Chống lại đối thủ mạnh hơn

13/05/2012 03:48 GMT+7

Các nước khu vực Đông Nam Á đang cố gắng đảm bảo khả năng phòng vệ hữu hiệu nếu phải xung đột với một lực lượng hải quân hùng mạnh.

Gần đây, chuyên gia Felix K.Chang của Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ) đưa ra báo cáo mang tên China’s naval rise and the South China Sea. Nội dung báo cáo là những đánh giá về thế trận quân sự tại khu vực Đông Nam Á trước sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc.

Theo đó, suốt những năm gần đây, phát triển lực lượng hải quân hùng mạnh đóng vai trò “xương sống” của chiến lược tăng cường vũ trang mà Trung Quốc đề ra. Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc trang bị thêm 2 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp 093 cùng 4 tàu ngầm hạng Kilo, 3 tàu ngầm lớp 039, 1 tàu ngầm lớp 041. Kèm theo đó, hải quân nước này còn biên chế thêm 2 tàu khu trục lớp 052C, 2 tàu khu trục lớp 052B, 1 tàu khu trục lớp 051B, 2 tàu hộ tống lớp 054, 4 tàu khu trục lớp 053, 2 tàu mẹ đổ bộ lớp 071. Ngoài ra, nước này còn thực hiện hàng loạt dự án chiến hạm từ tàu tấn công nhanh, tàu mang tên lửa đến tàu đổ bộ. Trước đó, vào thập niên 1990, Bắc Kinh đã bổ sung khoảng 10 tàu chiến thuộc nhóm khu trục hạm và hộ tống hạm.

Chống lại đối thủ mạnh hơn 1 
Không quân Singapore sở hữu nhiều chiến đấu cơ F-16 - Ảnh: Defence.gov.au

Song hành cùng hải quân, không quân Trung Quốc cũng liên tục được phát triển để thực hiện chiến lược kết hợp không - biển nhằm nới rộng tầm hoạt động. Chuyên gia Chang nhận định Bắc Kinh hiện đang vươn đến khả năng hoạt động không - hải quân ra đến 1.500 km tính từ đảo Hải Nam. Cùng quan điểm, tờ The Economist đánh giá nỗ lực phát triển hải quân của Trung Quốc nhằm theo đuổi chiến lược thiết lập 2 vành đai kiểm soát trên biển. Vành đai thứ nhất trải dài từ cực nam Nhật Bản, vòng qua Đài Loan và chạy dọc theo “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền” trên biển Đông, rồi đóng lại tại đảo Hải Nam. Vành đai thứ hai kéo từ khoảng giữa Nhật Bản xuống tận châu Úc. Vành đai thứ hai đóng vai trò “giới tuyến” chia đôi Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang hướng đến như nhiều học giả từng nhận định. Việc Bắc Kinh nỗ lực thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên cùng các loại chiến đấu cơ hỗ trợ và tên lửa chống tàu sân bay DF-21D được cho là nhằm hướng đến kế hoạch trên. Tuy nhiên, cũng vì chiến lược quá rộng nên lực lượng hải quân Trung Quốc phân tán ra nhiều khu vực. Ví dụ, số tàu chiến trên của Trung Quốc được phân cho 3 hạm đội là Nam hải, Đông hải và Bắc hải. Hạm đội Nam hải phụ trách khu vực Đông Nam Á, hạm đội Đông hải bao quát Đài Loan, hạm đội Bắc hải chịu trách nhiệm khu vực Đông Bắc Á gần Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Chống lại đối thủ mạnh hơn 2 
Lược đồ 2 vành đai kiểm soát mà Bắc Kinh muốn hướng đến - Đồ họa: Hoàng Đình

Nỗ lực của Đông Nam Á

Trong khi đó, không nhằm vươn tầm kiểm soát diện rộng, các nước Đông Nam Á tập trung đẩy mạnh khả năng phòng vệ theo xu hướng phi đối xứng. Đó là tăng cường các loại khí tài có tính linh hoạt cao, đủ sức chống trả hiệu quả trước các cuộc xung đột với đối thủ mạnh hơn, theo báo cáo China’s naval rise and the South China Sea.

Singapore đang ngày càng tự tin vào khả năng phòng thủ hiệu quả với nhiều vũ khí hiện đại. Bên cạnh các phi đội chiến đấu cơ F-15GS, nước này cũng sở hữu những chiếc F-16 tối tân do Mỹ sản xuất. Kèm theo đó, Singapore sẽ sớm thay thế một phi đội máy bay cảnh báo sớm E-2C bằng loại Gulfstream G550s đời mới do Mỹ cung cấp. Dưới biển, nước này hiện có 4 tàu hộ tống lớp Formidable chở được cả trực thăng chiến đấu đa nhiệm và sẽ sớm hoàn tất việc trang bị thêm 2 tàu ngầm cực êm lớp Archer. Giống như Singapore, Malaysia cũng liên tục bổ sung những khí tài hiện đại. Gần đây, Malaysia đã mua thêm 2 tàu khu trục lớp Lekiu, 2 tàu ngầm lớp Scorpene cùng 18 chiến đấu cơ Su-30MKMs. Ngoài ra, nước này còn sở hữu chiến đấu cơ F/A-18D Hornet hiện đại do Mỹ sản xuất.

Indonesia cũng không ngồi yên. Cuối năm ngoái, Reuters đưa tin Washington sẽ sớm bán 24 chiến đấu cơ F-16C/D thế hệ mới cho Jakarta. Cũng trong năm ngoái, Indonesia ký hợp đồng mua 3 tàu ngầm lớp Jang Bo-go và 16 máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu cơ hạng nhẹ T-50 Golden Eagle đều của Hàn Quốc. Hiện tại, nước này đang sở hữu nhiều loại máy bay chiến đấu như F-16A/B, Su-27SK, Su-30MK cùng 4 tàu hộ tống lớp Sigma. Cũng tại Đông Nam Á, Thái Lan đang là một trong số hiếm các nước trên thế giới sở hữu tàu sân bay.

Không riêng gì các nước trên, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng từng bước trang bị tàu ngầm, tàu hộ tống và tên lửa hiện đại. Hầu hết các loại khí tài mà các nước Đông Nam Á đang trang bị đều đảm bảo khả năng tác chiến trong khu vực chủ quyền. Ngoài ra, các nước này còn phát huy sức mạnh từ các căn cứ đất liền để tạo nên một mạng lưới phòng vệ hữu hiệu.  

Tàu chiến đấu ven bờ của Mỹ tại Singapore

 Chống lại đối thủ mạnh hơn 3
Tàu tấn công nhanh của Mỹ sẽ sớm hiện diện tại Đông Nam Á - Ảnh: US Navy

Đầu năm nay, chuyên gia hải quân James Holmes có bài phân tích đăng trên chuyên trang quân sự DefenceNews, về việc Mỹ sắp triển khai tàu chiến đấu ven bờ (LCS) đến đồn trú luân phiên tại Singapore. Theo chuyên gia Holmes, đây là một quyết định rất sáng suốt của Washington. Mặc dù chẳng mất nhiều chi phí và những đánh đổi chính trị, nhưng việc đồn trú LCS có tác dụng không thua kém một hạm đội quy mô. Trước hết, các tàu chiến đấu ven bờ vẫn đảm bảo vai trò đại diện cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Ngoài ra, loại tàu chiến này cũng đủ sức can thiệp nhanh chóng những cuộc xung đột trong khu vực khi cần thiết. Nếu những cuộc xung đột bùng phát rộng và dai dẳng hơn, Washington vẫn có thể kịp thời triển khai lực lượng từ hạm đội Thái Bình Dương trong khi LCS đang “giữ chân” đối phương. Ngoài ra, các LCS còn phù hợp với chiến lược tấn công nhanh lẹ mà Mỹ đang theo đuổi.

Ngô Minh Trí

>> Trung Quốc bác tin chuẩn bị khai chiến với Philippines
>> Báo Trung Quốc đe dọa Philippines
>> Tàu chiến Mỹ ở Singapore 10 tháng
>> Indonesia mua thêm 37 xe tăng Nga
>> Trung Quốc bị tố chèn ép ngư dân Philippines

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.