm chiếu (2 phim trước là phim ngoại: Ghost rider 2 và The Hunger games). Phim giải trí Việt bị cấm là sự kiện gây chú ý, bởi đa phần các bộ phim nội đều luôn được ưu ái, cùng lắm là yêu cầu chỉnh sửa, cắt gọt chứ không có chuyện cấm chiếu hẳn. 

Diễn viên Trương Nam Thành và Mi Minh trong phim Bẫy cấp 3
Diễn viên Trương Nam Thành và Mi Minh trong phim Bẫy cấp 3 - Ảnh: Megastar
 

Lý do Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim Quốc gia không duyệt Bẫy cấp 3 nguyên văn trong thư gửi nhà phát hành Megastar là: “Bộ phim xoay quanh chuyện một học sinh vì hận cha mẹ lạnh nhạt, bạn bè coi thường, trong chuyến đi chơi với bốn bạn cùng lớp đã sắp đặt một chuỗi các sự kiện như những cái “bẫy” để lần lượt giết chết những người bạn cùng đi và hai người vô tội khác. Phim một mặt mô tả khát khao chuyện “giường chiếu” của một số cô cậu tuổi “teen”, mặt khác phản ánh sự thù hận của nam sinh đã ra tay giết người dã man, mất nhân tính, từ đó mang tính kích động bạo lực. Nội dung phim không phù hợp với đạo đức, lối sống VN, đặc biệt là đối với lứa tuổi của học sinh trung học”. Trên cơ sở nhận định này, Cục Điện ảnh “không đồng ý cho phép phổ biến bộ phim Bẫy cấp 3 dưới bất kỳ hình thức nào”, và thông báo để Megastar “biết và không để lọt bộ phim ra thị trường” vì vi phạm điều 11 luật Điện ảnh và điều 9 Nghị định 54/2010/NÐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều trong luật Điện ảnh và luật sửa đổi, bổ sung luật Điện ảnh về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.

 

Tôi cũng chưa biết cái ranh giới giữa việc làm thế nào thì được phát hành còn làm thế nào thì sẽ bị cấm

Nhà sản xuất Trần Trọng Dần

Trong khi đó, nhà sản xuất Trần Trọng Dần lại cho rằng: “Đây chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí, vui vẻ và có chút rùng rợn, tôi nghĩ tôi chỉ biết làm công việc của mình, hoàn toàn không có ý làm gì quá đáng, cũng chưa biết cái ranh giới giữa việc làm thế nào thì được phát hành còn làm thế nào thì sẽ bị cấm; và những người trong Cục Điện ảnh họ làm công việc của họ là bảo vệ văn hóa thì tôi nghĩ họ có lý do, luật lệ riêng để họ làm vậy. Thế nhưng, quyết định này rất tai hại cho những người đầu tư vào điện ảnh và tội nghiệp cho những người làm phim. Thậm chí còn làm ảnh hưởng tới một số dự án khác mà người nước ngoài muốn đầu tư làm phim vào VN. Tôi nghĩ cái này mới là quan trọng và nó cũng là một sự thiệt thòi cho khán giả. Điện ảnh VN sẽ không ngừng lớn mạnh chứ không dừng lại vì những quyết định như thế này”.

Dán nhãn phân loại

Chưa có khán giả nào xem bộ phim này để mà tự thẩm định bộ phim “kinh dị” đến mức nào mà bị cấm chiếu. Nhiều khán giả am hiểu điện ảnh đã nêu rõ quan điểm cần có sự phân loại rõ ràng hơn về độ tuổi xem phim. Chẳng hạn, theo quy chuẩn của Hollywood thì NC-17 là cấm khán giả dưới 18 tuổi, R là khán giả dưới 17 tuổi cần có cha mẹ xem kèm, PG-13 là khán giả dưới 13 tuổi cần có cha mẹ xem kèm, PG là trẻ em cần có cha mẹ xem kèm và G là dành cho tất cả đối tượng khán giả. Dĩ nhiên ở VN không thể theo tiêu chuẩn của Hollywood, nhưng một khi đã dán nhãn phân loại đối tượng khán giả rồi thì Hội đồng duyệt sẽ thông thoáng hơn bởi chỉ cần dán nhãn, chứ không phải tuyên bố cấm chiếu phim này phim kia.

Ở VN hiện chỉ có phân loại: phim được phổ biến rộng rãi cho mọi đối tượng và phim cấm khán giả dưới 16 tuổi. Việc có sự phân loại rõ ràng về các độ tuổi được xem là điều cần thiết để khán giả VN có lựa chọn đúng đắn hơn khi đi xem phim và giúp cho các nhà làm phim được rộng đường sáng tạo. Có đạo diễn tuyên bố thẳng thừng: “Chừng nào những quy định về duyệt phim chưa  rõ ràng, cụ thể thì chúng tôi chưa yên tâm  để làm phim”. Một môi trường làm phim tốt bao gồm trong đó yếu tố công tâm, minh bạch và sự thông thoáng và cấp tiến trong thẩm định, xét duyệt.

Chuyện cấm chiếu một bộ phim cần được cân nhắc và có thẩm định công phu, bởi để làm ra một bộ phim nhựa, không chỉ là tiền của, mồ hôi, công sức của nhà sản xuất mà còn cả một tập thể hơn trăm người trong đoàn làm phim.

Quy định còn rất chung chung

Điều 9, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh số 31/2009/QH12 với Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, theo nhiều người trong giới nhận xét vẫn còn rất chung chung và chưa cụ thể rõ ràng để người làm phim biết tự giới hạn, kiểm duyệt mình. Đồng thời mỗi người đều có những chủ quan riêng để đánh giá. Khi muốn áp đặt chủ quan điều gì thì người có “quyền” trong tay luôn thắng thế, chỉ “tội” cho các nhà sản xuất, đạo diễn khi bị rất nhiều thứ rủi ro bủa vây để một bộ phim có thể đến với công chúng.

Phim bị quy định cấm chiếu trong điều 9 như sau: 1 - Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết phỉ báng, xúc phạm quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước; miệt thị dân tộc, tôn giáo. 2 - Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim. 3 - Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục.

4 - Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện sự dung thứ hoặc đồng tình với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái. 5 - Đặt tên phim gây phản cảm, thô tục. 6 - Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết có nội dung trái pháp luật mà không thuộc quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.

Phan Cao Tùng

>> “The Avengers” cán mốc doanh thu 1 tỉ USD
>> Phim "Bẫy cấp 3" không được duyệt chiếu rạp
>> Ba phim dành cho teen Việt sắp ra mắt
>> Bẫy cấp ba" không phù hợp chiếu ở Việt Nam
>> Kịch ma hết chiêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.