Đến với gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa

15/05/2012 15:07 GMT+7

(TNO) Sáng 15.5 tại TP.Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ chính thức khởi động chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa”, hỗ trợ 64 gia đình liệt sĩ với tổng số tiền 1,28 tỉ đồng.

>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma

Sáng 15.5 tại UBND P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa” đã gặp gỡ và trao tiền hỗ trợ đợt đầu tiên cho thân nhân 10 liệt sĩ ở TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Đây là chương trình do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, Báo Thanh Niên tổ chức cùng sự tài trợ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhằm tri ân, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cho thế hệ trẻ.


Ông Lê Văn Xuân (bên trái, 63 tuổi, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), cha liệt sĩ Lê Văn Xanh cho biết kỷ vật còn lại của liệt sĩ Xanh chỉ là tấm áo hải quân rách nát - Ảnh: Nguyễn Tú

Theo dự kiến từ ngày 15.5 đến 27.7, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ sẽ trao số tiền 1,28 tỉ đồng cho gia đình 64 liệt sĩ (20 triệu đồng/gia đình) góp phần trợ dưỡng cha mẹ các liệt sĩ đã tuổi cao sức yếu, giúp đỡ anh chị em vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Trong trận hải chiến ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có 10 chiến sĩ hi sinh, trong đó riêng P.Hòa Cường (cũ) có đến 7 liệt sĩ. Các liệt sĩ còn lại ở P.An Hải Tây, P.Bình Hiên và xã Điện Thắng Trung, H.Điện Bàn.

Sau khi chia tách phường, gia đình 7 liệt sĩ tại Hòa Cường hiện chỉ còn lại 4 gia đình ở vị trí cũ nay là P.Hòa Cường Bắc, 2 gia đình chuyển sang P.Hòa Cường Nam và 1 gia đình chuyển đến P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ.

Ly tán là vậy, nhưng 7 gia đình liệt sĩ Hòa Cường, đặc biệt là những người mẹ liệt sĩ vẫn giữ liên lạc với nhau rất khắng khít. Nhưng do tuổi cao sức yếu, các mẹ ít có dịp đến thăm hỏi nhau như xưa. Do vậy mà gặp lại nhau sáng 15.5 tại UBND P.Hòa Cường Bắc, các mẹ mừng vui chuyện trò thắm thiết như người một nhà.


Anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và anh Nguyễn Quang Thông (bên phải), Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Xanh - Ảnh: Nguyễn Tú

Bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự, năm nay đã 80 tuổi, gặp lại bà Hồ Thị Lai (76 tuổi, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng) bà mừng lắm, vì hồi đầu tháng 5, bà Muộn ra viện cũng là lúc bà Lai phải nhập viện vì bệnh cao huyết áp.

“Hồi còn khỏe, bả với tui hay qua nhà nhau ăn trầu cho đỡ buồn, chừ đi lại khó quá, lâu rồi cũng không gặp bả, không biết tui với bả còn có nhiều dịp gặp nhau nữa không”, bà Muộn nói.

Giữa 64 người mẹ liệt sĩ từ Khánh Hòa đến Hải Phòng cùng mang nỗi đau mất con vào ngày 14.3.1988, có lẽ không ai cùng lúc phải chịu cảnh mất hai người thân như bà Muộn. Năm 1988, ngày chồng bà Muộn là ông Phan Văn Bé qua đời cũng là lúc bà nhận được hung tin báo về: con trai thứ 7 của bà là Phan Văn Sự hi sinh ngoài đảo Gạc Ma, Trường Sa.


Ông Lê Xuân Hòe, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (bìa trái), anh Nguyễn Quang Thông (giữa), Tổng biên tập Báo Thanh Niên thăm hỏi ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Xanh - Ảnh: Nguyễn Tú

Do đó, ngày nay hai cha con liệt sĩ Phan Văn Sự cùng chung ngày giỗ. Hiện con cái của bà Muộn đều có hoàn cảnh khó khăn, bà đang sống và điều trị bệnh tiểu đường ở gia đình con trai thứ 6 là anh Phan Văn Dân. Hằng ngày anh Dân làm thợ mộc nuôi mẹ cùng vợ và 2 con nhỏ.

Còn mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi là Nguyễn Thị Trước, 75 tuổi, đến gần cuối đời vẫn nhọc nhằn lo cho con cái. Mẹ Trước sinh hạ 7 người con, ngoài liệt sĩ Lợi hi sinh ở đảo Gạc Ma thì anh Phạm Văn Chung cũng qua đời vì bạo bệnh khi mới 44 tuổi.

Hiện mẹ Trước ở tại 18 Lưu Nhân Chú, P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng và chăm sóc con trai út Phạm Văn Tâm bị tâm thần. Thương mẹ, anh Phạm Văn Long hiện vẫn chưa lập gia đình mà đi phụ thợ hồ nuôi mẹ và em trai.

Anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết: “Dù được sự chăm sóc tận tình của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan, song thời gian qua, cuộc sống của những người cha, người mẹ của những anh hùng liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa vẫn còn nhiều lo toan, vất vả, đặc biệt là khi tuổi cao sức yếu, ốm đau bệnh tật. Thực hiện chương trình đền ơn đáp nghĩa mà cụ thể là chương trình Nghĩa tình biển đảo của Trung ương Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Báo Thanh Niên phối hợp cùng các nhà tài trợ sẽ trao tận tay toàn bộ số tiền 1 tỉ 280 triệu đồng cho 64 gia đình liệt sĩ từ Khánh Hòa đến Hải Phòng”.


Trao tiền hỗ trợ cho 10 gia đình liệt sĩ đầu tiên của chương trình - Ảnh: Nguyễn Tú

Sau TP.Đà Nẵng, chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa” sẽ đến với Quảng Trị vào ngày 17.5, và ngày 19.5 sẽ trao tiền hỗ trợ cho 13 thân nhân liệt sĩ ở Quảng Bình.

Các gia đình liệt sĩ còn lại trên cả nước sẽ do Ban Bạn đọc và các Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên cùng địa phương thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ.

Trần Đăng - Tấn Tú - Nguyễn Tú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.